Hồn xưa trong phố trẻ
Lâu nay, có người cứ mãi bâng khuâng với phần hồn đô thị Tam Kỳ. Dường như với thành phố trẻ này đó là nỗi quan hoài, trăn trở. Hãy rẽ lối rêu phong tìm về những ngôi đình cổ, sẽ cảm nhận được vẻ đẹp ẩn tàng với các giá trị văn hóa, lịch sử!…
Miền Hà Đông xưa còn in dáng dấp của đất ba gò (kỳ), ba sông, ba bến… Một phủ lỵ hơn trăm năm có lẻ đã định vị một danh xưng. Nhưng thực ra, Tam Kỳ đi qua hành trình dài, từ làng, vạn, xã, rồi lên phố lên phường, thành tỉnh lỵ của Quảng Nam. Đâu xa, mấy mươi năm trước Tam Kỳ còn “quê” lắm, chỉ ra “phố” với dáng vóc hiện đại khi quy mô đầu tư mạnh mẽ hơn sau ngày tái lập tỉnh. Trong lòng phố trẻ, tốc độ đô thị hóa đang gia tăng, cái gì cho ta tìm thấy chút hồn xưa? Đó là những ngôi đình cổ: Hương Trà, Phương Hòa, Mỹ Thạch, Vĩnh Bình, Thạch Tân…
Hồn xưa… đâu chỉ một?
Ngang đầu cầu Tam Kỳ cũ rẽ theo con đường ven sông, đi qua cánh rừng cừa là đến di tích đình Hương Trà. Nói là đình, nhưng còn là miếu, là chùa… Theo những lời truyền tụng, Hương Trà xưa có miếu Ông, thờ cá voi. Rồi các dòng tộc người Việt từ Thanh - Nghệ vào đây khoảng năm 1602, “quy dân lập ấp”; trong đó dòng họ đến sớm nhất là tộc Trần. Đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786), vị tướng Trần Văn Túc đã trấn giữ đất này, từng được vua ban thưởng vì có công đốc thuế tuần đò Tam Kỳ.
Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam thăm đình Thạch Tân, xã Tam Thăng (Tam Kỳ).Ảnh: NGUYỄN TUẤN |
Khi lưu dân tập trung định cư quanh vùng tuần đò ngày một đông, từ miếu Ông ngư, đình Hương Trà được dựng lên để thờ tam vị tiền hiền (Trần, Nguyễn, và tộc Trần của vị tướng thần). Thành hoàng làng (suy tôn tướng thần Trần Văn Túc), được thờ ở chính điện. Cảnh quan khuôn viên, ngoài miếu, đình, còn có hai khối sa thạch của người Chăm chầu thờ tả hữu cổng đình, trong làng còn có tượng voi chiến. Năm 1936, khi người Hoa đến định cư quanh Vạn Tam Kỳ đông lên, họ đã góp tiền của phụng hiến để rước bộ tượng Quan Công từ Hội An vào thờ, nên đình lại có thêm tên chùa Ông. Với sự dung hợp các yếu tố Chăm – Việt – Hoa như vậy, hồn người xưa thật tinh tế trong tiếp biến văn hóa, dung hòa các giá trị để cùng dựng xây vùng đất này phồn thịnh.
Đình Hương Trà. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Không cổ như đình Hương Trà, Phương Hòa và Mỹ Thạch là hai ngôi đình làng được dựng từ thời vua Minh Mạng, khoảng năm 1832 – 1833. Địa bàn đứng chân của các cơ quan hành chính tỉnh Quảng Nam ngày nay hầu hết đều ở trên đất của hai làng này. Tuy vậy, nếu lục tìm “lai lịch” xứ đất qua văn tế lễ, thật ngạc nhiên với những cái tên nghe rất lạ như xứ Tro Vưng, Tro Kiếu, Tro Xá, Trà Nao, Bà Lai La… Âm sắc màu Chàm xưa như quyện vào cái tên xứ đất ấy, vì thế tục truyền, đình Mỹ Thạch, Phương Hòa được dựng lên phải mấy lần dời đổi địa điểm, và có hình ảnh “đứng đầu con nghê” để chỉ ranh giới địa phận mà người Việt đến định cư sau này. Đình Phương Hòa thờ vị tiền hiền họ Võ; hậu hiền họ Trần. Có chi tiết thú vị là tướng thần Võ Đình Thông lập làng An Hòa, (tức Phương Hòa sau này), sinh ra 4 người con mang tên bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông; nhánh người tên Xuân ở lại, còn 3 nhánh kia tản ra Duy Xuyên, lên Tiên Phước. Ở đình Phương Hòa sau thờ thêm vị tổ nghề bún là ông Đỗ Dột, có vợ người làng Cẩm Sa (Điện Bàn). Chung quanh khu vực đình Mỹ Thạch, Phương Hòa còn có các di tích kiến trúc Chăm, cùng chùa, miếu, và cả Văn Thánh Khổng miếu… Rõ là sự hiện diện các di tích kiến trúc đa dạng, thể hiện sự chung sống, giao lưu văn hóa trên vùng đất vốn đã có nhiều đền tháp của cư dân bản địa. Vì vậy, không gian mỗi mái đình đâu chỉ một mà ẩn chứa trong muôn một hồn cốt xứ sở.
Đình Mỹ Thạch. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Tiếp nối dòng chảy nhân văn
Lịch sử đã trải qua những khúc ngoặt thật nghiệt ngã. Vì chiến tranh, đình miếu cũng tang thương. Rồi đến hòa bình, có thời muốn đoạn tuyệt với “tàn dư phong kiến”, nhiều ngôi đình lại thêm đổ nát. Song, lịch sử cách mạng Tam Kỳ làm sao quên những chi bộ đảng (như chi bộ Đồng) đã ra đời dưới mái đình; làm sao không nhớ những ngôi đình như Phương Hòa đã từng là nơi tổ chức hội phụ lão cứu quốc; làm sao không vinh danh đình Vĩnh Bình, Thạch Tân, gắn liền với Sông Đầm Bãi Sậy, với địa đạo Kỳ Anh lừng lẫy chiến công. Không quên! Các ngôi đình đã lần lượt được công nhận và xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Không quên! Nhiều con dân Tam Kỳ đi xa vẫn tìm về với làng xưa, đình cổ; có người dày công sưu tầm tư liệu để làm luận văn khoa học, đề tài nghiên cứu về đình, về dư địa chí của quê nhà.
Trong định hướng quy hoạch phát triển, thành phố Tam Kỳ là đô thị xanh; nghĩa là có phần tiếp nối ý tưởng “làng trong phố, phố trong làng”. Việc bảo tồn, tôn tạo, trùng tu các ngôi đình cổ trong lòng thành phố tỉnh lỵ sẽ góp phần giữ gìn nét thuần hậu của quê xứ và những giá trị văn hóa cộng đồng. Từ không gian của đình làng, nếu khôi phục các lễ hội gắn với ý nghĩa thiêng liêng tưởng nhớ công lao tiền nhân, những vị có công với nước; tổ chức các hoạt động văn hóa như hát bội, hát dân ca; kết hợp việc khuyến học, khuyến tài sẽ tạo nên một bầu khí quyển góp phần làm nên cái hồn riêng của đô thị.
Xuân về dạo qua các di tích đình cổ ở phố thị Tam Kỳ, lòng ta sẽ lắng đọng với những ước vọng trong trẻo. Như qua Hương Trà, biết tên làng, tên đình mang bóng hoa sưa (cây hương vườn), sẽ nở vào cuối xuân, gửi hương bay, quyện với hương trà “chè phe” mà người dân nơi đây thường dùng trong sương sớm. Lại nhớ lời văn tế đình: “Hương ba vĩnh bảo quang thiên cổ/Trà cẩm trường tồn kỷ vạn niên”. Rồi xuôi về Mỹ Thạch, nghe người xưa vọng lại lời nhắn nhủ dặn dò: “Mỹ giả, tân Mỹ, tân Thiện, chi phong/Thạch giả, như Thiết, như Thạch, chi nhân”. Ấy là cách giải thích tên làng, tên đình, nhưng hàm chứa bao nguyện ước làm cho phong hóa được tốt đẹp, cho con người thật thà và bản lĩnh như sắt đá.
Sẽ tốt đẹp biết bao khi dòng chảy nhân văn được khơi thông từ quá khứ đến tương lai!
NGUYỄN ĐIỆN NAM