Trong bóng thời gian

TRẦN BÍCH LIÊN 21/02/2015 12:16

Theo các bô lão làng Quảng Huế (Đại An, Đại Lộc), đình Không Chái (còn gọi đình Quảng Huế, đình Hóa Phú, Quảng Phú) là ngôi đình của vùng đất “Thất châu” tức 7 châu vùng Quảng Huế (Quảng Đại, Quảng An, Quảng Phú, Quảng Hóa, Quảng Trung, Quảng Đông và châu Quảng Tây), thuộc phủ Triệu Phong, huyện Điện Bàn, xứ Thuận Hóa, được xây dựng sau cuộc Bình Chiêm của vua Lê Thánh Tông. Đình được xây theo lối kiến trúc 5 gian 2 chái, kiến trúc dạng hình chữ Nhất, cột đình làng to hơn vòng tay ôm của người lớn, xây gạch ngói cổ. Nay, đình “Thất châu” chỉ còn sót lại 2 trụ biểu và bức bình phong. Trên mặt các trụ đá xưa còn sót lại câu đối: “Tứ tộc kế tiền công đấng lương nhật lự; Lục châu hoàn ngoại viện sơn thủy thiên thành” (tạm dịch: Bốn tộc (tức Lê, Võ, Trần, Nguyễn) kế tục cơ nghiệp tiền nhân ngày ngày lo sao xứng đáng với vai trò rường cột/Sáu châu bao quanh mặt ngoài núi sông này trời tạo lập nên).

Mặt tiền đình An Nhơn. Ảnh: BÍCH LIÊN
Mặt tiền đình An Nhơn. Ảnh: BÍCH LIÊN

Cũng tọa lạc trên đất Đại Lộc, đình Ái Nghĩa là ngôi đình cổ nổi tiếng. Theo sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An, làng Ái Nghĩa trước là Ái Đái xã, thuộc phủ Triệu Phong. Tục danh “Ái Nghĩa” có từ năm 1558, khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng Thuận - Quảng. Như vậy, đình Ái Nghĩa hẳn được xây dựng sau thời điểm đó, tọa lạc tại Bàu Mặn, thuộc Ấp Nhứt, cạnh chùa Phổ Khánh, một ngôi chùa làng. Trải bao phen dời đổi, năm Kỷ Dậu (1969), đình được dời về vị trí hiện tại. Các vị vua triều Nguyễn từ Minh Mạng đến Khải Định (1820-1925) đã có 20 đạo sắc phong và gia tặng cho các vị thần được thờ cúng tại đình.

Đình An Nhơn còn lưu giữ nguyên vẹn 15 đạo sắc phong từ thời Minh Mạng tới Bảo Đại.Ảnh: BÍCH LIÊN
Đình An Nhơn còn lưu giữ nguyên vẹn 15 đạo sắc phong từ thời Minh Mạng tới Bảo Đại.Ảnh: BÍCH LIÊN
“Có đình thì mới tạo được thế đứng, gắn bó vào cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ, bằng không chỉ là lục bình trôi sông, viên gạch rời rạc, một dạng “lưu dân tập thể”, mặc dầu lắm gạo nhiều tiền”.(Nhà văn Sơn Nam)

Từ Đại Lộc xuôi về Điện Bàn, xuống vùng dinh trấn Thanh Chiêm (Điện Phương, Điện Bàn), nơi dấu xưa đình cũ còn lưu tiếng. Trước, vùng này có đình Thanh Chiêm (Điện Phương), một ngôi đình lớn nhưng nay không còn vết tích. Riêng đình An Nhơn (xứ Lương Hòa, thuộc dinh trấn Thanh Chiêm, nay là thôn Thanh Chiêm 2) còn lưu giữ nguyên vẹn 15 đạo sắc phong từ thời Minh Mạng tới Bảo Đại. Đình làng An Nhơn được lập thế kỷ 18, nằm sát bến sông Chợ Củi (Sài Thị giang), vốn là một nhánh Thu Bồn chảy qua chợ làng. Đình thờ Thành hoàng làng, thờ tiền hiền, hậu hiền của các tộc họ có công lập làng (gồm tộc Võ, Nguyễn Hữu, Nguyễn Văn, Huỳnh). Trong khi đình An Nhơn trải bao vật đổi sao dời vẫn bảo lưu được dáng nét xưa thì năm 1958, đình An Quán cùng chợ làng, chùa làng cách đó không xa đã bị trôi sông theo số phận ngôi làng.

Trong đời sống hiện đại, dù đứng trước sự tác động dữ dội bởi “đô thị hóa”, song giá trị, ý nghĩa thiêng liêng của đình làng vẫn tồn tại. Dù có đi đâu, về đâu, ký ức về làng, tâm thức và ngưỡng vọng về đình làng vẫn là nỗi da diết trong lòng người con quê xứ. May thay, đình làng Ái Nghĩa - di tích lịch sử cấp tỉnh, đã được khôi phục, trùng tu uy nghiêm nơi làng xưa đất cũ nhờ sự chung tay góp sức rất lớn của những người con quê hương. Hay như đình An Nhơn, đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo từ nguồn xã hội hóa. Điều đáng trân quý là không gian văn hóa, lễ hội vẫn còn gắn với những mái đình này. Hằng năm, ngoài dịp tế lễ xuân thu nhị kỳ, lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Tết Nguyên đán, Thanh Minh, các ngày kỵ, giỗ chư thần đã được tổ chức ở các đình làng để nguyện cầu cho quốc thái dân an, con cháu dân làng bình yên, no ấm.

Những gì trôi đã trôi; cái gì còn mãi còn trong bóng thời gian…

TRẦN BÍCH LIÊN

TRẦN BÍCH LIÊN