Định danh từ "sử làng"

LÊ QUÂN 31/01/2015 10:23

Nhà “Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân, từng chia sẻ: “Viết một cuốn sử làng phải mất cả đời người”. “Phải vậy nên mất rất nhiều công sức và thời gian, cuốn “Địa chí Tam Kỳ” mới phác nên hình hài từ những người trân quý sử địa phương.
Cuối tuần qua, UBND TP.Tam Kỳ tổ chức Hội thảo góp ý đề cương sách “Địa chí Tam Kỳ” với sự tham gia của khá nhiều nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa. Một công trình với nhiều mong đợi từ những người yêu quý vùng đất ngã ba sông này…

Trên vùng đất phủ lỵ hơn 100 năm, những dấu tích cũ không còn nhiều. Những tên đất, tên làng xưa chỉ còn trong câu chuyện kể, đôi ba câu đối khắc thành liễn treo trong các gian nhà thờ. Ngay cả địa danh phủ đường Tam Kỳ giờ cũng chỉ còn một văn bia ghi chép lại hành trình lập đất, lập làng. Những nhà nghiên cứu chuyên sâu về Tam Kỳ cho rằng: đây là vùng đất mới được khai lập từ đầu thế kỷ XV, dưới thời nhà Hồ. Nhưng nơi đây được xem là điểm nhấn lịch sử trong tiến trình mở đất của cha ông Đại Việt, trước khi mở rộng cương thổ về phương Nam. Nếu nhìn ở góc độ lịch sử thì cả vùng đất này đã có hơn 5 thế kỷ tồn tại; nhưng về địa lý hành chính thì Tam Kỳ mới được “chính danh” hơn 400 năm. Theo ông Ngô Phú Thiện, cái tên “Tam Kỳ” cũng được định vị theo hình sông thế núi của lưu dân ban đầu, nơi có ba gò đất cao cùng ngã ba sông. Từ ngoài biển nhìn vào sẽ thấy 3 gò đất cao nhô lên thành hình tam giác: núi An Hà, Quảng Phú và Trà Cai. Khi định vị từ 3 ngọn núi, thuyền sẽ vào cửa sông và gặp bến đò, nơi có ba ngả rẽ: sông Tam Kỳ, sông Trường Giang và sông Bàn Thạch. Lấy mốc từ khi đổi tên từ phủ Thăng Hoa thành phủ Tam Kỳ (1906), tính đến nay vùng đất này đã hơn 100 năm có lẻ.

TP. Tam Kỳ. Ảnh: NGUYỄN HÀ
TP. Tam Kỳ. Ảnh: NGUYỄN HÀ

Xác định giới thuyết “địa chí Tam Kỳ” từ những ngày thành lập, nhóm biên soạn cuốn sách do nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn (Tần Hoài Dạ Vũ) làm chủ biên, đi đến quyết định sẽ giới thiệu lại sơ lược sự hình thành vùng đất từ thế kỷ XV, đến khi đổi tên thành phủ Tam Kỳ. Giai đoạn sau sẽ được viết thành chi tiết từ những ghi nhặt trong quá trình nghiên cứu điền dã cũng như sử sách. Theo đề cương chi tiết được trình bày tại hội thảo, sách “Địa chí Tam Kỳ” sẽ có cấu trúc gồm 5 phần: địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa xã hội, di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng. Ngoài ra, theo nhóm biên soạn, ngoài 5 phần chính như cấu trúc truyền thống sẽ có thêm phần viết “Tam Kỳ nhìn về tương lai”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn chia sẻ: “Bằng tất cả tâm huyết và duyên nợ với vùng đất Tam Kỳ, nơi tôi đã từng dạy học, từng mang ba lô đi điền dã nhiều năm về văn học dân gian, tôi rất vui và tự hào khi được Thành ủy Tam Kỳ giao trọng trách chủ biên công trình Địa chí Tam Kỳ. Tôi tin rằng với quyết tâm của Thành ủy và UBND TP.Tam Kỳ, với sự đóng góp tâm huyết và công sức của các ban ngành đoàn thể, nhất là sự đóng góp trí tuệ của các trí thức địa phương, cùng kiến văn, trí tuệ và nhiệt tâm của ban biên soạn, chắc chắn TP.Tam Kỳ sẽ hoàn thành một cuốn địa chí có giá trị nhân văn và khoa học, phản ánh được một phần bề dày lịch sử đáng tự hào của người và đất Hà Đông xưa, TP.Tam Kỳ hiện nay”.

Tuy nhiên, “Địa chí Tam Kỳ” đã từng một lần “đứt gãy” bởi những quan điểm không trùng khớp. Năm 2002, cũng nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn làm chủ biên công trình. Đến năm 2012, khi mọi thứ đã lên bàn thẩm định thì nhiều ý kiến vào ra, nên công trình phải dở dang. Tháng 8.2014, ông Nguyễn Văn Bổn một lần nữa nhận được lời mời từ UBND TP.Tam Kỳ để biên soạn lại cuốn sách “Địa chí Tam Kỳ”. Từ sự “đứt gãy” của 2 năm về trước, lần này, mọi sự chuẩn bị được tính toán kỹ càng, chu đáo hơn. Trong cuộc Hội thảo góp ý đề cương công trình, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu quê Quảng Nam được mời đến và một Hội đồng phản biện được thành lập ngay trong hội thảo. PGS-TS. Ngô Văn Minh - Trưởng khoa Tôn giáo (Học viện Chính trị khu vực III) cho rằng địa chí là công trình nền tảng của một địa phương, mọi sự phát triển của vùng đất muốn bền vững đều dựa trên nguồn cơn truyền thống mới nên. “Ý nghĩa của một cuốn địa chí rất lớn, nên tôi nghĩ ngoài nhóm biên soạn là những nhà nghiên cứu đã có tên tuổi, rất cần huy động thêm trí thức bản địa. Với nguồn tri thức bản địa, họ sẽ là nhân tố đóng góp rất nhiều cho công trình”, TS. Ngô Văn Minh nói. Trong khi đó, PGS-TS. Nguyễn Văn Hòa  - Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, góp thêm ý kiến cho nhóm biên soạn, là cần phải thêm phần “hải văn” – tức văn hóa biển của vùng đất này vào trong địa chí. “Bên cạnh đó, phong cách viết không giống như một công trình khoa học đơn thuần, nó cần sự biến đổi, dung hợp giữa truyền thống và hiện đại, tạo điểm nhấn ở những sự kiện quan trọng và đọc lên nghe cũng mềm hơn” - ông Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

Lần này, việc “định danh vùng đất” sẽ diễn ra trong vòng 2 năm, để đến dịp kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố, “Địa chí Tam Kỳ” sẽ ra mắt. “Địa chí Tam Kỳ là tài liệu gốc về chân dung một vùng đất, là nguồn tài nguyên tinh thần vô cùng quý báu để có thể khai thác định hướng phát triển TP.Tam Kỳ trong tương lai. Chính vì vậy nó phải được viết nên từ những nghiên cứu công phu, mang tính học thuật cao, từ những trải nghiệm sâu sắc và đặc biệt từ trái tim thiết tha với chính vùng đất này” - ông Nguyễn Văn Lúa, Bí thư Thành ủy Tam cho biết.

Một cuốn “sử làng” luôn là nỗi hoài mong của những người yêu quý vùng đất ba sông.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN