Tình quê nặng tựa non cao
Nhận được cuốn sách “Thăng Bình, xưa và nay” do thầy Trần Thân Mộc gửi tặng, tôi đã dành một ngày đọc một mạch cả 150 trang và xem 15 tấm ảnh trong cuốn sách. Cảm nhận đầu tiên là sách tuy không dày nhưng rất nặng, nặng tình quê.
Vừa là ký sự, vừa là tiểu luận lịch sử, cả 6 chương nói về truyền thống đấu tranh cách mạng, lao động cần cù, hiếu học, đoàn kết tương trợ của người dân Thăng Bình. Cùng với đó là những suy nghĩ về triển vọng thăng hoa của huyện đã giúp tôi hiểu rõ thêm về vùng đất này.
Đọc sách thầy, tôi được bồi đắp thêm kiến thức về địa phương có bề dày lịch sử 610 năm từ khi là lộ Thăng Hoa thời nhà Hồ cho đến nay. Thăng Bình của mảnh đất Quảng Nam trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ dần hiện lên qua thời kỳ là địa đầu của vùng tự do Liên khu 5 trong kháng chiến chống Pháp, qua thời kỳ chống Mỹ gian nan với vụ đấu tranh Chợ Được nổi tiếng, qua thời kỳ xây dựng hòa bình sau 1975 với “Đường dài đổi mới, tiếp tục thăng hoa”. Tôi cảm phục thầy đã đi nhiều nơi trong huyện, nắm bắt nhiều sự kiện quan trọng của huyện, xuất phát từ một “tình yêu quê hương tha thiết” như ý kiến của cụ Hoàng Minh Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng viết trong lời giới thiệu cuốn sách.
Tôi còn cảm thấy thú vị, khi đọc 6 phần trong phụ lục; từ tài liệu về Phật viện Đồng Dương, danh sách các vị khoa bảng, tích rước cộ Bà Chợ Được đến 25 nhân vật tiêu biểu từ thế kỷ19 đến nay và một vài số liệu, tư liệu địa lý cùng với bài giới thiệu hoạt động của đồng hương Thăng Bình tại Hà Nội… Đó là những tài liệu rất bổ ích cho nhiều người, nhất là những người xa quê và những người thuộc thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên.
Gấp cuốn sách lại, tôi nhìn mãi bức ảnh ở bìa 1: cây cốc Hà Lam, cây cổ thụ, chứng nhân lịch sử, tượng trưng cho bề dày của Thăng Hoa – Thăng Bình. Tôi đã đi qua đấy nhiều lần, ngày đi học ở trường cấp 2, hồi 1950. Nhìn tấm hình ấy, ký ức tuổi thơ cứ tràn về. Mọi thứ tưởng mới hôm qua, chớp mắt mà đã mấy chục năm. Chỉ một thứ còn lại mãi, là tình quê.
PHAN LĨNH