"Đời vẽ tôi tên mục đồng…"

AN BÀNG 28/03/2015 10:24

Có những sớm mai đường phố thật yên, từ hẻm nhỏ vang ra những tình khúc của Trịnh. Cứ vậy, ca từ, giai điệu thấm vào tinh khiết của buổi vắng người. Cũng có những đêm thật khuya, phố ngủ tự bao giờ, miệng lại khe khẽ vài ca từ kiểu như “những hẹn hò từ nay khép lại, thân nhẹ nhàng như mây...” như một ám ảnh về những từ biệt miên viễn.

Tròn 14 năm ngày ông ra đi. Người mộ điệu hằng ngày vẫn giữ cho riêng mình một vòng hoa về người nhạc sĩ tài hoa – một “kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận”. Có lẽ với nhiều lớp tuổi, nhạc Trịnh Công Sơn không cần phải lui cui thuộc lớp lang ca từ. Cũng không kén người này kẻ nọ với tai nghe đạt trình độ. Bản nhạc nào cũng như một đóa hoa, người ngắm lúc hoàng hôn bảo đẹp nỗi cô đơn, kẻ ngắm lúc bình mình bảo đẹp vẻ kiêu kỳ. Kiểu gì thì cũng đẹp. Đẹp bởi đó là cảm xúc, điều trước nhất để mỗi tác phẩm nghệ thuật ra đời và tồn tại. Nhạc của Trịnh, như lời ông nói: “vì có tình yêu nên có âm nhạc. Vì có khổ đau nên có âm nhạc. Có hạnh phúc nên cũng có âm nhạc” và “tôi đến với âm nhạc có lẽ cũng vì tình yêu cuộc sống”. Chọn là “người tình của thiên nhiên, là người bạn của những em bé” nên nhiều bản nhạc của Trịnh Công Sơn, nghe buồn nhưng trong trẻo lắm. Mọi triết lý dù cao siêu, dù viết bằng những ngôn từ khó hiểu ngay, nhưng giai điệu lại dịu, lại “nhẹ nhàng như mây”. Và lúc nào, nghe ông, tuổi trẻ như tôi – tuổi trẻ chỉ biết nỗi tang thương của bom đạn, của chia lìa qua sách vở, qua một lăng kính khác, luôn thấy day dứt, thấy u uẩn, thấy mình đang vùi vào cuộc buồn của những linh hồn buồn nhất. Nỗi buồn nhẹ như thinh không nhưng sâu như vực thẳm. Sự u hoài ấy của Trịnh, phải chăng, là một nỗi cô đơn của tuổi trẻ, nỗi buồn của những đổ vỡ và tan hoang, từ đời thực. Nên nếu có thể, thì nhạc Trịnh Công Sơn chính là “một phần lịch sử” chép lại tâm hồn của một thế hệ đầy ẩn ức trong loạn ly.

Họa sĩ Tạ Tỵ, trong “Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay”, xuất bản trước 1975, viết: “Trịnh Công Sơn vào đời với vóc dáng độc đáo, với những đắm đuối đến tận cùng của đam mê, hòa trộn cùng niềm đau thương rã cánh của một tâm hồn ngu ngơ, nhìn cuộc đời với lo sợ và chán chường. Chính vì những mâu thuẫn nội tâm phát triển một cách quá mạnh mẽ trong mỗi suy nghĩ, nên tiếng nhạc của Sơn lúc nào cũng choáng váng, ngây ngất trong từng vũng âm thanh run rẩy, nghẹn ngào để chạy trốn vào tiềm thức của người thưởng ngoạn”. Ca khúc viết cho chiến tranh, ca khúc viết cho tình yêu và những ca khúc viết cho thân phận, lúc nào cũng đăm đắm suy tư. Âm giai câu chuyện nào cũng trôi về phía mong manh. “Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè, ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương, còn có ai không, còn người, ôi nhân loại, mặt trời và em thôi! (Xin mặt trời ngủ yên).

Người nhạc sĩ tài hoa đã “lên đường phiêu linh”, sau những ngày rong ruổi cõi tạm ở khung trời của nỗi cô đơn… Người ta vẫn hát nhạc ông, như một thúc bách hối hả từ vô thường. Thì cứ vậy, để nẻo về dù rằng thê thiết, dù rằng “một ngày như mọi ngày, bóng đổ một mình tôi”, thì những sầu muộn vẫn có chỗ để nương nhờ…

AN BÀNG

AN BÀNG