Dấu xưa văn hóa Hà Lam
Với ngọn cờ “Bình Chiêm hưng quốc” của Lê Thánh Tông vào ngày mùng bảy tháng Giêng năm Tân Mão (1471) rồi đến chương trình “di dân Nam tiến, khai cơ lập nghiệp” của cộng đồng lưu dân, đã hòa cùng đội quân tiên phong của chúa Nguyễn vào Nam trấn thủ, tiếp tục khai phá vùng đất mới Quảng Nam. Trong đoàn người ấy, có tổ tiên của người Hà Lam (chiếm số lượng đông nhất là người có nguyên quán vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh) vào phương Nam mở mang bờ cõi. Họ luôn mang trong mình một sứ mệnh lớn lao của những người đi khai khẩn vùng đất mới, và hành trang mang theo không gì hơn là ý chí quật cường, tinh thần lạc quan yêu lao động... Và tất cả đã thấm vào máu thịt đã hình thành nên những tính cách rất đặc trưng của con người Quảng Nam, đó là: ngoan cường, ham học, hiếu khách và thích trào lộng.
Làng Hà Lam xưa (nay bao gồm thị trấn Hà Lam và một số khu vực phụ cận thuộc các xã: Bình Nguyên, Bình Phục, Bình Quý…) được chính thức thành lập năm nào và ai là tiền hiền cho đến nay vẫn chưa xác định. Chỉ biết từ xa xưa, có 12 tộc luân phiên lo việc cúng kỵ tiền hiền vào ngày 15 tháng 2 âm lịch hằng năm, được gọi là “mười hai tộc biện tiền hiền”. Mặc dù trước hay sau, nhiều hay ít, tất cả cùng chung sống trong một cộng đồng làng; họ không phân biệt đối xử, đoàn kết tương thân tương ái “tối lửa tắt đèn có nhau”. Do đó, đời vua Thành Thái thứ 18 (1906), đã ban khen bức trướng có nội dung “Thiện tục khả phong” (làng có phong tục tốt).
Một góc thị trấn Hà Lam. Ảnh: Q.VIỆT |
Theo Hà Lam xã chí được Hội đồng bảo tộc tiền hiền Hà Lam biên soạn năm Quý Mùi - 2003, đã ghi: lại dựa vào gia phả còn lại của tộc Võ Văn thì làng được xây dựng trong khoảng thời gian cách đây trên 500 năm (1471-1490). Ngài Đức thỉ tổ là Võ Văn Khâm, tước phong Dinh Bửu Hầu, từ phủ Hà Ba (Hà Tĩnh), trấn Nghệ An với sứ mệnh thiêng liêng di dân mở cõi. Trên đường khảo sát để tìm nơi định cư đến đất Hà Lam, thấy nơi đây có cây cối um tùm, ruộng đất hoang vu chưa có xã hiệu, nên cùng bạn bè quy dân lập ấp. Thấy cảnh đẹp, có nước chảy, có hoa sen bèn lấy câu Lam điền chủng ngọc, Hà ba hương viễn mà đặt nên xã hiệu Hà Lam.
Theo gia phả tộc Nguyễn Đức có ghi: “… Thỉ tổ mông đắc bổn châu, Lương Xuyên Hầu, lập xã hiệu Hà Lam “Kiến kỳ địa thượng hữu Hà khê lưu hạ, miêu thanh tú như lam cố danh”. Dịch nghĩa: ...ngài Thủy tổ là Lương Xuyên Hầu, lập xã hiệu Hà Lam; vì thấy trên đất có khe sen chảy xuống, dưới có đồng ruộng mạ xanh như chàm, nên đặt tên làng là Hà Lam.
Qua dấu tích lịch sử lưu lại của các triều đại phong kiến Việt Nam được ghi trên những bức hoành phi hiện thờ tại tiền hiền Hà Lam: Hoan Châu phát tích, Hà thủy khai cơ (Dấu xưa xuất phát từ Hoan Châu, nước sông Hà mở ra cơ nghiệp). Hoặc như: Hồng Lĩnh, Kỳ Anh lưu trạch viễn. Lam điền khai thác, tác cung tiên (Hồng Lĩnh, Kỳ Anh dòng chảy mãi, ruộng Lam khai mở, cung kính, nhớ ơn người trước đã làm nên).
Nằm ở vị trí địa lý đặc biệt, nơi giao nhau của của hai tuyến chính quốc lộ 1 nối Bắc - Nam và quốc lộ 14E, nối đông - tây của huyện (trước đây là tỉnh lộ), lại có nhiều hình thái thiên nhiên đa dạng, Hà Lam sớm trở thành phủ lỵ của phủ Thăng Hoa, vùng đất vốn bao trùm lên phần phía nam của Quảng Nam ngày nay. Làng Hà Lam nằm trung tâm của huyện Thăng Bình. Về phía đông và phía bắc giáp với các làng Minh Thạnh, Liễu Trì, Thanh Ly (xã Bình Nguyên); Ngọc Sơn, Tất Viên và phía nam giáp các làng La Mật (Bình Phục); về phía tây giáp với các làng Phú Cang, Thạnh Mỹ (Bình Quý).
Trải qua các thời kỳ, làng Hà Lam đã có nhiều thay đổi cả về địa giới cũng như danh xưng. Tại làng Hà Lam xưa, đã xây dựng nhiều công trình văn hóa quan trọng như: Lỵ sở phủ Thăng Bình có chu vi 51 trượng, rào bằng tre được dựng năm Minh Mạng thứ 2 (1821). Trường học phủ Thăng Bình được xây dựng năm Minh Mạng thứ 5 (1824); đời vua Tự Đức năm thứ 9 (1856) đã chuẩn y cho xây dựng và hoàn thành Văn miếu (dân gian thường gọi là Văn thánh) do các văn thân nho sĩ tại làng Hà Lam và các địa phương khác thuộc huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa (tỉnh Quảng Nam) đóng góp. Toàn bộ kiến trúc Văn miếu đều dựa vào kiểu kiến trúc thời đầu nhà Nguyễn. Văn miếu “xoay” về hướng nam, bố cục đăng đối từng khu, từng lớp theo trục bắc nam. Khuôn viên được bao bọc bởi bốn bức tường xây bằng gạch vồ, có cổng tam quan, có lầu chuông trống, có cấp bậc lên lầu. Hệ thống kiến trúc bên trong có tiền đường, hậu tẩm được cách nhau một sân gạch hình chữ nhật khoảng 4m, hai bên là: hữu vu (còn gọi là tây đường, được xây dựng đời vua Tự Đức năm thứ 13 - Kỷ Mùi (1859), tả vu (còn gọi là đông đường được xây dựng đời vua Tự Đức năm thứ 18 - Giáp Tý (1864). Hậu tẩm có ba gian, gian trung thờ đức Khổng Tử được tạc bằng gỗ, sơn son thếp vàng, hai bên chia ra thờ các Tiên hiền, Tiên nho và nơi đặt 9 tấm bia ghi danh các vị khoa bảng, bia công đức và tiết hạnh khả phong. Ngoài ra còn có đàn Tiên nông (đàn cầu đảo mưa) hằng năm thường tổ chức các ngày lễ: lễ “xuống đồng” vào ngày đầu tháng 10 âm lịch, lễ “Cầu bông” được tổ chức vào đầu tháng hai và lễ “Mừng nước” khi bàu chứa đầy nước, sau lễ mới mở để đưa nước vào ruộng…
Dưới thời Pháp thuộc, có thêm nhiều công trình dân sinh khác như nhà thương, trường học (trường Bị Thể), chùa (Giác Nguyên)... được xây dựng. Làng Hà Lam cũng là làng văn vật hàng đầu của cả huyện. Thời phong kiến khoa bảng của làng cũng thuộc loại hàng đầu của huyện với 1 đại khoa (Phó bảng Nguyễn Thuật), chiếm 25% số đại khoa của huyện và 5 trung khoa (cử nhân) trong số 31 vị của cả huyện (chiếm 16,1%) và gần 20 tú tài Hán học.
Ngày nay, thị trấn Hà Lam là huyện lỵ, trung tâm hành chính tập trung các cơ quan hành chính, chính trị, văn hóa - xã hội... của huyện; là nơi có kinh tế, văn hóa phát triển, đang giữ vị trí “đầu tàu” của huyện Thăng Bình.
XA VĂN HÙNG