"Bàu Dũ cần phải khai quật lớn hơn…"
Sau cuộc khai quật vào năm 1984 do Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam, khi ấy do GS. Trần Quốc Vượng dẫn đầu, di chỉ Bàu Dũ (Tam Xuân, Núi Thành) được các nhà khảo cổ xếp vào giai đoạn sơ kỳ thời đại đá mới, với tên gọi Văn hóa “cồn sò điệp”. Tháng 8.2014, Bảo tàng tỉnh tiếp tục cuộc khai quật lần thứ 2 và phát hiện 6 cụm di cốt người cổ, trong đó có di cốt còn nguyên hộp sọ và một số xương chi, đốt sống.
Phóng viên Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với PGS-TS. Nguyễn Lân Cường, nhà nhân chủng học hàng đầu Việt Nam khi ông tham gia phục dựng những di cốt của người cổ Bàu Dũ tại Bảo tàng tỉnh.
* Có thể khẳng định được điều gì từ những di cốt này, thưa ông?
PGS-TS. Nguyễn Lân Cường: Từ trước đến nay tôi chưa hiểu con người Bàu Dũ thế nào, cách đây hơn 30 năm, khoảng 1983 – 1984, thầy Trần Quốc Vượng có khai quật được một cái xương hàm, nên không thể nói gì về mặt nhân chủng cả. Nhưng lần này tôi lại có cả một cái sọ, cả những xương chi, thì tôi có thể nói được ít nhiều chắc chắn vấn đề chủng tộc của hệ di chỉ này hay những biểu hiện sinh hoạt của hệ này thông qua di cốt. Trên bộ sọ, tôi thấy có vấn đề bệnh lý. Trên răng hàm có dấu hiệu bị viêm hàm. Phương thức chôn của người Bàu Dũ cũng rất lạ, chôn kiểu ngồi bó gối rất rõ. Kiểu chôn bó gối này tiếp thu từ văn hóa Hòa Bình. Các bộ tộc trong văn hóa Hòa Bình đều chôn kiểu ngồi bó gối, văn hóa Đa Bút cũng ngồi bó gối. Nhưng văn hóa Bàu Dũ thì lại xuất hiện sớm, tiếp thu Hòa Bình nhưng lại ở thời đại chưa có gốm, toàn đồ đá. Mà niên đại của nó, theo các anh ở bảo tàng nói là khoảng 5 – 6 nghìn năm, tôi thì lại nghĩ có khi sớm hơn. Phải trên dưới 6.000 năm. Đây là một tư liệu rất quý, mà lại ở phía Nam. Ở phía Bắc thì không nói chuyện, phía Nam này mà một tư liệu xuất hiện sớm như vậy rất ít. Phía Bắc, văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn rất nhiều, đến Nghệ An. Phía trong này mà có hệ văn hóa sớm như vậy không nhiều. Những tư liệu về mặt cổ nhân cực kỳ quan trọng, nó mở ra triển vọng khám phá một nền văn hóa. Tôi nghĩ chúng ta nên tiếp tục bảo quản, bảo tồn khu vực chứa di chỉ người Bàu Dũ, khoanh vùng để tiếp tục công tác khai quật, vì không phải chỉ có chừng này thôi. Tôi nghĩ còn nhiều lắm…
*Trước đây, các nhà khảo cổ đã xếp Bàu Dũ thành một loại hình riêng, nằm ở bước chuyển sau văn hóa Hòa Bình, gọi đá mới sau Hòa Bình, nhưng là “đá mới trước gốm” với niên đại khoảng 6.000 năm. Vậy thì ở mặt nhân chủng học, người cổ Bàu Dũ có những khác biệt gì so với người ở các nền văn hóa khác, như văn hóa Hòa Bình, Đồng Đậu, Phùng Nguyên, Sa Huỳnh, thưa ông?
PGS-TS. Nguyễn Lân Cường: Để rõ hơn vấn đề ta phải kết hợp với các tổ chức khác. Ở Quảng Nam thì chị Mariko (tiến sĩ Mariko Yamagata - Đại học Chiêu Hòa, Nhật Bản – pv) đã đi nhiều lần, có thể chúng ta kết hợp với họ để làm công tác khai quật, vì ta và họ quan hệ với nhau rất tốt. Tôi quyết tâm vào Quảng Nam đợt này vì Bàu Dũ còn là một cái tên mới, hơn nữa bộ di cốt còn khá nguyên vẹn. Khi ta nghiên cứu một văn hóa nào, thì cần phải chủ ý nguồn gốc, chủ nhân của nó là quan trọng nhất. Ở Quảng Ngãi có Sa Mốc; Khánh Hòa có Hòa Diêm, ở đây chị Mariko đã đào được di chỉ của người Sa Huỳnh tại làng Bình Yên (Nông Sơn). Lúc đó di chỉ là một cái sọ, nhưng không tốt như sọ này. Thầy Vượng khi trước xác định niên đại là 5.030 năm cộng trừ 60 năm, nhưng khi ấy xác định trên cồn sò điệp, nên vẫn chưa chính xác lắm. Bây giờ xác định trên sọ, tôi vẫn nghĩ là sớm hơn.
Khai quật di chỉ Bàu Dũ ở Tam Xuân, Núi Thành ngày 15.8.2014. Ảnh: MAI HỒNG LÂM |
Bộ sọ khai quật lần này gần như nguyên vẹn, còn được mặt, còn được hàm dưới. Đặc biệt là răng, răng mỏng kinh khủng. Tôi nghĩ người này chắc còn trẻ. Nhưng có một cái lạ tôi đang nghiên cứu không hiểu sao đây cũng có tục nhổ răng cửa hàm dưới. Tục nhổ răng này, ở miền Bắc chỉ có văn hóa Phùng Nguyên thôi. Tục ấy chỉ có Phùng Nguyên, mà cư dân Phùng Nguyên là thời đại kim khí của miền Bắc. Trong Nam thì có văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi. Lần này thì ở đây có. Điều này rất đặc biệt. Văn hóa Bắc Sơn, Hòa Bình, Đông Sơn không có tục nhổ răng cửa. Có thể thấy ở các hàm răng này, người cổ Bàu Dũ sử dụng đồ ăn tươi sống nhiều, 25 - 30 tuổi răng đã mòn. Qua di cốt còn cho thấy, tuổi thọ của người cổ Bàu Dũ không cao, độ 40 - 50 tuổi.
* Sau khi đã phục chế hộp sọ, ông có ý tưởng gì để có thể trưng bày tại khuôn viên bảo tàng với mục đích cho nhiều người biết hơn về một nền văn hóa Bàu Dũ cách đây hơn 6.000 năm?
PGS-TS. Nguyễn Lân Cường: Tư liệu này nếu hoàn thành được trưng bày, sẽ tạo nên sức hấp dẫn. Tôi tin vậy. Bao giờ bày xương người ta cũng đến xem, cái kiểu tò mò của người dân mình. Tôi sẽ định tuổi, đánh giá về mặt bệnh lý, vẽ một bức tranh sơn dầu về phong tục chôn bó gối của người Bàu Dũ, viết một bài thuyết minh để lại cho các thuyết minh viên ở bảo tàng về người cổ Bàu Dũ. Sau khai quật, cùng với các di chỉ, sẽ mở ra một nền văn hóa thời đại trước gốm, sẽ hiểu được chủ nhân, chủng tộc của nó. Tôi nghĩ, triển vọng từ Bàu Dũ rất lớn. Nên địa danh này cần phải được khai quật lớn hơn, bây giờ chỉ mới có 20m2. Nếu mở khai quật rộng sẽ thấy địa tầng và rất nhiều chuyện khác. Giá trị của những di chỉ khai quật khảo cổ rất lớn. Tuy nhiên khi đào cần phải có phương pháp. Đào một di chỉ khảo cổ sẽ làm mất tính nguyên vẹn, nguyên gốc của di chỉ. Cần phải suy tính cân nhắc, cẩn trọng…
*Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
LÊ QUÂN (thực hiện)