Chuyện ở chùa Hang
Từ quốc lộ 1, bắt đầu từ cổng căn cứ Chu Lai, đi theo hướng tây nam chừng hơn 3km là đến chùa Hang. Riêng đoạn từ chân núi lên đến chùa là đường dốc đá, quanh co hơn 1km. Chùa nằm sát dưới chân dãy Trường Sơn, phía trên chùa là một tảng đá tựa như hình con heo, đứng xa hàng chục cây số ta vẫn thấy được tảng đá này; dân địa phương gọi là núi “Con Heo”, hay còn gọi là núi “Hòn Bà”. Sát chân núi “hòn bà” là chùa Hang.
Cảnh chùa cùng bia Di tích lịch sử chùa Hang và núi Hòn Bà. |
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đầu xuân, tôi thường cùng một nhóm thầy, cô cựu giáo chức trong huyện đến tham quan chùa Hang. Gọi là chùa, nhưng chỉ là một tảng đá to, ở xa trông như một cái thúng chai úp, phía trước tảng đá có một khoảng hở, như một cái ngõ rộng độ 2 người cùng ra vào thong thả, cửa hang hướng ra phía đông bắc hứng gió biển mát rười rượi, vào mùa hè. Bên trong tảng đá rộng có thể chứa gần 50 người ngồi, hoặc đi lại thong thả như đi trong một hội trường nhỏ. Trong hang có một cái giếng nước sát với vách đá, có nước quanh năm. Ông Huỳnh Ngân, một người dân địa phương cho biết: “Thời xưa, khu vực chùa Hang này, cây cối um tùm, nhiều cây sống hàng trăm năm tuổi, đặc biệt có rất nhiều thú rừng sinh sống”. Phía đông và đông bắc, cách chân núi chừng 1.500m là vùng cát trắng chạy đến tận biển Rạn, tuy biển cách xa hàng chục cây số nhưng đứng trên hang đá vẫn nhìn thấy thuyền buồm, tàu cá nhấp nhô trên sóng. Phía tây và tây nam là núi rừng bao la, dưới chân núi là cánh đồng lúa mênh mông và khu vực dân cư. Thời vua Quang Trung, khu vực dân cư nơi đây còn là đất hoang vắng, chỉ rừng núi, người ở rất thưa thớt, sống từng nhóm nhỏ thường gọi là xóm như xóm Kẻ Thá, nay là thôn An Thiện; xóm Đồng Cũ nay là thôn Hòa Mỹ; xóm Ngòi Ve nay là thôn Long Phú; xóm Bù Nhum nay là thôn Đông Yên… Đến thời vua Minh Mạng (1820) chính quyền sáp nhập các xóm lại thành làng, gọi là làng “Bình Yên Trung Nội” (nay là xã Tam Nghĩa). Dân cư mỗi xóm lúc bấy giờ không quá 80 hộ, nhà ở tạm bợ nghèo nàn và lạc hậu.
Nhiều cụ cao niên trong làng cho biết, thời vua Bảo Đại nơi đây có một vị sư từ chùa ở Quảng Ngãi đến ngoạn cảnh, sau đó ở luôn nơi đây làm nơi tu hành. Đến tuổi già yếu, nhà sư dùng củi rừng tự thiêu và viên tịch ở trước cửa chùa… Sau này có một sư cô, quê ở Tam Kỳ cũng đến tu tại chùa Hang. Sư cô lấy nước giếng trong chùa để chữa bệnh cho mọi người, do có sự hiệu nghiệm, nên từ đó rất đông bà con các vùng nghe tin đến xin nước làm thuốc trị bệnh. Thực hư chuyện này chưa được xác tín nhưng nó cứ lan truyền trong dân gian với màu sắc thần bí.
Vào những ngày tết, du khách đến viếng cảnh chùa Hang khá nhộn nhịp, kéo dài cho đến rằm tháng Giêng. Những ngày rằm, mùng một hàng tháng du khách thường đến viếng cảnh chùa và xin nước giếng về làm thuốc trị bệnh. Cụ Châu Ngọc Ấn (hơn 90 tuổi) cho biết thêm: “Thú dữ như loài cọp, nhưng không khi nào nó dám đến gần trước chùa Hang 30 - 50m; ai vào ở lại trong chùa dù trong đêm tối đều rất tự tin, không lo sợ điều gì gây nguy hại đến bản thân. Nếu đau bụng, dùng nước giếng trong chùa uống sẽ khỏi ngay”.
Thời kỳ hoạt động cách mạng bí mật, lợi dụng địa hình hiểm trở trong hang đá và núi rừng hoang vắng, tổ chức cách mạng lấy nơi đây làm điểm hội họp. Suốt thời thời kỳ tiền khởi nghĩa 1930-1945 giữa 2 đơn vị tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi thường tổ chức hội nghị tại đây.
Cụ Nguyễn Cừu, lão thành cách mạng xã Tam Nghĩa cho biết, vào tháng 4 năm 1940 tại chùa Hang đã tổ chức Đại hội thành lập tỉnh đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng cũ. Lúc bấy giờ, bác Võ Chí Công, bác Chu Huy Mân cũng thường đến ở lại chùa Hang. Một thời gian sau, sự việc bị lộ, chính quyền không cho người dân đến chùa Hang, vì vậy đến năm 1945 chùa Hang trở nên hoang vắng. Đến năm 1965 quân Mỹ đổ bộ vào lập căn cứ Chu Lai, bom đạn rải cùng núi…
Cụ Nguyễn Đình Lang, Bí thư Chi bộ thôn Tịch Tây thời kỳ 1945-1954, nhớ lại ngày Đại hội tại chùa Hang bầu Ban Chấp hành Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ 2, các đồng chí ngẫu hứng sáng tác một bài thơ tả cảnh đẹp chùa Hang như sau: “Khen cho tạo hóa khéo đắp xây/ Chùa Hang thắng cảnh thật đẹp thay/ Phía trước núi Rồng kìa thẳng rẳng/ Sau hòn Sân Trỉ nọ quanh vây”.
Hiện nay, với lợi thế có di tích lịch sử cấp tỉnh và phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, nên nếu được sự quan tâm của chính quyền địa phương, chùa Hang sẽ trở thành địa chỉ mới trên bản đồ du lịch.
NGUYỄN HUY HOÀNG