Ăn tết cùng Phan Khôi
Nhà văn, học giả Phan Khôi (1887-1959), lúc sinh thời có một bút lực sung mãn trên các báo từ nam chí bắc. Xưa, bạn đọc thường háo hức đọc những bài của ông viết trong dịp Tết…Cố nhà báo Đoàn Bá Từ từng kể với tôi, những lúc như vậy người ta thường bảo là “chờ ăn Tết cùng Phan Khôi”…
Có bỏ được ăn Tết ta được không?
Thời cụ Phan làm báo, cách nay non thế kỷ cũng đã có chuyện bàn cãi có nên ăn Tết ta hay không rồi. Hồi đó, vài người theo Tây học đã vận động như vậy! Số báo Tết Thần Chung năm 1929, Phan Khôi kéo cái tít khá giựt gân: “E khi cái tết năm nay là cái tết chót!”. Để đến sau Tết ông lại lôi chuyện cũ ra ở số tân niên: “21 triệu năm nữa mới bỏ được ăn tết” là vì: Trong dịp nghỉ tết, ông đã bắt gặp một ngài “quan báo” từng viết bài kêu gọi không ăn Tết ta lại đi đón giao thừa. Hỏi ra thì vị này bảo...sang năm mới không ăn tết, còn một năm nữa. Cụ Phan viết: “Thật thế, chánh ngay người chủ động bỏ cái thuyết ăn tết cùn còn cần đến một năm nữa mới thi hành, huống chi là kẻ khác. Và theo số biên kê vừa rồi, dân An Nam mình đông trên 21 triệu, mỗi năm chỉ hóa đặng có một người là mau nhứt, thì có phải là trên 21 triệu năm nữa cái cuộc cổ động bỏ tết mới có kết quả chăng?Mấy ông bạn mình họ bền chí thiệt!”.
Một phong tục đã ăn sâu ngàn đời trong văn hóa Việt và Á Đông, nhưng một số người theo Tây học hồi đó cứ học đòi lối sống trưởng giả đã cố lập dị đòi bỏ Tết ta, Phan Khôi thấy vậy nhận xét: “Trong xã hội càng những kẻ to đầu chừng nào, cục lo lại càng lớn”. Người nghèo lo tết là lo cái ăn cái mặc, lo nợ đòi, con không có quần áo mới. Nhà chí sĩ lo năm mới sắp đến mà trăm công nghìn việc chưa nên được việc gì. Tác giả cũng lo “trăm năm thân thế chẳng còn là bao; con đường đời còn trải khắp đó đây, tấn tuồng đời lại càng trông thấy lắm trò chướng tai gai mắt...”. Phan Khôi đồng thời lại chỉ ra và phê bình không tiếc lời những việc cúng bái vô vị, hoang phí, vọng ngoại trong những ngày tết ở những nơi có lễ hội mà quên đi việc tưởng nhớ thiết thực đối với những “danh nhơn”của dân tộc.
Chuyện ông Táo về Trời
Từ hăm ba tháng Chạp, khi đưa ông táo về trời, cụ Phan đã viết liền nhiều bài về tục lệ, táo quân...và cả những chuyện thời sự độc đáo trên đời của “giống thú biết mặc quần” như cách tìm chữ tài tình vốn có của ông vào lúc đó. Ở làng Quán Khái đông (nay là Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) có 388 người hai năm liền quan huyện gởi giấy thu thuế đều ghi cùng một tuổi. Năm trước 30 tuổi, năm sau cũng vậy! Cái tính quan liêu, đại khái của nhà đương cục thực dân phong kiến đó được Phan Khôi “nện” không thương tiếc : “Nếu vậy thì cái tết vừa rồi họ ăn tết mới là tầm bậy. Lẽ đáng không nên ăn tết mới phải. Vì nếu có tết thì mỗi người phải thêm một tuổi!...Không có tết thì người đóng thuế cứ trẻ hoài, cứ đóng thuế hoài, không đời nào ra lão, chỉ khi nào chết mới hết đóng thuế, như vậy có phải lợi cho chính phủ không?”.
Nhưng đáng nhớ hơn cả là khi cụ Phan, dưới bút danh Tân Việt trên báo Thần Chung, đã viết rằng chuyện ông Táo về trời thì dưới thế gian có chi lạ đâu mà phải lên trời tấu trình: “Mạnh cũng cứ ăn hiếp yếu, giàu ỷ thế lấn nghèo, người quân tử thì phải chịu khổn khó, đứa tiểu nhơn lên xe xuống ngựa, đàn ông cứ thả mèo, đàn bà cứ ghen như chết...Từ khi có thế gian đến nay, tôi tưởng loài người chẳng có chi gọi là thay đổi...”. Biểu ông táo làm thinh mà Phan Khôi thì tố cáo bao nhiêu bất công của xã hội lúc bấy giờ với những dòng chữ đầy cay đắng đó!
Và con đường tiền lộ thênh thênh…
Trong số những bài viết trước, trong và sau mỗi cái tết của Phan Khôi, có lẽ bài khai bút đầu năm 1929 trên báo Thần Chung như một tự sự của ông cho thấy rõ hơn một tâm hồn ngay thực của người con xứ Quảng. Hãy đọc lại những dòng này: “Nay đang lúc tiếng pháo vừa thưa, hơi trầm mới lạt, Tân Việt (tức Phan Khôi- NV) giở miếng cũ với một tuổi mới trịnh trọng giở ngọn bút mà viết câu chuyện mở hàng...Bút ơi, bút ơi...Ta vẫn tin ở người lắm; ta vẫn tin người là một vật mà quyết không ai có thể lấy sức gì đè nén được...Người cố lên, năm còn rộng, tháng còn dài, con đường tiền lộ thênh thênh, người cùng ta hàm súc biết bao là hy vọng...”.
Hơn năm mươi năm sau ngày Phan Khôi vĩnh biệt trần thế, giới học thuật đã tổ chức một hội thảo khoa học tại Quảng Nam để đánh giá những đóng góp của ông trong lĩnh vực văn hóa. Tôi cũng tìm đọc lại những gì ông viết, đọc lại những bài báo Tết của Phan Khôi, để thấy nền báo chí Việt Nam đã tiến bước trên “con đường tiền lộ thênh thênh” mà ông đã tiên liệu. Phan Khôi không chỉ là nhà văn, nhà thơ, nhà dịch thuật, nhà tư tưởng tiến bộ đầu thế kỷ 20, mà trong những bài báo viết trong những ngày đầu năm, cuối năm của ông, dù ngắn, dù viết trong sự thúc ép của thời gian, dòng suy nghĩ của ông vẫn toát lên một niềm tin vào tương lai khi mạnh mẽ phê phán những bất công, tiêu cực trong xã hội đương thời. Đáng quý thay một tâm hồn Quảng!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG