Tết với âm nhạc truyền thống

SONG ANH 25/02/2015 08:48

Những cung bậc của nhạc cụ truyền thống từ sáo, đàn bầu, đàn tranh… khiến ngày tết, ngày xuân thêm đậm đà phong vị dân tộc.

Nhóm nhạc cổ truyền biểu diễn trong Không gian Nhà Việt (Điện Bàn). Ảnh: SONG ANH
Nhóm nhạc cổ truyền biểu diễn trong Không gian Nhà Việt (Điện Bàn). Ảnh: SONG ANH

Từ các sân đình, lễ hội ngày xuân, âm nhạc cổ truyền dần dà được người dân xứ Quảng đón nhận nhiều hơn. Trong những nếp nhà cũ, hòa tấu nhạc cụ dân tộc vọng từ phía hồ sen, theo người thăm thú vào cả những gian nhà. Khi một bản hòa tấu được cất lên từ những loại nhạc cụ truyền thống, người nghe như gặp lại cảm giác quen thuộc. Bởi đó cũng là một phần hồn vía dân tộc, ít nhiều đã nằm trong ký ức của số đông người Việt.

Anh Ngọc Sang - giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) cũng là tay sáo từng làm lay động lòng người trong các cuộc liên hoan âm nhạc cổ truyền khu vực chia sẻ, thực ra không gian để thưởng thức âm nhạc cổ truyền cực kỳ dân dã, giản dị. Nhiều khi chỉ cần gian nhà nhỏ với một nhóm người say mê. Năm nay, Không gian Nhà Việt - Vinahouse (Điện Bàn) dành cả một sân khấu giữa hồ nước ở khu vực trung tâm để nhóm nhạc cổ truyền của Ngọc Sang được thỏa sức đắm mình trong giai điệu. Đến với Không gian Nhà Việt, chúng tôi được lắng lòng cùng những giai điệu của một mùa xuân truyền thống, có nhịp réo rắt của sáo, âm thanh thánh thót của đàn bầu, đàn tranh. Những người xa quê lâu năm, tết có dịp về thăm quê nhà được thưởng thức âm nhạc truyền thống trong không gian xanh và yên bình như một làng quê Việt, cứ mong thời gian ngưng đọng lại. Với chúng tôi, ngày tết, ngoài dịp sum họp, còn là cơ hội để sống cùng những điều xưa cũ. Và những điều đó đã có cơ hội chảy về theo dòng nhạc truyền thống êm ái, mềm mại kia…

Chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ, người nghe đã gần như đi trọn câu chuyện mùa xuân qua các bản hòa tấu nhạc cổ truyền, từ những “Nét dạo mùa xuân”, “Xuân tình”, đến “Tiếng gọi mùa xuân”… Và để có thể làm nên những bữa tiệc âm nhạc như vậy, người nghệ sĩ chơi nhạc truyền thống phải “hy sinh” mùa xuân của riêng mình. Cô gái Hà Chiêu, tuy còn khá trẻ nhưng đã chơi đàn tranh hơn 10 năm nay, từ mồng 2 tết cho đến hết tháng Giêng, cứ 8 giờ sáng ra khỏi nhà và 23 giờ đêm người nhà mới thấy mặt. Cứ vậy, họ thầm lặng góp thêm hương xuân cho đất và người.

Nhóm nhạc cổ truyền đường phố ở Hội An.
Nhóm nhạc cổ truyền đường phố ở Hội An.

Có một nhóm nhạc cổ truyền chơi ở đường phố của Hội An, đêm 30 tết vẫn kịp gửi đến những du khách những bản nhạc không lời, có cả sâu lắng lẫn hoài cảm của những thời khắc thiêng liêng. Đội nhạc này về đến nhà đã qua thời khắc giao thừa, nhưng với họ, như thế mới thực sự là được sống trong tết.

Sẽ không đủ đầy nếu nói về âm nhạc cổ truyền lại không nhắc đến những đội nhạc lễ ở các hội xuân, sân đình. Không có họ, ngày xuân có lẽ nhiều nhạt phai. Đội nhạc lễ không đòi hỏi phải chơi thăng hoa như những nhóm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp, nhưng buộc họ phải có khiếu âm nhạc và am tường phần lễ. Tri thức dân gian tích tụ qua thời gian, tự họ mày mò học hỏi qua các thế hệ trước, rồi qua các phương tiện nghe nhìn. “Để thể hiện được cái hay của nhạc cổ trong tế lễ, đòi hỏi phải giỏi phần nhạc và am hiểu về phần lễ. Chẳng hạn, trong lễ hội đình làng, khi tiến hành các bước nghi lễ như gia lễ, học trò lễ thì phải đánh các bài nhạc phù hợp, khớp với từng động tác, nghi thức của người làm lễ”. Lời chia sẻ đó là nỗi lòng đau đáu của cụ ông Thái Văn Lịch, người làng Thu Bồn (Duy Tân, Duy Xuyên) về một đội nhạc lễ đúng chất cho Lệ Bà Thu Bồn hàng năm. Ngoài các loại đàn, đội nhạc lễ cần phải có chiêng trống, bát âm, cờ phướn. Họ phải tập cùng người diễn xướng trước ngày khai hội để có thể kết hợp nhuần nhuyễn.

Bảo tồn âm nhạc truyền thống, hay những giá trị văn hóa dân gian, lẽ đương nhiên phải làm thức dậy, tạo ra môi trường thụ hưởng nghệ thuật truyền thống cho người dân. Ngành văn hóa Quảng Nam, trong những ngày đầu năm 2015, xác định mục tiêu trong thời gian tới là tìm cách bảo tồn, lưu giữ vốn quý văn hóa dân gian, bằng những chương trình kiểm kê, sưu tầm tại các địa phương. Cũng như vậy, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khuyến khích các nhạc sĩ tiếp tục sử dụng chất liệu truyền thống trong tác phẩm của mình. Mong rằng với những động thái tích cực như vậy, nhạc cổ truyền cùng những người chọn đây là một cái nghiệp, sẽ có chỗ đứng vững vàng trước vô số loại hình nghệ thuật giải trí.

Ngày xuân với hội làng đã bắt đầu, chạy dọc theo sông mẹ Thu Bồn với những ngôi làng dày dặn văn hóa dân gian. Hội nên xuân, và xuân vẫn cứ thơ thới dịu ngọt…

SONG ANH

SONG ANH