Những phiến gỗ "vẽ" hình sông núi
Địa danh Hoàng Sa - Trường Sa vang lên khi du khách ngang qua trường lang ở Không gian nhà cổ Việt Nam, nơi đang giữ nhiều kỷ lục quốc gia, là một bất ngờ thú vị bởi các thớ gỗ cũng có thể “vẽ” nên hình sông núi…
“Ngôi nhà ý tưởng”
Lê Thị Kim, hướng dẫn viên tại Không gian nhà cổ Việt Nam (Vinahouse), khoe rằng bộ trỏng quả lớn nhất của làng mộc danh tiếng Văn Hà xứ Quảng đã vinh hạnh chọn mô phỏng cho biểu tượng chùa Một Cột, điểm đầu tiên của trường lang tính từ phía bắc. Cũng từ góc nhà phía bắc, khách rảo bước trên lối đi chừng 63,7m để có cảm giác vừa vượt qua… chiều dài đất nước với 213 bộ cấu kiện gỗ như chứng nhân của thời gian. Một không gian khiêm tốn so với tổng thể “bộ sưu tập” nhà cổ tại huyện Điện Bàn, nơi Tổ chức kỷ lục VietKings xác nhận 5 kỷ lục quốc gia hồi tháng 10.2014, nhưng lại gói ghém nhiều ý tưởng hơn cả đến độ ông chủ trẻ của Vinahouse Lê Văn Vĩnh gọi đó là “ngôi nhà ý tưởng”.
Một góc trường lang.Ảnh: H.X.H |
Nhiều du khách đến từ Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore... khi ngang qua trường lang đều tỏ ý thán phục trước những tác phẩm điêu khắc gỗ. Họ ngạc nhiên với “một bộ sưu tập nhà cổ vĩ đại”, và càng ấn tượng bởi những viên gạch Chăm cổ sưu tầm suốt 10 năm để xây thành vách. “Tôi nhớ mãi 2 du khách Bắc Âu hồi cuối tháng 12.2014. Họ nghiên cứu rất kỹ các cấu kiện gỗ và bảo nhà ở Bắc cực không chạm trổ công phu như các di sản độc đáo này” – hướng dẫn viên Đoàn Thị Ngọc Linh, người chuyên dẫn các đoàn du khách quốc tế tại Vinahouse, tâm sự.
Hình ảnh chùa Một Cột ở 2 đầu bắc - nam. |
Trăm năm ngưng đọng
Chỉ rộng 2,5 mét và chia thành 3 cấp làm lối đi che mưa nắng nối liền khu bảo tàng kiến trúc gỗ Việt Nam với các khu làng nghề, khu ẩm thực… nhưng có lẽ đây là ngôi nhà “dài” nhất Việt Nam nếu xét về sự hiện diện của các di sản kiến trúc, được sắp đặt để gọi tên các địa danh mến yêu của nước Việt. Đoạn giữa trường lang, hai bên tường đối xứng nhau là vóc dáng biển đảo với các bức tường gạch nhấp nhô. “Điểm nhấn” Hoàng Sa - Trường Sa được hình dung với các hiện vật quý: Tủ gỗ điêu khắc khảm ốc xà cừ của làng nghề Mỹ Xuyên (Huế) và các cấu kiện gỗ của các làng nghề duyên hải miền Trung uốn lượn hình sóng. Đi dần vào phía nam, các cấu kiện gỗ sưu tầm từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ được cách điệu hình rồng và được bài trí theo chủ đề “cửu long tranh châu” để gợi ý về dải đất phì nhiêu - đồng bằng sông Cửu Long.
Hồn gỗ. |
Hình ảnh xứ sở gửi gắm vào hàng trăm bộ hiện vật từng in dấu đục đẽo của nhiều thế hệ nghệ nhân ở các làng nghề bắc-trung-nam vang danh, như mộc Văn Hà, Kim Bồng (Quảng Nam), Mỹ Xuyên (Huế), Thạch Thất (Hà Tây), La Xuyên (Nam Định), Đại An (Thanh Hóa), chợ Thủ (An Giang)… càng gợi xúc cảm nơi người thưởng lãm. Nếu đặt trong tổng thể Không gian nhà cổ Việt Nam, trường lang chỉ là bộ sưu tập nhỏ so với hơn 12.200 hiện vật kiến trúc gỗ mà bảo tàng kiến trúc gỗ lớn nhất Việt Nam đang lưu giữ. Nét duyên của trường lang không chỉ đến từ các địa danh mà các thớ gỗ “vẽ” nên, không chỉ từ ấn tượng về thời gian cả trăm năm ngưng đọng trên từng cấu kiện gỗ, mà đôi khi còn tạo dáng từ những viên gạch thẻ cổ dựng thành vách khi mặt ngoài được kỳ công điêu khắc theo chủ đề nông thôn Việt.
Nhưng đã đến lúc để cho những cấu kiện gỗ lên tiếng…
“Sóng” Hoàng Sa. |
HỨA XUYÊN HUỲNH