Tất niên

TẤN ĐƯỜNG 12/02/2015 10:00

Tất niên là hết năm. Ngày xưa lễ cúng tất niên thường vào ngày 29 hoặc 30 tháng Chạp tùy tháng thiếu, đủ. Đó là thông lệ xưa còn ngày nay có ít nhiều thay đổi theo thời cuộc. Đời sống khấm khá hơn, việc cúng tất niên của nhiều gia đình chủ yếu là sắp xếp được thời gian và cỗ cúng “hết năm” kết hợp để đãi đằng bạn bè, hàng xóm, những người có quan hệ làm ăn… Các báo cũng ra số tất niên là số cuối cùng của năm cũ, tạm thời ngừng phát hành để chuẩn bị đón năm mới.  

Cha mất sớm, mẹ tần tảo nuôi cả bầy con trong thời buổi đất nước khó khăn nên cái tết xưa thường rất giản đơn, đạm bạc nhưng với lũ trẻ chúng tôi là những ngày ấm áp được trông đợi nhất trong năm.

Tấp nập chợ quê chiều cuối năm.
Tấp nập chợ quê chiều cuối năm.

Nắng vàng rải nhẹ trên những luống cải, vạt rau thơm mơn mởn được mẹ và mấy chị em chăm chuốt từ cả tháng trước tết. Ngày cuối năm dù bận rộn mấy, cả nhà phải tề tựu đông đủ để chuẩn bị cỗ cúng tất niên. Thịt heo vừa chia về đủ cả xâu lòng còn nóng hổi. Nếp được dành riêng một khoảnh ruộng để cấy cũng đã được phơi, xay, giã, giần, sàng trắng tinh được đem đồ cẩn thận. Gà vịt nuôi sẵn tính đủ suất cho cả mấy chục người. Riêng gà cúng phải là gà trống vừa trổ mã được nhốt riêng không cho gần các “chị em”. Mâm hoa quả là cây nhà lá vườn gồm chuối, đu đủ, thơm… tùy thức nào chín trước. Hoa hòe trước nhà, bông trang ngoài đồi thêm vài loài lá là có vài bình bông sạch sẽ, tinh khiết. Anh trai đầu đã mài sẵn dao cạo, kéo và dúi đầu mấy thằng em chúng tôi xuống hớt tóc. Sau đó cả đám con nít trong xóm tồng ngồng ra suối ra sức kỳ cọ, tắm táp cho trôi hết những cáu ghét, bụi bẩn lưu cữu suốt một năm phơi nắng dầm mưa ngoài đồng bãi cùng những đàn trâu, đàn bò với những trò chơi “không giống ai” đầy ngẫu hứng. Các mẹ, các chị, các em gái đã thủ sẵn nồi nước lá bồ kết bỏ hoa chanh “tẩy trần” những mái tóc dài đen bóng, mướt rượt được gìn giữ rất kỳ công.

Xong việc vệ sinh cũng là lúc cỗ cúng được dọn ra và cả nhà quây quần rôm rả chuyện trò và thưởng thức những món ngon mà vì đói kém nên cả năm thỉnh thoảng mới được ăn. Mê mải ăn và vì lạ bụng mà không ít người bị đau bụng phải dùng bài thuốc dân gian đọt ổi kèm muối trắng mới yên.

Là con út, sáng ngày tất niên tôi được mẹ dẫn đi chợ. Cảnh chợ quê ngày cuối năm đông tới độ chen chân không lọt. Đủ loại hàng hóa sản vật được bày bán. Kẻ mua người bán tấp nập. Trong mắt tôi, phiên chợ cuối năm khác lạ hơn bởi những hàng lá chuối ống dang dùng để gói bánh. Mẹ dẫn đến hàng tò he cho tôi chọn vài thứ rồi quay qua bên cạnh mua cho tôi mấy cây kẹo ú gói trong lá chuối. Mẹ cũng không quên mua về cho mấy anh chị em ở nhà. Háo hức nhất là lúc mẹ dẫn đến hàng may cuối chợ cho ướm thử bộ quần áo mẹ đã đặt may cho tôi từ trước đó cả tháng. Xong việc tôi vừa đi vừa chạy theo mẹ về nhà để mẹ kịp làm những việc “không tên”  vô cùng bận rộn ngày cuối năm.

Bây giờ nhớ quê, nhớ lại thời thơ ấu đầy ắp kỷ niệm chiều cuối năm, tôi cũng bày đặt gói nem, gói bánh rồi đốt củi nấu và thẫn thờ nhìn sự xô bồ của đời sống mà luyến thương một thời đã mất.

TẤN ĐƯỜNG

TẤN ĐƯỜNG