Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: "Tôi viết sách để kéo tuổi thơ gần lại"
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có quá nhiều điều kiện để giữ chất “rặt Quảng” giữa phố thị. Anh “về quê” qua những địa danh, ký ức trong văn chương cũng như ẩm thực. Chừng như gốc gác quê xứ tỏa bóng trong anh, lâu ngày đã thành cổ thụ. Với tâm tư ấy, anh dành cho Báo Quảng Nam cuộc trò chuyện này.
* Rời quê nhà từ khá sớm nhưng chừng như trong các tác phẩm của anh đều có bóng dáng của sự “trở về”, đơn cử qua nhiều địa danh, nhân vật, kỷ niệm tuổi thơ?
Nguyễn Nhật Ánh: Như tôi đã từng nói trong một lần trả lời phỏng vấn trước đây: Tuổi thơ đối với tôi là cả một thế giới đầy ám ảnh. Tôi luôn luôn bắt gặp mình thổn thức khi nhớ về những ngày thơ ấu. Ấy là khi tôi nhận ra mình đã ở quá xa sân ga tuổi nhỏ. Và tôi viết những cuốn sách để kéo chúng gần lại. Mỗi người tha hương đều có một cách nào đó để làm vơi nỗi nhớ quê. Với một nhà văn, đó là tái hiện những kỷ niệm, những miền đất, những gương mặt bạn bè trong các tác phẩm của mình. Ngay cả cuốn Bảy bước tới mùa hè sắp ra mắt, tôi viết từ nỗi nhớ những tháng năm ấu thơ ở Cẩm Lũ, Bình Tú, Thăng Bình.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách cho bạn đọc nhỏ tuổi. Ảnh: N.V.C.C |
* Sống giữa thành phố sôi động, chất “rặt Quảng” có còn trong anh cũng như chút tết quê trong ký ức…
Nguyễn Nhật Ánh: Những ngày Tết trong nhà tôi không bao giờ thiếu các món ăn xứ Quảng như bánh tổ, bánh tét, bánh ú, bánh rò, dưa món. Tôi lại có một quán ăn lấy tên làng Đo Đo “chuyên bán các món ăn xứ Quảng” nên trên bàn ăn nhà tôi lúc nào cũng toàn các món ăn quê hương: thịt luộc bánh tráng, cá nục cuốn rau muống, cá nục muối chiên, cá chuồn, cá hố, cá rô, canh cá tràu nấu chuối khế, mắm thính, mắm xổi, mắm cá cơm… Tôi tin rằng con người ta chủ yếu ăn uống bằng tâm trạng, bằng ám ảnh của ký ức. Khách tới nhà tôi chơi, mới đặt chân qua cửa chỉ nghe các mùi vị đã biết ngay là bước chân vô nhà một người Quảng Nam rồi.
* Năm 2010, tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của anh được trao giải văn học ASEAN. Tác phẩm này cũng được các nhà xuất bản nước ngoài dịch sang các thứ tiếng Anh, Thái Lan và Hàn Quốc. Trước đó, tác phẩm Mắt biếc của anh đã được dịch ra tiếng Nhật và cuốn Cô gái đến từ hôm qua được in thành giáo trình giảng dạy tiếng Việt tại các trường đại học ở Nga. Anh có suy nghĩ gì khi các tác phẩm của mình ngày càng được “quốc tế hóa”?
Nguyễn Nhật Ánh: Dĩ nhiên tôi rất vui và tự hào vì đã góp phần quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Quan trọng hơn nữa, thông qua văn chương bạn bè quốc tế sẽ có thêm hiểu biết và thiện cảm đối với đất nước và con người Việt Nam. Ngoài các kênh ngoại giao chính thức của nhà nước, tôi nghĩ văn chương, âm nhạc, điện ảnh… là kênh “ngoại giao nhân dân” không kém phần quan trọng để dân tộc này yêu mến một dân tộc khác.
* Mỗi dịp ra sách mới, bạn đọc ở thành phố lớn có cơ hội giao lưu với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Anh có nghĩ đến một buổi ký tặng sách với bạn đọc quê nhà?
Nguyễn Nhật Ánh: Năm 2010, nhân ngày Sách và Bản quyền thế giới, tôi có về giao lưu với sinh viên học sinh Đà Nẵng tại Trường Phan Châu Trinh theo lời mời của Sở Giáo dục - đào tạo Đà Nẵng. Năm 2012, tôi cũng về ký tặng sách cho bạn đọc Đà Nẵng nhân dịp ra mắt tác phẩm Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức. Ngày Sách và Bản quyền thế giới năm 2013, tôi đã gửi tặng toàn bộ tác phẩm của tôi cho Trường Tiểu La ở Thăng Bình. Tiếc là tôi chưa có dịp giao lưu với các em học sinh ở Trường Tiểu La (Thăng Bình) và Trường Trần Cao Vân (Tam Kỳ) như tôi đã từng thực hiện với Trường Phan Châu Trinh, là những ngôi trường tôi từng theo học. Nhưng bạn cũng biết đấy, thực hiện một cuộc giao lưu với số đông là chuyện cá nhân nhà văn không tự mình tiến hành được. Nó liên quan đến các quy định luật pháp, do vậy chỉ có các tổ chức hay các đơn vị có thẩm quyền mới làm được. Về mặt cá nhân thì tôi luôn sẵn sàng, thậm chí đó là mong ước của tôi.
* Cảm ơn anh. Chúc anh một năm có nhiều sáng tác mới và thành công hơn nữa!
THÙY DUNG (thực hiện)