Còn đây, đình Chiên Đàn…
“Chiên Đàn xã đình” gắn liền với bao biến cố lịch sử 600 năm mở đất, đấu tranh giữ nước của nhân dân xứ Hà Đông. Đây là ngôi đình cổ lớn nhất ở vùng nam Quảng Nam, được xếp hạng di tích cấp quốc gia, còn che bóng cho những tâm hồn hướng về nguồn cội...
Tương truyền, ở Quảng Nam xưa có ba ngôi đình lớn “nhất La Qua, nhì Thạnh Mỹ, ba Chiên Đàn”, nhưng trải qua dâu bể thời gian, giờ đây chỉ còn lại đình Chiên Đàn, tọa lạc tại thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn, Phú Ninh.
Theo tư liệu lịch sử còn lưu giữ tại Trung tâm VH – TT Phú Ninh, vùng đất Chiên Đàn được khai lập vào năm 1403, sau khi nhà Hồ đem quân đánh Chiêm Thành và lập nên bốn châu Thăng – Hoa – Tư – Nghĩa. Cho đến khi vua Lê Thánh Tông bình định và lập ra Quảng Nam thừa tuyên đạo (1471) thì một số dòng họ người Việt mới thực sự định cư vùng đất Chiên Đàn ngày nay. Để tưởng nhớ công đức các bậc tiền nhân, tiền hiền đã khai lập nên địa hiệu Chiên Đàn, người dân xưa đã cùng nhau xây dựng ngôi đình.
14.7 âm lịch hằng năm, người dân xã Tam Đàn (Phú Ninh) về đình Chiên Đàn để dự lễ văn hóa truyền thống.Ảnh: XUÂN NGHĨA |
Đình Chiên Đàn được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng, khuôn viên rộng đến 1.500m2. Đình chính rộng 440m2, xây hình chữ nhất, mặt xoay về hướng đông – nam, nóc trang trí hình “lưỡng long triều nguyệt”, mái hiên đắp hai con kỳ lân; trước đình chính có cổng tam quan. Đình gồm 5 gian hai chái, có 30 cột gỗ mít, phía trước điện thờ gắn ba bức hoành phi, có bức ghi rõ “Chiên Đàn xã đình”. Bên phải sân đình là nhà trù cho dân đinh đến canh gác, bên trái là kho lương và chứa tài sản của xã. Nhà Võ ca được xây dựng phía trước cổng tam quan, là nơi biểu diễn võ thuật và ca hát trong dịp lễ hội (nay chỉ còn dấu vết hai trụ biểu). Ngôi đình được phường thợ Văn Hà thi công phần mộc, lưu lại tinh hoa kiến trúc mỹ thuật cổ truyền mang những giá trị độc đáo.
Theo dòng chảy lịch sử, đình Chiên Đàn thấm đượm những trang huyền thoại gắn với các vị anh hùng trung liệt, các nhà khoa bảng, chí sĩ, danh nhân… Vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, khi dẫn quân binh đánh đồn Hải Vân, ngang qua huyện Hà Đông đã được nhân dân nghinh tiếp, ủng hộ. Tại đình Chiên Đàn, ông đã tập hợp và thành lập lực lượng nghĩa binh lớn với tên gọi “Tiền cơ Trung Nghĩa” trong đó có những người Chiên Đàn như cụ Kiều Phụng được phong Đô đốc phụ trách hải thuyền, cụ Đống Công Trường được phong Cai cơ, thống lãnh đạo quân Hà Đông.
Năm 1885 -1887 khi Trần Văn Dư lãnh đạo Nghĩa hội Quảng Nam hưởng ứng Cần vương chống Pháp xâm lược và tay sai Nam triều, đình Chiên Đàn là nơi tuyển quân, thu nhận quân lương khí giới do các cụ tú tài Võ Đức Mậu, cử nhân Trần Hoán, cụ Võ Bang, Võ Lệ, Xã Xước chỉ huy. Nhằm bảo vệ và đề phòng giặc Pháp lợi dụng đình Chiên Đàn làm chỗ trú ngụ, nghĩa quân đã tháo dỡ đình và sau đó đệ đơn ra triều đình Huế xin cho dựng lại đình.
Vào năm 1904 - 1908, phong trào Duy tân bùng nổ, các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng đã diễn thuyết tại đình Chiên Đàn, kêu gọi giới văn thân cùng nhân dân huyện đấu tranh đòi xin xâu, giảm thuế… Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, đình Chiên Đàn được chọn làm trụ sở UBND lâm thời xã Chiên Đàn, đến năm 1949 được sáp nhập vào xã Tam An. Vào những ngày đầu thành lập Đảng bộ Tam Kỳ, tại đình Chiên Đàn, đồng chí Võ Chí Công (sau này là Chủ tịch nước) đã tổ chức cuộc họp quần chúng cốt cán, có các cụ Nguyễn Tương, Nguyễn Tấn Kiên, Nguyễn Đình Liêu… tham gia.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, mưa gió khắc nghiệt, đình Chiên Đàn xuống cấp phải trùng tu, sửa chữa nhiều lần (vào các năm 1932, 1955, 1967, 1972, 1996 và gần đây nhất là năm 2006). Dù vậy, kiến trúc của đình vẫn giữ được gần như nguyên vẹn. Đình đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) ra quyết định công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.
Ngày nay, vào dịp 14.7 âm lịch hằng năm, nhân dân xã Tam Đàn, hội tụ về đình Chiên Đàn dâng hương tưởng nhớ anh linh tiên tổ, tiền hiền đã khai sơn lập làng và các vị anh hùng hào kiệt đã phụng sự, hy sinh cho Tổ quốc. Mái đình cổ trên làng xưa cũng vang lên tiếng trống khai hội, thúc giục lòng người tìm về ngưỡng vọng những giá trị truyền thống, văn hóa, lịch sử và cách mạng. Điều thú vị nữa, ngôi đình cũng là nơi dành để tổ chức lễ tuyên dương con cháu vượt khó học giỏi. Qua đó, trao truyền nuôi dưỡng tình yêu quê hương với niềm tự hào về đất học, đất khoa bảng, vùng “địa linh nhân kiệt”…
XUÂN NGHĨA