Nơi lưu dấu tiền nhân
Với người Quảng, đình là nơi sinh hoạt tín ngưỡng thờ tự tổ tiên, là niềm tự hào về các giá trị văn vật của làng mình. Nơi nào “mất đình” thì dân làng cảm thấy bơ vơ như “lưu dân tập thể”...
Về niên đại của đình làng miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng, GS. Hà Văn Tấn nhận định “Từ phía nam Hoành Sơn đến vùng Quảng Nam, chúng ta cũng không biết đích xác đình có tự lúc nào” (Hà Văn Tấn - Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam). Đình làng Quảng Nam chắc chắn có niên đại nửa sau thế kỷ XV, cụ thể là thời Hồng Đức (1470-1497), phổ biến vào các thế kỷ XVII - XIX. Do trải qua nhiều thời kỳ “thiên tai, địch họa” nên có nhiều đình làng chỉ còn là phế tích, xóa vết tích hẳn hoặc hiện tồn sau nhiều lần trùng tu cách nhau nhiều thập niên có khi hàng thế kỷ.
Đình Quảng Nam phần lớn vẫn quay về hướng Nam như đình ở Bắc Bộ.Ảnh: NGUYỄN TUẤN |
Cảnh quan, kiến trúc
Đình Quảng Nam phần lớn vẫn quay về hướng nam như đình Bắc Bộ “lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam”; trong trường hợp thuận theo phong thủy “minh đường, hậu chẩm”, “thủy tụ, sơn triều” đình có thể khác hướng nhưng không ở hướng trung gian (tây - nam, đông - nam, tây - bắc, đông - bắc) mà phải chánh hướng (đông, tây, nam, bắc). Đình thường nằm ở thế đất cao, thoáng nếu không thuận phong thủy tự nhiên thì thay bằng “phong thủy nhân tạo” theo cách đào ao/đầm, đắp núi giả (giả sơn) trước sân đình vì “có lẽ việc tìm thế đất này bắt nguồn từ thời xa xưa, khi các cộng đồng nguyên thủy bắt buộc phải định canh, định cư cạnh các nguồn nước” (Hà Văn Tấn-sđd).
Kiến trúc cơ bản của đình Quảng Nam gồm cổng ngõ - thường là cổng một cửa, ba cửa (tam quan) hoặc một cửa có hai trụ biểu cao trên đỉnh trụ tạc hình con nghê, có đình không có cổng ngõ cao, chỉ có rào giậu thấp chừa cửa vào. Đình Quảng Nam phía trước chính đường thường có tấm bình phong (khác với Bắc Bộ thường không có bình phong), tạc đắp nổi kiểu phù điêu hình cọp vàng (hổ hoàng), long mã (vật đầu rồng mình ngựa) chở cái phù đồ, hình long hổ hội (rồng trên xuống, cọp hướng lên) - biểu trưng cho âm dương hòa hợp. Trong sân đình của một số đình, bên trái, bên phải thường có các miếu thờ Thần Đất (Xã Thần), Thần Nông (Tắc Thần), Thần Cọp, miếu thờ Năm Bà Ngũ Hành, Bà Thủy Long... Trung tâm là chính đường để tế tự, sinh hoạt nghi lễ. Bình đồ kiến trúc phổ biến là dạng đình chữ “Nhất” - gồm một nếp nhà nằm ngang (tên gọi: chính đường, chính điện, đại đình, đại bái), dạng chữ “Đinh” - ngoài chính đường còn nối với khu hậu tẩm là nơi thờ Thành hoàng, nơi trang nghiêm nhất. Đặc điểm này khác với kiểu chữ “Nhị”, chữ “Tam”, chữ “Công” chữ “Khẩu” (Bắc Bộ), chữ “Môn”, dạng “nội công ngoại quốc” (Nam Bộ)...
Khách đến thăm đình làng Thạch Tân - Tam Thăng (Tam Kỳ).Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Về kết cấu kiến trúc, chính điện là bộ khung nhà gỗ tương tự ngôi nhà dân xứ Quảng - ngôi nhà rường ba gian hai chái hoặc một gian hai chái. Đình giống kết cấu nhà khung gỗ gồm hệ thống cột và các bộ phận liên kết cột hết sức phức tạp nhờ hệ thống mộng và các con nêm. Cột là bộ phận chịu lực chủ yếu của ngôi nhà đè lên hệ thống các chân tảng (chân cột), những đình làng nổi tiếng có cột đình lớn như đình Chèm, đình Tây Đằng, đình Đình Bảng... (Bắc Bộ), Quảng Nam có đình La Qua tương truyền có cột mà vòng ôm người lớn không hết nên dân gian truyền tụng “chình ình như đình La Qua”. Đình có năm hàng cột (hai cột nhất/cột cái, hai cột nhì và một cột hàng ba ở mái trước) cũng có đình có bốn hàng chân cột (hai hàng cột nhất, hai hàng cột nhì) hoặc có sáu hàng cột. Các cột liên kết theo chiều ngang tạo thành bộ vì. Bộ vì kèo của đình Quảng Nam ngoài kiếu kết cấu xà cò trụ đội, thượng rường hạ kèo, còn kiểu chồng rường con đội hay chồng trính con đội rất giống kiểu thức bộ vì kèo trong các kiến trúc gỗ Hội An. Về bộ mái, gồm bốn mái (hai mái chính trước và sau, hai mái phụ của hai chái ở hai đầu hồi) không có kiểu “tàu đao lá mái” - có đầu đao cong vút như Bắc Bộ. Đình Quảng Nam có nhiều hình thức trang trí bờ dải, đường gờ, diềm mái đa dạng, các hình ảnh vật linh bằng khảm sành sứ sinh động tạo cảm nhận như mái “trùng thiềm điệp ốc”. Đặc biệt, ở Quảng Nam có một ngôi đình được xây bằng vật liệu đá hết sức độc đáo thích nghi với phong khí miền cửa sông - ven biển như đình đá An Bàng - Hội An.
Kết cấu bên trong của một đình làng ở huyện Phú Ninh.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Thờ tự và tín ngưỡng
Ở Bắc Bộ, đình làng thường thờ các nhân thần - các nhân vật lịch sử có công với nước, với địa phương trong việc chống giặc, bảo hộ dân làng tai qua nạn khỏi, giúp dân trong việc dạy nghề, dạy học. Ở Quảng Nam lại khác, đình làng thường thờ các nhiên thần (dân làng suy tôn “Thành hoàng bổn cảnh” và được triều đình phong sắc); hoặc thờ các vật linh, nhiên thần (được triều đình phê chuẩn như Thái Giám Bạch Mã, Ngũ Hành Tiên Nương, Thần Nông...), chủ yếu là thờ tiền hiền có công “dựng làng, lập ấp” hoặc thờ thần và phối thờ tiền hiền, hậu hiền. Trong tâm thức lưu dân thì “Tiền hiền” cũng hàm nghĩa là các vị “tổ cao, xa các đời trước” ở Bắc Bộ, ở vùng Thanh - Nghệ, việc thờ các vị là để tỏ lòng hiếu kính “uống nước nhớ nguồn”. Đình ở Quảng Nam ngoài thờ Thành hoàng, tiền hiền, còn thờ chung các Thần Đất, Thần Nông, Ngũ Hành, Sơn Thần... thậm chí thờ các vị Thần Chăm như Voi Thần, Bệ tượng Chăm... như đình Xuân Mỹ (Thanh Hà, Hội An) thờ phù điêu voi - vết tích của tiếp biến văn hóa Việt – Chăm.
Cổng vào đình làng Tứ Bàn (Tam Kỳ).Ảnh: NGUYỄN TUẤN |
Do sự triển nở của cư dân, các thôn ấp phát triển đến một độ nào đó thì quy mô cộng đồng đòi hỏi cần có một thiết chế văn hóa -tín ngưỡng mới nên ở Quảng Nam có đình ấp (như ở Hội An có đình ấp Nam Diêu (Thanh Hà), đình ấp Tu Lễ (Cẩm Phô). Nơi đây, cư dân đồng thời vẫn sinh hoạt tín ngưỡng với cư dân làng Thanh Hà, làng Cẩm Phô nơi đình làng Thanh Hà, đình làng Cẩm Phô) hoặc đình phường - do cư dân phường hội thủ công lập nên (như đình phường nghề sừng, lược Xuân Mỹ - một di tích cấp quốc gia hiện nằm trong địa phận ấp/khối Nam Diêu, Thanh Hà, Hội An). Trong quá trình cộng cư, ở Hội An có đình của cư dân làng Minh Hương (lớp cư dân Việt có tổ tiên gốc Hoa, trải qua hôn nhân với người Việt nhiều đời) như “đình Ông Voi”, “Minh Hương Tụy Tiên Đường”.
Lịch sử đổ bóng xuống sân đình làng qua bao thăng trầm dâu bể. Từ hình ảnh đình làng Quảng Nam có thể tìm thấy dấu ấn của các bậc tiền nhân trên hành trình mở đất, lập làng.
PHÙNG TẤN ĐÔNG