Người Hà Lan với đất Thanh Hà
Hai nghệ sĩ Hà Lan, Douwe Buwalda và Bert van der Sluijs, vừa khơi dậy những tiếng nói của đất với thông điệp: “Cuộc sống như một tác phẩm nghệ thuật” tại công viên Đất nung Thanh Hà (Hội An).
Bert và Douwe – cách người dân Thanh Hà gọi hai nghệ sĩ đã luống tuổi, qua email, thông báo với chúng tôi về hai “hạt giống” các ông mang về Hà Lan. “Những hạt giống đã bắt đầu nảy mầm”, Bert viết, như thể đang reo lên với số đông. “Hạt giống” ấy, như Bert chia sẻ, là sự trỗi dậy của đất, đứng lên bằng mọi cách, với sức mạnh to lớn bên trong. Chỉ là một sự tượng trưng, nhưng cái cách bộ đôi nghệ thuật này mô tả, khiến những ai được chạm tay vào “hạt giống” từ đất của hai ông, đều xúc động. Cả thảy có 3 “hạt giống” được tạo tác từ vạt đất sét cuối ven sông Thu Bồn, hai nghệ sĩ gửi lại công viên Đất nung Thanh Hà một hạt, 2 hạt còn lại, các ông đem về nước và mang chôn trong vườn nhà. Như thể đó là sự gửi gắm về một “không gian sống” của gốm, với khát vọng về những ngày dài sau này, Thanh Hà – không chỉ là nơi “triệu về hồn làng tinh tươm”, mà còn là nơi cất lên tiếng nói hòa điệu của Đất và Lửa – tiếng nói vĩnh cửu.
Bert và Douwe. |
“Tại Thanh Hà, chúng tôi đã bắt gặp nguồn tài nguyên đất sét và vẻ đẹp của các nghề thủ công, theo nhiều cách khác nhau. Chúng tôi bắt đầu hiểu nguồn gốc của cộng đồng làm gốm này. Họ vẫn đang kết nối với đất và sự giàu có của trái đất đã đến với họ: đất sét. Nhiều thế hệ đã làm nghề. Nó đi vào trong máu của họ” - Bert và Douwe bày tỏ cảm nhận sau khi cùng ăn ở và làm nghề với người dân Thanh Hà trong vòng 3 tuần lễ.
Cùng người dân làng gốm. Ảnh: Minh Hải |
Quãng thời gian ấy, chứng kiến sự lao động của nghệ nhân làng gốm Thanh Hà, Bert và Douwe đi đến quyết định sẽ tạo nên một triển lãm của nghệ thuật sắp đặt, đồng thời tổ chức một hội thảo chuyên đề. Hội thảo – triển lãm “Cuộc sống như một tác phẩm nghệ thuật”, kéo người tham gia đi vào câu chuyện khám phá, từ những điều đơn giản nhưng có ý nghĩa sâu xa trong cuộc sống hằng ngày. Đầu tiên là câu chuyện của Đất. Sau nữa, là sự kết nối giữa nghệ nhân, nghệ thuật và cộng đồng. “Chúng tôi nhận thấy rằng khách tham quan của làng không thể có được sự kết nối với cộng đồng. Do đó, họ chỉ là hình ảnh được ghi lại và khách du lịch cũng không hiểu hết được văn hóa nơi đây. Và các nghệ nhân trở nên sáo rỗng – và chỉ quan tâm lợi ích. Hoặc họ chỉ thích ứng với nhu cầu một cách hời hợt” - Douwe và Bert chia sẻ.
Bert và Douwe là hai nghệ sĩ đã được đào tạo chuyên ngành gốm và được cấp bằng tại trường Đại học Nghệ thuật ở Hà Lan. Chuyên môn của họ là tự thiết kế, thực hiện đốt lò với các kỹ thuật Raku của Nhật Bản. Triển lãm nghệ thuật sắp đặt với gốm chủ đề “Cuộc sống như một tác phẩm nghệ thuật” khai mạc từ 21.12 và sẽ kết thúc vào 1.1.2015. |
Hàng thủ công và nghệ thuật cần có một sự kết nối, đó chính là con đường của sự phát triển lâu dài với làng gốm Thanh Hà. Hướng phát triển của làng gốm Thanh Hà mà hai nghệ sĩ Hà Lan mong muốn chạm tới, ấy là từ đất, các nghệ nhân sẽ không chỉ tạo tác nên những sản phẩm quen tay như hũ, nồi, chum, vại, mà trên sân phơi của làng nghề, sẽ có thêm những tác phẩm đất nung nghệ thuật độc đáo những vẫn giữ được vẻ đẹp thuần phác.
Khi thử tạo sản phẩm gốm với các phương pháp thủ công truyền thống của người dân làng gốm Thanh Hà, Douwe nói rằng ông thực sự nể phục kỹ thuật điêu luyện của các nghệ nhân ở làng gốm, nhất là những nghệ nhân cao tuổi. “Có rất nhiều sự tôn trọng trong cách mà họ ứng xử với những gì họ nhận được từ thiên nhiên và cách họ tạo nên sản phẩm. Bàn chuốt chuyển động chậm, và tư thế lao động cũng có nhiều khó khăn, tôi không thể nào làm được nhanh nhẹn một cách điêu luyện như họ” - Douwe nói. |
Nghệ thuật sắp đặt, lâu nay vẫn mang đến nhiều cảm xúc khác nhau. Bert và Douwe không muốn áp đặt cảm quan của mình vào những tác phẩm nghệ thuật và buộc người xem phải nghe theo những dụng ý ấy. Mở ra những chiều kích suy tư, bằng chất liệu gốm, họ tìm kiếm sự đồng cảm của người xem. Bảy tác phẩm của hai nghệ sĩ trưng bày tại công viên Đất nung Thanh Hà là 7 cung bậc cảm xúc không giới hạn. Sự thăng hoa của ngôn ngữ đất nung sẽ vẫn là nghệ thuật tinh tế, dù được biểu lộ ở bất cứ hình thái nào.
“Chúng tôi đã làm việc nhiều năm với gốm, nhưng chúng tôi dần chuyển sang nghệ thuật sắp đặt, và trở thành bộ đôi nghệ sĩ sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau. Chúng ta thường nghĩ, bạn và tôi có hai hướng đi khác nhau. Nhưng không… Sẽ có một sự liên kết bởi thế giới quan tươi đẹp và những giá trị nhân văn. Vì cuộc sống như một tác phẩm nghệ thuật…” - Bert và Douwe thổ lộ. Nhận mình là những người hỗ trợ chuyên nghiệp, Bert và Douwe lặp lại nhiều lần về sự gắn kết giữa con người với môi trường thông qua nghệ thuật. Ngoài 7 tác phẩm sắp đặt của hai nghệ sĩ này, tại công viên Đất nung Thanh Hà, còn hơn 50 tác phẩm gốm nghệ thuật được các nghệ sĩ từ khắp nơi về sáng tác trong hơn 1 tháng. Giai điệu gốm Thanh Hà trong một không gian còn tươi màu gạch mới của công viên Đất nung, hẳn mang đến nhiều bất ngờ cho người thưởng lãm.
SONG ANH