Tìm lại chữ viết Cơ Tu
Sau năm 1975, chữ viết Cơ Tu dần dần biết mất. Và những người con của vùng núi phía tây Quảng Nam đã và đang ra sức tìm lại chữ viết cho đồng bào mình.
Sự hình thành
Trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, đồng bào Cơ Tu tại các huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang (Quảng Nam), Alưới, Nam Đông (Thừa Thiên Huế) chưa có ai biết chữ, việc tuyên truyền chủ trương của Đảng để chống thực dân Pháp trong nhân dân hết sức khó khăn. Muốn chuyển ngữ nội dung vận động đồng bào, cán bộ tăng cường từ miền xuôi phải ăn ở cùng nhân dân tại các thôn bản trong nhiều năm liền, sự truyền đạt chủ trương cách mạng phải dùng bằng câu hát lý, nói lý bằng tiếng Cơ Tu để nhân dân hiểu. Cuối năm 1951 và đầu 1952, một vài người ở thôn Tr’ghiing (thôn Tu Núc, xã Cà Dăng, Đông Giang ngày nay) sống gần đồng bằng mới bắt đầu học chữ phổ thông.
Tây Giang luôn quan tâm đến công tác giữ gìn và phát huy các giá trị của dân tộc Cơ Tu. Ảnh: TUẤN ANH |
Biết được sự khó khăn, vất vả trong việc truyền đạt chủ trương cách mạng, năm 1954, Huyện ủy Hiên lúc bấy giờ đặt vấn đề xây dựng bộ vần chữ viết Cơ Tu. Năm 1956, Ban Cán sự miền Tây giao cho đồng chí Lê Hồng Mao (người Cơ Tu gọi bằng tên Conh Ta Lăng để bí mật hoạt động trong nhân dân), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Quách Xân (Conh Axơớp) để nghiên cứu hệ thống chữ viết Cơ Tu. Mới đầu, chữ Cơ Tu được hai ông giảng dạy cho người Cơ Tu tại trường Zhương (Nam Giang), Za Hung (Đông Giang), thôn T’ghêy, xã A Vương (Tây Giang). Đến năm 1965, đưa vào giảng dạy tại trường Apăng (xã Sông Kôn, Đông Giang), hệ thống chữ viết Cơ Tu cơ bản đạt yêu cầu và đưa vào sử dụng rộng rãi. Do tình hình chiến tranh của đế quốc Mỹ ngày một lan rộng, càn quét lên các vùng núi cao, nơi có cán bộ ta đang hoạt động; cán bộ nơi đây nhận thấy rằng phải có hình thức tuyên truyền thiết thực và hiệu quả nhất để đồng bào kịp thời nắm được chủ trương cách mạng. Từ đó, tờ báo “Gung Dưr” (Vùng lên) bằng chữ viết Cơ Tu ra đời, giúp cho người Cơ Tu biết được chữ viết của mình, góp phần đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống Mỹ cứu nước ở các huyện miền núi của Quảng Nam.
Hệ thống chữ viết Cơ Tu ra đời đánh dấu bước ngoặt mới trong việc phát triển ngôn ngữ, chữ viết Cơ Tu. Người Cơ Tu gọi là chữ cách mạng, vì nhờ có cách mạng mà dân tộc Cơ Tu mới có chữ viết. Tiếc rằng sau năm 1975, chữ viết Cơ Tu đã dần biết mất...
Tìm lại chữ viết Cơ Tu
Trước nguy cơ mất dần chữ viết Cơ Tu, ông Bhriu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang luôn trăn trở để khôi phục chữ viết của dân tộc mình. Sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, sưu tầm... ông đã cho ra đời Từ điển Tiếng thông dụng C’tu - Kinh và văn hóa làng C’tu, giúp nhiều cán bộ người Kinh công tác tại các vùng đồng bào Cơ Tu biết được ngôn ngữ bản địa, kịp thời hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, người Cơ Tu biết được chữ viết để tiếp tục giữ gìn và phát huy.
Từ những góp ý cụ thể của những người có kinh nghiệm, ông Bhriu Liếc nhận thấy cuốn Từ điển Tiếng thông dụng C’tu - Kinh và văn hóa làng C’tu vẫn còn thiếu sót một số từ cần phải bổ sung, sửa đổi. Theo ông Bhriu Liếc, riêng tộc danh của người Cơ Tu hiện nay được viết bằng nhiều cách khác nhau như Cơtu, Cơ Tu, Ca Tu, Cờ - Tu... Cách viết như vậy sẽ gây khó khăn cho việc quản lý công dân của các ngành chức năng, nhất là giấy tờ tùy thân. “Trước đây, ông Quách Xân chuyển ngữ từ Cơtu là Ctu, để thống nhất tộc danh này chúng tôi chủ trương viết là C’tu, đồng nhất với cách viết của các dân tộc M’nông, H’mông, H’rê... Nhưng do các giấy tờ tùy thân và tộc danh này đã được pháp luật công nhận nên khó sửa, phải viết theo thói quen cũ là Cơtu” - ông Bhriu Liếc nói.
Mới đây, tại hội thảo thống nhất chữ viết Cơ Tu, bổ sung vào Từ điển Tiếng thông dụng C’tu - Kinh và văn hóa làng C’tu, nhiều ý kiến thống nhất với ông Bhriu Liếc về việc sử dụng các nguyên âm (a, o, u, ư), tổ hợp chữ cái nguyên âm đôi (ua, ươ, oa), phụ âm (b, c, d, t...), tổ phụ âm (th, ch, tr,..). Chữ Cơ Tu khác chữ phổ thông ở hai phụ âm (z, j), ba phụ âm cuối (h, l, r) đứng sau nguyên âm (ah, ol, ur), bốn tổ hợp chữ cái ghi nguyên âm đôi (oo, oơ, ơơ, êê), năm nguyên âm dài (aa, ii, uu, ưư, ôô) và 20 tổ hợp âm phụ (bh, bhl, đh, zr, dz,...). Theo nhiều ý kiến tại hội thảo, chữ viết Cơ Tu phải dùng các thanh điệu ngang, sắc, nặng và trọng âm (”) để dễ đọc từ, phát âm chuẩn như amế (mẹ), achị (rựa), k’đị (coi thường)... Để dễ viết và đọc từ đa tiết, nhiều ý kiến cho rằng cần đánh dấu ranh giới âm tiết phụ với âm tiết chính bằng dấu phẩy viết trên con chữ cuối cùng của âm phụ như ma’’nứih (người), ga’mặc (lớn), ân’loong (cây), a’óc (heo) ngoài ra còn nhiều từ đa âm tiết, ghép lại rất khó đọc như pơrhay (tuyệt vời), đhơrơluônh (xuống dốc), caay (đau)... Khắc phục nhược điểm đó, nhiều người cũng thống nhất bỏ nguyên âm ơ, ở giữa các âm tiết phụ thay bằng dấu (’) trên chữ ấy như đhơrơluônh được viết thành đh’r’luônh, caay viết thành k’ay...
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đến ngày hôm nay, chữ viết Cơ Tu chủ yếu được lấy ngữ âm chuẩn tại các xã A Vương, A Tiêng, Dang, Lăng (Tây Giang), Arooi, Prao, Tà Lu, Za Hung (Đông Giang), Zuốih, Chà Vàl (Nam Giang). Tại các địa phương này, hiện người Cơ Tu vẫn chiếm đa số với nhiều phong tục tập quán đa dạng và phong phú cần được bảo tồn và giữ gìn gắn với việc hoàn chỉnh chữ viết Cơ Tu...
BHRIU QUÂN