Phương ngữ & giá trị văn hóa xứ Quảng
Trong lịch sử, tiếng Quảng Nam từng có lúc được coi là ngôn ngữ “chuẩn”, ngôn ngữ “quốc gia”. vua Tự Đức cũng đã khẳng định: “Bình văn, xướng văn tất phải dùng tiếng Quảng Nam, được xem là trung thanh”. Vậy, có gì lấp lánh đằng sau thứ phương ngữ chứa đựng thổ âm, thổ ngữ mới thoạt nghe khiến người khác khó nghe, khó hiểu?
Bản chất người Quảng vốn “ăn cục, nói hòn”, song chính cái “ăn cục, nói hòn” ấy, với thổ âm, thổ ngữ ấy lại là niềm tự hào của người xứ Quảng. Chính cái đặc trưng ấy đã khiến người xứ Quảng dù sống từ nam chí bắc, dù ở tận trời âu, mỹ… nhưng hễ là người con đã từng được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất “chưa mưa đà thấm” dễ nhận ra nhau qua giọng nói. Và người Quảng Nam tự hào gọi đấy là hồn quê. Nhà thơ Lê Minh Quốc trong cuốn “Người Quảng Nam” (NXB Trẻ ấn hành năm 2012) từng nói: “Chỉ cần nghe giọng nói, là người ta nhận ra bóng dáng của quê nhà”. Hay như dịch giả - nhà văn Vũ Đức Sao Biển từng bộc bạch: “Mất phương ngữ là có nguy cơ đưa đến mất gốc. Phương ngữ Quảng Nam làm nên hồn tính Quảng Nam” là vậy.
Sự tiếp biến ngôn ngữ Chăm - Việt tạo nên đặc trưng phương ngữ Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
“Nghiên cứu phương ngữ Quảng Nam phải là người con của Quảng Nam, là người được sinh ra, uống dòng nước đó, hít thở không khí đó, được sống trong thứ tiếng mẹ đẻ đó thì mới có thể hiểu hết được cái hồn của thứ ngôn ngữ đó”. (Vũ Đức Sao Biển) |
PGS-TS. Phạm Văn Hảo (Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam), chủ nhiệm công trình biên soạn Từ điển phương ngữ Quảng Nam chia sẻ, do đặc thù là công trình biên soạn từ điển phương ngữ, nghĩa là quyển từ điển ngôn ngữ đối chiếu từ ngữ địa phương sở tại với tiếng Việt chung, nó không có nhiệm vụ nêu các tri thức bách khoa, cũng không có nhiệm vụ tìm hiểu và phản ánh các từ ngữ dùng chung trong tiếng Việt toàn dân ở đây. Ông cũng khu biệt đối tượng mà từ điển phản ánh phải là tiếng Quảng Nam, được hiểu là tiếng nói của nhân dân xứ Quảng (tức cả tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, trong đó trọng tâm là tỉnh Quảng Nam). “Phương ngữ Quảng Nam có thể được giới hạn là phương ngữ Nam, khu vực Nam Trung bộ từ Đà Nẵng đến hết Bình Thuận. Trong tuyệt đại đa số các ý kiến bàn về phân chia phương ngữ trong tiếng Việt thì phương ngữ Quảng Nam có đặc trưng, kể cả ngôn ngữ vùng TP.Đà Nẵng, và có thể là một vùng của Quảng Ngãi” - PGS-TS. Phạm Văn Hảo nói.
Tại Hội thảo về biên soạn từ điển phương ngữ Quảng Nam (do Sở KH-CN tổ chức mới đây), ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh khẳng định, từ điển phương ngữ Quảng Nam là công trình thể hiện vai trò, đặc trưng, nguồn gốc của tiếng Quảng Nam trong hành trình lịch sử; góp phần bảo tồn, bảo lưu các giá trị văn hóa phi vật thể của người Quảng, mà đặc trưng quan trọng là tiếng nói. Hy vọng từ điển ra đời sẽ là nguồn tư liệu phong phú, bổ ích cho sáng tác văn chương, thơ ca, tạo bản sắc, diện mạo của nền văn học - nghệ thuật Quảng Nam.
Những góc nhìn
PGS-TS. Phạm Văn Hảo nêu quan điểm, việc nghiên cứu phương ngữ Quảng Nam được nhóm biên soạn tiến hành nghiên cứu dựa trên đặc điểm ngữ âm và từ vựng. Về mặt ngữ âm, tiếng Quảng Nam có 5 thanh như các phương ngữ khác, có 23 phụ âm đầu, 104 vần. Còn về mặt từ vựng, có sự đa dạng khác biệt ở phương ngữ Quảng Nam với nhiều lớp từ như: lớp từ có sự đồng nhất với tiếng Việt chung như ăn uống, trời đất..; lớp từ có ở nhiều phương ngữ như thơm (dứa), mì (sắn)..; lớp từ của phương ngữ Bắc Trung Bộ nhưng còn sử dụng ở tiếng Quảng Nam - Đà Nẵng như mô (đâu), tê (kia), răng (sao)..; và lớp từ đặc Quảng Nam như rị (kéo), truất (tệ quá), thộn (túi áo, quần). “Đặc biệt, cũng cần nhấn mạnh đến lớp từ có gốc Chăm, tức những gốc từ ăn sâu bén rễ vào vốn từ ngữ địa phương mà không dễ gì nhận diện gốc gác (như cù lao (tiếng Chăm là pulao), cà rá (karah v.v.). Chúng tôi còn nghiên cứu cả lớp từ cũ, nghĩa là từ còn dùng trong tiếng Quảng Nam, nhưng đối chiếu với các từ ngữ được ghi chép trong “Từ điển Việt - Bồ - La” của A.de Rhodes thì vẫn thấy tương đồng” - PGS-TS. Phạm Văn Hảo chia sẻ.
Nguồn nước có phải là một yếu tố góp phần tạo nên “chất giọng” Quảng Nam? |
Ở một khía cạnh khác, ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Chăm Đà Nẵng đưa ra góc nhìn thú vị về sự tương đồng Chăm - Việt trong phương ngữ Quảng Nam. Ông nhận định, với lịch sử các sự kiện và tình hình cư dân tại vùng Quảng Nam trong hơn 5 thế kỷ qua, có thể nhận thấy, sự tiếp biến về mặt ngôn ngữ Chăm - Việt chắc chắn đã xảy ra. Cũng theo ông Võ Văn Thắng, bên cạnh việc tiếp xúc ngôn ngữ Việt - Chăm còn có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến tiếng Việt tại Quảng Nam như: sự tiếp xúc với dân tộc miền núi, tiếng nói các tỉnh Trung Hoa và cả châu Âu, Nhật Bản. Những yếu tố tác động này tạo nên phương ngữ Quảng Nam với tất cả đặc trưng về ngữ âm, những khác biệt về từ vựng và có thể cả về phong cách ngôn ngữ.
Chỉ dấu ngôn ngữ nghệ thuật “Trên báo Quảng Nam, phương ngữ được đề cập như một đề tài về văn hóa và được sử dụng như một phương tiện chỉ dấu ngôn ngữ nghệ thuật trong các tác phẩm văn học. Dù đã có quy ước trong sử dụng một số từ địa phương trên mặt báo nhằm tạo bản sắc riêng của một tờ báo xứ Quảng, song vẫn còn hạn chế nhất định. Hy vọng, khi từ điển phương ngữ Quảng Nam ra đời, các cơ quan báo đài của tỉnh sẽ có cơ sở xây dựng quy chuẩn và cách dùng các từ thông dụng của địa phương một cách đầy đủ, hệ thống”. (Phó Tổng biên tập Nguyễn Hữu Đổng) |
Dịch giả - nhạc sĩ - nhà văn Vũ Đức Sao Biển, người con xứ Quảng từng có nhiều bài viết và công trình đề cập phương ngữ Quảng Nam. Hai cuốn “Hai tuồng hát bội” (NXB Trẻ ấn hành, năm 2010), “Quảng Nam hay cãi” (NXB Trẻ, năm 2011) được xem là sách rặt “Quảng Nam”. Trong đó, cuốn “Quảng Nam hay cãi” là công trình đề cập nhiều phương ngữ, âm vị học Quảng Nam. Ông chia sẻ, đất Quảng Nam nằm ở vị trí giao thoa của đất nước, là điểm bắt đầu cho văn hóa Trung Trung bộ và Nam Trung ộ. Tiếng Quảng là thứ tiếng nói rất hay, có sức chi phối đến cả vùng Tây nguyên và Nam Trung Bộ. Ngôn ngữ Quảng đặc trưng ở âm vị, giọng nói, vậy nên cần phải nghiên cứu khẩu âm, âm vị học cho đến thổ nhưỡng, địa lý trong mối tương quan.
Dưới góc nhìn xử lý phương ngữ Quảng Nam trên báo chí, Phó Tổng biên tập Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Hữu Đổng chia sẻ, đặc trưng trước hết của phương ngữ Quảng Nam chính là giọng nói, hiện tượng “méo tiếng” - biến dạng ngữ âm và từ vựng thể hiện rất rõ như nguyên âm “ă” biến thành “e” (ắt/ét); “am” thành “ôm”, “ôm” thành “ơm”, “ao” thành “ô”, “oai”/”oi” biến thành “ua”… diễn ra phổ biến. Do đặc điểm biến dạng ngữ âm rất xa với tiếng Việt phổ thông nên nhà báo khi tác nghiệp trên địa bàn Quảng Nam phải “tập nghe” và ghi chép đúng. Muốn tạo hơi thở cuộc sống vùng miền riêng biệt, nhà báo có thể sử dụng phương ngữ để mô tả lời ăn tiếng nói của người địa phương, tất nhiên là phải chú giải theo từ phổ thông.
BÍCH LIÊN