Nét đẹp nhà của làng
Văn hóa làng xã Việt Nam lưu dấu lòng tôn kính công lao các bậc tiền hiền, những minh sư, những người đã hy sinh cho nghĩa cả. Điều này được dân ta ghi tạc qua những công trình như bia đá, đền chùa, miếu mạo; trong đó, cái đình là hình ảnh tiêu biểu nhất.
Cho tới nay, vẫn chưa có nhà nghiên cứu nào khẳng định thời điểm đầu tiên xuất hiện của cái đình. Chỉ có thể phỏng đoán rằng, cái đình xuất hiện từ thời kỳ dân Lạc Việt biết làm nhà ở. Điều xác quyết là hình ảnh cái đình biểu trưng cho sự cố kết cộng đồng, nét văn hóa đặc trưng nhất của làng Việt Nam. Nói khác đi, nhiều gia đình cùng sống trong địa phận một làng, và mỗi gia đình đều có nhà riêng; còn cái đình là nhà của làng, và có những đặc trưng:
Thứ nhất, cái đình là một không gian tâm linh, vì đây là nơi dân làng cúng tế, nơi người sống có sự giao tiếp tâm linh với người chết. Mọi việc quan trọng trong làng đều được đại diện của làng cáo với Thành hoàng và tổ tiên. Đây cũng chính là một trong những nét đặc thù của văn hóa làng xã. Ông cha chúng ta có một quan niệm nhân sinh thiết thực, là kéo người chết về gần với người sống. Trong gia đình, có việc gì quan trọng, như xây nhà mới, dời mộ của các bậc bề trên, hoặc dựng vợ gả chồng cho con cái, thì người trưởng gia đình bao giờ cũng thắp hương trước bàn thờ để cáo với ông bà, tổ tiên. Cũng vậy, ở làng có việc gì thì người trưởng làng cũng phải làm lễ cáo với các bậc tiền hiền, những người khai canh lập làng. Sự liên lạc tinh thần ấy không chỉ có ý nghĩa tâm linh, mà còn mang ý nghĩa đạo đức: vì sợ mắc tội, thất lễ với ông bà, tổ tiên; vì muốn giữ cái nền nếp mà ông cha đã truyền lại, nên con cháu còn sống không dám làm những điều xằng bậy, trái với đạo lý. Có thể nói, sự liên lạc tâm linh ấy, xét cho cùng, là vì người sống hơn là vì người chết. Nói cách khác, đó là biểu hiện của một nền văn hóa thái hòa: hòa Đất với Trời; hòa Đời với Đạo; hòa Siêu nhiên với Thiên nhiên.
Trẻ em vui chơi ở sân đình.Ảnh: NGUYỄN TUẤN |
Thứ hai, cái đình là một không gian hành chính. Chính ở sân đình mà các vụ kiện tụng trong làng được giải quyết. Cũng ở sân đình, làng tuyển lính hay tuyển tráng đinh đi đào sông, đắp đường, làm những việc công ích. Ở đây, ta cũng cần thấy một nét đặc trưng khác của văn minh làng xã, là quan niệm trọng hiền. Vì trọng hiền nên cũng phải trọng xỉ, tức là trọng người lớn tuổi, vì người lớn tuổi thường có kinh nghiệm đời, là những người thấu tình đạt lý, và nhờ đó mà trở nên minh triết. Chính vì quan niệm trọng hiền, trọng xỉ này mà ta thấy các hội đồng kỳ mục của làng ngày xưa bao giờ cũng gồm những vị bô lão và những người có học, hoặc đã đỗ đạt ra làm quan nay về nghỉ hưu ở chốn quê làng. Xem thế, đối với văn hóa dân tộc, quan niệm trọng hiền, trọng xỉ vẫn được đặt lên trên việc trọng hoạn, tức trọng những bậc quan quyền. Lại nữa, làng là một đơn vị hành chính đặc biệt, nên vì vậy mới có “phép vua thua lệ làng”.
“Đó là loại nhà sàn lúc trước kêu là cái rong, về sau kêu là cái đình; nhiều nơi ngoài Bắc ngày xưa còn làm đình cao cẳng... Dầu sao chúng ta cũng có lý để tin rằng đình chính là cái nôi mà nước Việt Nam cổ đại khi sinh ra đã được mẹ Âu Cơ đặt vào và chính trong đó nó đã lớn lên và trải qua biết bao cuộc thăng trầm: vinh có, nhục có, nhưng bao giờ nó cũng vẫn mang theo cái nôi nọ. Là bởi vì cái nôi này chính là cái cơ cấu nguyên sơ tức là những yếu tố căn cơ để tạo dựng nên tinh thần dân tộc, nên vẫn gắn liền với dân tộc cho đến tận ngày nay”. (Kim Định, Triết lý cái đình, Nguồn sáng, S. 1971, tr.39). |
Thứ ba, cái đình là một không gian sinh hoạt hội hè. Để cho mỗi gia đình không trở thành một ốc đảo cô đơn, tách rời khỏi sinh hoạt, đời sống của cộng đồng, cái đình đã trở thành nơi gặp gỡ của mọi gia đình trong làng. Đình là nơi hội tụ của toàn thể dân làng trong những ngày lễ, tết, hoặc những hội cúng (thần) làng. Và dĩ nhiên, trong những ngày ấy bao giờ cũng có ăn uống; vì thế mà ông cha ta, trong vốn ngôn ngữ sinh động và giàu hình tượng của mình, vẫn quen gọi là đình đám. Đã nói đến đám ở đình thì phải ăn lớn hơn giỗ ở nhà. Bởi đám ở đình thì mọi người dân trong làng đều được dự phần, dù có thể tùy theo vai vế, tuổi tác mà được ăn ở mâm trên hay mâm dưới, ăn trước hoặc ăn sau. Có một lớp người do bị ảnh hưởng của cái học phương Tây, cho rằng đình đám là một thói xôi thịt, một hủ tục. Quan niệm ấy phiến diện ở một số địa phương, còn cốt lõi đám ở đình thể hiện sự cộng sinh cộng lạc của dân tộc chúng ta. Mọi người cùng sống trong không gian của làng thì đều được ăn, đều được vui. Đó là một thứ triết lý thực tiễn. Ấy là chưa nói đến tục lệ của một số nơi ở miền Bắc trước kia, vào tháng Giêng, trong hội đình, sau khi cúng xong, mọi đèn đuốc trong và ngoài đình đều được thổi tắt hết trong vòng một khắc, để nam nữ chưa vợ chưa chồng được tự do tình tự. Do đó, có thể nói rằng, đình đám chính là một thứ lễ hội mang tính chất phồn thực. Và cái không gian biểu thị thứ triết lý nhân sinh thực tiễn đáng quý ấy trong các làng xã của ta chính là cái đình.
Xem thế, cái đình từng đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của văn hóa làng xã, mà văn hóa làng xã chính là nền tảng của văn hóa dân tộc. Tiếc rằng, ngày nay không phải ai cũng ý thức được điều đó, và đã có nơi, có lúc, cái đình bị lãng quên.
NGUYỄN VĂN BỔN