Miên man tên đất tên làng

TẤN ĐƯỜNG 16/02/2015 10:29

Trên hành trình thiên lý Bắc - Nam, qua con đèo nổi tiếng là ranh giới của hai tỉnh Bắc Trung bộ, nghe chuyện tiếu lâm rằng có cuộc họp bàn cần thay đổi tên gọi con đèo; bởi đèo Ngang, theo lối nói lái, như một lời nguyền về cái nghèo truyền kiếp. Nhiều đề xuất thay bằng đèo Nằm, đèo Nghiêng rồi đèo… Đứng, đều  nghe không ổn. Song, cho đến giờ, cư dân hai địa phương có thể ung dung gọi theo cách dân gian là đèo Nghếch, vì đã không còn cảnh nghèo đói ngày xưa khi khu kinh tế Vũng Áng của Hà Tĩnh và quần thể Phong Nha - Kẻ Bàng của Quảng Bình đang là đầu tàu vực dậy kinh tế cả vùng.

Đó là chuyện tếu táo cho vui, nhưng quả thực địa danh, tên gọi vùng đất được hình thành suốt quá trình khẩn hoang, mở làng lập ấp, luôn gợi lên niềm thao thức. Bởi vậy nên tiền nhân rất cẩn trọng mỗi khi khai sinh tên gọi cho một vùng đất mới. Địa danh thường được đặt một cách mộc mạc, dung dị như chính mảnh đất và con người sống trên mảnh đất ấy của nền văn minh lúa nước.

Về quê (Tam Đàn, Phú Ninh) cái tên được xướng trong các lễ cúng “Bàu Tý xứ” hóa ra xuất phát từ cuộc đất vốn là một cái bàu nhỏ. Tên Cầu Số, được dân gian đặt cho chiếc cầu do Pháp xây dựng có đánh số đầu tiên ở khu vực này. Rồi tên Đầu Cầu là tên gọi của chiếc cầu vừa mới làm đã bị lũ cuốn trôi, hay Ruộng Làng là tên của thửa đất cả làng chung lại làm gây quỹ cho làng.  

Dọc tuyến đường từ ngã ba Cây Cốc đi Hiệp Đức, Phước Sơn các địa danh cầu Ông Thở, cầu Bà Thở nghe dân gian lưu truyền rằng ấy là do ngày xưa đường xấu, đèo dốc nhiều nên những người đi nguồn phải than thở vì mệt nhọc.

Miên man trên đường qua các vùng đất, chợt thấy chuyện chỉ dẫn địa danh  còn có chỗ thiếu sự cẩn trọng, dễ tạo ra hiểu lầm đáng tiếc. Ví như, trên tuyến ĐT616 đi Tiên Phước, có nhiều cột mốc cây số ghi: “Cụ Huỳnh -3km”, “Cụ Huỳnh – 5km”. Lẽ ra ở đây phải ghi rõ là “Nhà thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng”. Dù là chuyện nhỏ nhưng về mặt nào đó cũng ảnh hưởng đến sự tôn kính với bậc chí sĩ.

Trong kho tàng tên gọi các vùng đất, những địa danh thể hiện sự mong ước của tiền nhân thuở khai sơn mở cõi cho con cháu đời sau chiếm số lượng lớn và rất phong phú khó có thể kể hết như Tiên Phước, Phước Sơn, Đại Lộc, Tiên Cảnh, Long Sơn,…

Trước thềm xuân mới, mạo muội tỏ bày vài cảm nhận về địa danh như là cách tri ân về những bậc tiền nhân đã gửi niềm mong ước đằm sâu trong từng tên đất tên làng.

TẤN ĐƯỜNG

TẤN ĐƯỜNG