Người Co ăn tết giã rạ

NGUYỄN VĂN SƠN 01/03/2015 10:21

Một năm được mùa lúa rẫy, người Co huyện vùng cao Bắc Trà My bao giờ cũng chia sẻ với cộng đồng, làng nóc và khách khứa niềm vui nhằm tổng kết một mùa lúa mới. Và theo đó, họ tổ chức ăn mừng theo nghi thức nông nghiệp như là ngày hội được mùa.

Chuẩn bị

Hằng năm, ở vùng cao huyện Bắc Trà My thuộc các xã: Trà Kót, Trà Nú, Trà Ka, Trà Giác… nơi có số đông tộc người Co sinh sống, khi công việc nương rẫy tạm thời gác lại đợi đến vụ mùa sau. Dịp chờ mùa cũng là lúc để cộng đồng người Co trở về với những sinh hoạt làng bản văn hóa cổ truyền nguyên sơ với trời đất, núi rừng, sông suối, cỏ cây… Theo truyền thống, từ tháng 10 – 11 (âm lịch) khi gia đình cuối cùng trong nóc phơi khô hết lúa và đưa lúa lên chòi, là lúc chủ nóc và các già làng định ngày để cả nóc ăn Tết Giã rạ. Theo tiếng Co: Giã rạ là xa-a-ní, tức ăn Tết hay lễ đưa lúa lên chòi, là lễ tổng kết của một mùa lúa rẫy bội thu, tạ ơn thần linh và còn là dịp để mọi người trong nóc gặp gỡ, vui chơi sau những ngày tháng lao động vất vả, nặng nhọc.

Người Co ở huyện Bắc Trà My trồng lúa trên rẫy rất nhiều, mỗi năm một vụ, nhưng năng suất rất thấp. Nay ở một số xã trong huyện nhờ có thủy lợi nên bà con đã trồng thêm lúa nước, mỗi năm 2 vụ và cho năng suất cao hơn. Trước Tết Giã rạ chừng một tháng, tháng rưỡi, người Co lên rẫy tuốt một ít lúa thiêng về làm lễ cúng cơm mới. Kể từ lễ cúng cơm mới, hễ được con thú rừng nào là đồng bào luộc chín, phơi hong khô trên bếp để dành trong Tết giã rạ.

Người Co huyện vùng cao Bắc Trà My gói bánh lá đót chuẩn bị ăn Tết Giã rạ.      Ảnh: N.V.S
Người Co huyện vùng cao Bắc Trà My gói bánh lá đót chuẩn bị ăn Tết Giã rạ. Ảnh: N.V.S

Để đón Tết Giã rạ, người Co phải mất ít nhất chục ngày chuẩn bị. Trong khoảng thời gian này, đàn ông chuẩn bị củi to chất sẵn vào bếp và tranh thủ vào rừng đặt bẫy, kiếm thêm con man, con heo rừng, con sóc, các loại chim, làm bẫy để bẫy chuột, vì chuột thường phá lúa nên phải bắt cho được chuột làm lễ vật cúng hồn lúa. Đàn bà thì rủ nhau xuống sông suối bắt thêm ốc, cá, hái thật nhiều rau rừng để cái Tết có phần thịnh soạn, thêm vui. Những người có uy tín trong nóc được già làng cử đi mời khách các làng bên cùng đến dự ăn Tết với làng mình. Người già cúng trời đất và xem sao tốt để làng ăn Tết. Một số người khéo tay thì lo đẽo gạt, trang trí, tô vẽ và dựng cây nêu lễ trước sân nhà. Nơi dựng cây nêu sẽ là trung tâm các hoạt động lễ hội của cả nóc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Tết Giã rạ của người Co ở Bắc Trà My, không bao giờ thiếu ché rượu cần thật ngon. Theo phong tục cổ truyền, trước ngày Tết, chủ nhà là một người cha, mẹ lên chòi (kho thóc) lấy ít lúa gói vào lá chuối rừng mang về nhà, gọi là rước hồn lúa. Chủ nhà xoa lúa trên tay, đặt hạt lúa trên đầu từng người trong gia đình để cầu mong năm mới gặp nhiều may mắn. Cùng lúc, phụ nữ trong làng tụ họp gói bánh lá đót với lúa nếp nên các em gái Co cũng tham gia gói bánh, vừa đỡ đần một phần công việc, vừa được các bà, các mẹ hướng dẫn cách làm bánh truyền thống của dân tộc mình. Ngày xưa, biết làm bánh lá đót, lá dong đẹp, ngon là điều không thể thiếu của người phụ nữ Co. Tất cả cơm và các loại bánh này đều dâng lên để cúng ông bà và các thần sông, thần suối, thần núi, thần rừng…

Ba ngày tết

Tết Giã rạ của người Co diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu tiên, từ sáng sớm, ông chủ nhà đứng vái gọi hồn các vị thần và ông bà về dự lễ. Lễ vật được bày biện ở mâm trên các miếng lá chuối rừng. Mỗi mâm đều có một hoặc nửa con chuột, bánh lá đót và rượu. Chủ nhà và người con trai cả ngồi trước bàn thờ, thắp nến sáp ong vái cúng. Đọc xong, người cúng lấy ít hạt nếp chín lần lượt bỏ lên đầu từng người trong gia đình, gọi là giữ hồn lúa.

Đồng bào Co quan niệm rằng: Các nữ thần cũng bận bịu từ sáng sớm như những người phụ nữ nên phải cúng thật sớm để các nữ thần còn phải lo công việc của mình. Lễ cúng nam thần và ông bà thường diễn ra sau 8 giờ sáng. Sau lễ cúng các nam thần là lễ cúng thần lúa rước hồn lúa từ nhà lên chòi lúa. Người ta thắt sợi chỉ trắng làm chín bậc tượng trưng cho chiếc thang để thần lúa lên chòi giữ lúa. Sau đó chủ nhà quay vào nhà lấy các lễ vật đã cúng cho mọi người ăn và chúc nhau năm mới nhiều may mắn.

Ngày hôm sau, các gia đình cúng “mo huýt”. Theo tín ngưỡng của người Co, mo huýt đã cho phép gia đình làm ăn khá giả để mua sắm được nhiều hàng trong năm như các loại chiêng, ché, nồi, quần áo, lục lạc, cườm… Sau đó là lễ thức cúng mo huýt trầu, mo huýt bò, mo huýt quế, mo huýt heo, họ cầu mong các loài vật sang năm mới đều sinh sôi nảy nở giúp ích cho con người. Cuối cùng là cúng thần mo huýt hộ mệnh cho ông bà, hộ mệnh gia đình giữ nóc, giữ quê hương núi rừng bình yên.

Ngày cuối cùng, theo quan niệm của người Co, để có những đám lúa trên rẫy cho mùa màng thêm nhiều lúa một nghi lễ được thực hiện là tiếp tục dùng gà, lợn cúng sống ở nhà xong mang lên rẫy cúng thần rẫy. Cúng xong, mọi người hò reo cùng đuổi con ma xấu đi khỏi nương rẫy, rước con ma tốt về để phù hộ cho dân làng. Mọi người đốt rẫy làm phép, ngày hôm sau mới trỉa bắp, bắp, đậu xanh và các cây trồng hoa màu khác.

Tết Giã rạ là một sinh hoạt văn hóa, mang nghi thức nông nghiệp được người Co lưu giữ đến ngày nay không ngoài ý nghĩa mừng mùa. Tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng hàm chứa giá trị nhân văn sâu sắc. Như mạch nguồn của dòng suối, như hơi thở của đại ngàn vọng lại, tâm hồn và tính cách của người Co bao đời nay vẫn vậy, họ sống hòa thuận gắn kết trong cộng đồng, hòa mình với thiên nhiên, sắt son và chung thủy với truyền thống quê hương, với núi rừng.

NGUYỄN VĂN SƠN  

NGUYỄN VĂN SƠN