Tên làng người Cơ Tu
Người Cơ Tu đặt tên làng, thôn (Vêêl, Bươl, krơnon) theo tên gọi của con sông, suối, ngọn núi, theo một sự tích về tự nhiên, sự kiện tiêu biểu trong đời sống xã hội của cộng đồng tộc người hay cá nhân nào đó có nhưng cống hiến đặc biệt đối với cộng đồng. Cách đặt tên làng, thôn ở người Cơ Tu cũng giống như nhiều tộc người thiểu số khác ở vùng núi Trường Sơn - Tây Nguyên.
Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Ở Quảng Nam, người Ca Dong ở xã Trà Mai huyện Nam Trà My lấy tên làng Tắk-Pỏ là làng “Nước Trầu” vì ở đấy người dân trồng nhiều cây trầu. Ở huyện Đông Giang có thôn Dốc Kiền và là địa danh phân chia tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng bởi ở đấy trước đây là vùng núi có rất nhiều cây gỗ quý kiền kiền; xã Tà Lu có tên gọi vì ở đấy có con suối Tà Lu, có thôn Prao vì ở đấy xưa kia có nhiều rừng cây chò (loong prao - cây chò). Ở huyện Nam Giang có thôn Công Tơ Rơn vì dân làng ở đây tự hào lấy tên ngọn núi cao nhất ở vùng mình để đặt tên cho làng. Ở huyện Tây Giang có xã Tr’hy, theo người già kể lại rằng tên gọi đó bắt nguồn từ việc một số quân lính của nhà Tây Sơn - Nguyễn Huệ ở vùng Đại Lãnh (phía tây huyện Đại Lộc bây giờ) bị Nguyễn Ánh - Gia Long khi lên làm vua, khởi đầu của triều Nguyễn đã truy lùng để sát hại, phải chạy trốn lên vùng miền núi, vùng người Cơ Tu. Và họ đã lên đến vùng đất giáp với Lào, ở đấy họ được người dân đùm bọc, che chở, nuôi nấng và họ trở thành con dân Cơ Tu. Cũng từ ấy họ nói và ca ngợi với người dân tại đây rằng “Tây Sơn hy hữu - nghĩa là triều đại Tây Sơn hiếm có” . Dân làng nói gọn hơn là Tây Hy, sau dần cứ gọi Tây Hy và biến âm thành Tr’Hy như tên gọi bây giờ.
Lại có tên thôn, làng được đặt theo tên của một người có sự việc tiêu biểu của cộng đồng. Ở người Xơ Đăng, Ca Dong dưới thôn, làng có đơn vị dân cư nhỏ hơn là nóc, họ đặt tên và gọi nóc theo người đứng đầu, người đầu tiên lập ra vùng dân cư ấy. Ở người Cơ Tu cũng như vậy nhưng lấy tên của một người có sự tích, việc làm cống hiến cho dân làng như thôn Căh Đôl xã Chà Vàl huyện Nam Giang; thôn lấy tên một người mẹ có nhiều công lao với dân làng. Ở xã Ba huyện Đông Giang có một vùng đất mà xưa kia gọi là Rung Căh Ra-văn nay là vùng đất của Nông trường chè Quyết Thắng; cái tên ấy chỉ một vùng đất núi đồi có người mẹ Cơ Tu tên Ra-văn, với ngôi nhà sàn nhỏ bé nhưng lúc nào cũng sẵn sàng lo chuyện cơm ăn, nước uống, chỗ ngủ cho những người lỡ bước đi đường từ xuôi lên núi. Tấm lòng của mẹ, việc làm của mẹ đã tạo nên một dấu ấn để mọi người lấy tên mẹ đặt cho vùng đất.
Làng, thôn là tên gọi gần gũi, thân thương và là niềm tự hào của người dân Cơ Tu, đi ra ngoài có ai hỏi, thông thường là “mày là người làng nào? ” và câu trả lời là “tao là người làng đó!” với tên gọi cụ thể như tên làng, thôn ấy là tên của mình. Thời xa xưa ấy, người Cơ Tu chỉ biết nhà của mình và làng của mình, họ không biết huyện và xã, tỉnh là gì; tên gọi như thế nào. Trong cuộc “thiên di du canh du cư” đến vùng đất mới họ mang theo tên làng, thôn ở đất cũ để đặt và gọi cho vùng đất mới. Người dân xã Bha Lêê ở huyện Tây Giang, khi nhà nước ta và Lào hoạch định lại biên giới sau ngày thống nhất đất nước, khi chuyển cư từ phía đất của nước bạn Lào về vùng đất mới định cư ở huyện Tây Giang bây giờ vẫn giữ tên gọi của vùng quê cũ là Bha Lêê. Họ mang theo tên gọi làng, thôn cũ là cội nguồn của mình về vùng đất mới.
Bên cạnh việc lấy tên thôn, làng truyền thống của người Cơ Tu ở Quảng Nam từ xưa đến nay, trong giai đoạn chiến tranh trước đây đã có nhiều tên làng, thôn thay đổi tên gọi. Đã có những địa danh làng, thôn do người Pháp đặt ra để thuận lợi trong cách gọi của mình như tên gọi “Trung Man” (vùng đất núi, với độ cao “trung bình” khác với “hạ man, thượng man”, nơi sinh sống của đồng bào ít người ở miền núi - với cách nghĩ và đặt tên miệt thị), sau này gọi là Trung Mang ở phía tây Dốc Kiền thuộc xã Ba huyện Đông Giang ngày nay. Thế nhưng trong người dân Cơ Tu ở đây vẫn gọi đây là vùng đất Sông Vàng vì ở đây có dòng sông Vàng đổ ra sông Vu Gia. Cũng những năm chiến tranh, do nhiều nguyên nhân khác nhau nhất là để kẻ thù không phân biệt các địa danh làng, thôn và vùng đất rộng hơn, các địa phương vùng miền núi được gọi với các tên gọi con số. Từ đó có các tên gọi xã, thôn theo chữ số; và đã có xã Ba, xã Tư… ở huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang). Và không chỉ vùng người Cơ Tu ở nhiều huyện khác vẫn còn nhiều tên thôn, làng gọi theo con số một cách vô hồn: thôn 1, thôn 2, thôn 3… Đã có chuyện dở khóc, dở cười vì tên gọi con số này khi người khách đi xã này đến xã khác chỉ hỏi và biết câu trả lời rằng đó là thôn 1, 2 hay thôn 3… Gần đây, chuyện tên làng, thôn theo con số đã được một số địa phương sửa đổi và trả lại cái tên truyền thống của người dân, của cộng đồng.
Tên làng, thôn ở người Cơ Tu nói riêng và các tộc người thiểu số khác ở vùng núi Trường Sơn - Tây Nguyên liên quan đến thiết chế kinh tế, văn hóa của cộng đồng dân cư và nó là tâm tư, tình cảm, là tên gọi của niềm tự hào văn hóa của người dân. Hãy hỏi dân và trả lại cái tên vốn có mà cha ông bao đời đã truyền cho con cháu. Tên con người có thể đặt đi, đặt lại nhiều lần nhưng tên quê hương, làng thôn chỉ một mà thôi.
NGUYỄN TRI HÙNG