Xem tuồng trong lễ kỳ yên

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 14/03/2015 10:21

Làng tôi có miễu làng (còn gọi là miếu) ẩn mình dưới một gốc cây đa đọt đỏ cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Trong chiến tranh, tất cả công trình kiến trúc và những cây lớn đều bị san bằng, nhưng cây đa và miếu làng lạ thay vẫn còn nguyên vẹn! Ngày xưa, các cụ già kể Thành hoàng thờ ở miếu. Đến lễ cúng làng mới rước về đình. Miếu làng tôi có tên gọi không biết từ đâu là miễu Ông Sỏi, tương truyền rất thiêng.

Trước và trong chiến tranh, mỗi năm làng đều có hai lượt cúng miễu làng, gọi là  “xuân thủ kỳ yên” vào đầu tháng 2 âm lịch và, “thu tế kỳ yên” vào tháng 10. Lễ vào mùa xuân còn có tên gọi là cúng Phước Lộc Thọ rất quan trọng. Vào dịp đó, làng thường mời một gánh hát bội về diễn mấy đêm liền trên sân khấu dựng ngay trước miếu làng…

Chuẩn bị trước giờ diễn tuồng. ảnh: XUÂN HIỀN
Chuẩn bị trước giờ diễn tuồng. ảnh: XUÂN HIỀN

Theo phong tục từ xưa, các tỉnh, huyện, làng ở Quảng Nam mỗi nơi đều có một ngôi đình thờ thượng đẳng linh thần do các nhà vua triều Nguyễn sắc phong hoặc thờ một vị thần vô danh gọi là thần hoàng bổn cảnh. Có nơi lại thờ một vị thánh thần như Quan Công, Nhạc Phi, bà Thiên Hậu, bà Ngũ Hành, bà Chúa Xứ, bà Cửu Thiên… để dân làng có nơi chiêm bái, cầu xin phúc lành, cho làng xóm, đất nước, cho gia đình, cho bản thân. Lễ cúng kỳ yên còn gọi là lễ cầu an diễn ra vào đầu năm, cũng là lúc nông dân còn thong thả trước mùa thu hoạch. Bên cạnh lễ cầu mong phúc lành cho năm mới là các hoạt động vui chơi, văn nghệ. Đây cũng là dịp cho trai gái trong làng hẹn hò nhau.

Lễ kỳ yên ở miếu làng cũng như lễ ở đình do một ban cổ lễ gồm các vị bô lão, hội  đồng chư tộc trong làng đứng ra chủ trì, sách vở ghi là Ban quý tế. Sau lễ tế cáo trời đất, cung thỉnh thánh thần, nguyện cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…diễn ra khoảng 30 phút nhưng rất long trọng. Vị cao niên uy tín nhất trong làng được mời làm Chấp sự khởi lễ Xây chầu, đánh ba hồi trống, xướng lời cầu phúc cho dân làng. Tiếp đó là các lễ Đại Bội, một diễn viên (mời của đoàn tuồng sắp diễn) đóng vai Thiên Lôi, múa bộ theo nhịp trống nhìn ra bốn phía, biểu thị cho việc mở cửa trời. Lại đến lễ Xoang Nhựt Nguyệt, một nam diễn viên khác mặc mãng bào, đội mũ vua, râu bạc cùng nữ diễn viên đội mũ cửu phụng, múa điệu âm dương phối hợp. Theo các nhà nghiên cứu phong tục, màn này tượng trưng quá trình Thái cực tạo Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh ra trời đất. Có âm dương rồi âm dương hòa hợp sinh ra vạn vật…

Các lễ Tam Tài cầu chúc Phước Lộc Thọ cho dân làng, màn múa Thiên Vương tiếp theo có bốn diễn viên đầu đội kim khôi, mặc áo giáp thực hiện điệu múa tứ trụ là cầu mong Quốc Thái Dân An, Gia Quan Tấn Tước, Phong Điều Vũ Thuận, Thiên Hạ Thái Bình…

Đêm mùng 10 tháng hai (tức 25.3.2010), tôi đưa hai nhà dân tộc học Nguyễn Tùng và Nelly Borowlsky làm việc ở Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp, chuyên ngành Đông Nam Á và Việt Nam học, về thăm làng kịp vào đúng giờ cúng Phước Lộc Thọ và đến 8 giờ tối chúng tôi ở lại dự xem đêm diễn đầu tiên của đoàn tuồng mời về từ Tam Kỳ với vở diễn Gió lộng hoàng cung. Một rạp hát dựng lên từ chiều, phông màn xanh đỏ sặc sỡ. Nhiều ông già bà lão bắc ghế ngồi xem chăm chú. Tiếng trống chầu dồn dập. Thẻ thưởng ném lên sân khấu rào rào vào lúc các diễn viên có những câu ca hay hoặc lúc tuồng được đẩy lên kịch tính…Thằng bé đi nhặt thẻ chạy lon ton giữa các diễn viên, trông có phần phản cảm và tức cười. Nhưng chẳng ai để ý. Người ta chú mục vào từng động tác diễn và như nuốt vào lòng mỗi điệu hát.
Dưới sân cỏ, những đứa trẻ khác rượt đuổi nhau hồn nhiên… Mấy chị ngoài bốn mươi, tranh thủ khiêng bàn ghế ra bày bán quà vặt, nước uống, thuốc lá ở rìa sân… Từ 8 giờ tối đến hơn 10 giờ đêm, càng lúc người xem càng đông. Tôi có cảm tưởng người dân quê không cần xem từ đầu vở diễn, vì tích tuồng họ đã thuộc. Họ thích nghe tiếng trống chầu, những đoạn ca hay và nhìn tài diễn của đào kép. Có người chỉ đến vào lúc các anh hề xuất hiện để xem tài kiến tại trong đối đáp (màn này thường diễn ra và lúc chuyển cảnh)… Phụ nữ làng tôi, nhiều chị  ở tuổi trên 40, đi coi hát bội vẫn cầm theo vài lá thuốc “dự phòng”, trong lúc trên miệng là một điếu thuốc lá to bằng ngón tay; vừa ngậm điếu thuốc vừa nhả khói. Chị Nelly thích thú khi nghe tôi giải thích tục hút thuốc của phụ nữ trong làng có truyền thống trồng thuốc lá này. Chị đưa máy ảnh lên chụp liên hồi…

Anh bạn Nguyễn Hữu Khanh khá thạo tình hình các đoàn hát ca nhạc truyền thống, kể: Đoàn hát là những diễn viên trên 60 tuổi, có người đã ngoài bảy chục, sống chết với nghệ thuật tuồng trước năm 1975. Đào chính vai “thần thiếp” trong vỡ Gió lộng hoàng cung cũng đã là bà ngoại, bà nội ở tuổi 65 nhưng giọng ca còn rất ngọt, động tác diễn mềm mại. Ba mươi năm trước chị đã diễn vai này trong đoàn dân ca kịch Túy Nguyệt nổi tiếng ở miền Trung! “Lớp trẻ bây giờ phần lớn chạy theo tân nhạc, chẳng biết sân khấu truyền thống sẽ về đâu!” - anh ta bình luận. Cả đoàn hát bội về diễn trong hai đêm, cả lớp diễn cho lễ kỳ yên và chi phí đi lại, làm sân khấu, âm thanh ánh sáng… chỉ nhận thù lao mỗi đêm chưa tới giá trị một trăm ký lúa! Diễn đêm trước xong, họ ăn ngủ ngay trên sân khấu! Thu nhập như vậy khó thu hút lớp trẻ là phải, tôi nghĩ.

Từ trước khi diễn tuồng, những anh chị trung niên trong làng (đeo thẻ ban tổ chức) đã ngồi sẵn ở các hướng đường dẫn vào sân khấu. Dân làng và những người làng làm ăn ngoài thành phố được mời về dự đến các bàn để ủng hộ ngân sách. Khoản thu này dành lo chi “việc làng” trong năm và chi phí cho đoàn hát.

Trên đường chúng tôi về lại thành phố, anh Nguyễn Tùng nói: “Đây là một đêm thú vị. Vợ chồng tôi từng có một công trình nghiên cứu về hát bội bên Pháp nên đêm nay là một trải nghiệm nữa cho thấy sức sống của nó trong các sinh hoạt tinh thần ở nông thôn…”.

Năm nay (2015) làng lại mời đoàn hát bội Sông Thu của huyện Duy Xuyên về diễn vở Lão tướng ra quân. Tuồng tích tuy đơn giản, nhưng sân khấu ấn tượng, ca diễn xúc động và tiếng trống chầu rất hấp dẫn, thôi thúc. Tình hình của đoàn này chắc cũng không khác các đoàn kia. Nhưng họ làm chuyên nghiệp hơn ở chỗ: hợp đồng diễn theo kiểu “cuốn chiếu” từ làng này qua làng khác, nên có lẽ thu nhập khá hơn. Chỉ riêng đêm đầu, tiền ủng hộ của bà con đã được trên 30 triệu đồng! Quỹ của Hội Người cao tuổi của làng năm nay chắc khá hơn, sau khi thanh toán các chi phí…

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG