Giữ "lửa" văn nghệ truyền thống

NGUYỄN QUANG VIỆT 25/10/2014 11:45

Không phải ngẫu nhiên mà Câu lạc bộ Đàn hát dân ca (CLB) Bình Triều (Thăng Bình) đã đoạt giải Nhất toàn đoàn tại Liên hoan đàn hát dân ca Quảng Nam lần thứ I -2014 do Sở VH-TT&DL tổ chức. Giải thưởng đã vinh danh những người giữ gìn vốn liếng văn hóa truyền thống…

Câu lạc bộ Đàn hát dân ca Bình Triều tập diễn trước khi tham dự Liên hoan đàn hát dân ca Quảng Nam lần thứ nhất.  Ảnh: N.Q.V
Câu lạc bộ Đàn hát dân ca Bình Triều tập diễn trước khi tham dự Liên hoan đàn hát dân ca Quảng Nam lần thứ nhất. Ảnh: N.Q.V

Kế thừa vốn quý

Khi nghe chúng tôi về tìm hiểu phong trào đàn hát dân ca của xã Bình Triều, ông Nguyễn Tấn Hòa - người có thâm niên về đàn hát dân ca của xã vui vẻ đón tiếp. Ở vùng đất có bề dày về văn hóa, lễ hội đã hun đúc nên những nghệ nhân “chân đất” gắn bó sâu nặng với vốn liếng văn nghệ truyền thống của quê hương. Từ những năm 1960, hưởng ứng phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, đội dân ca xã Bình Triều đã nhiều lần tham gia các hội diễn trong và ngoài tỉnh. Đội văn nghệ ngày ấy đã đoạt nhiều giải thưởng và gây tiếng vang lớn trong đời sống văn nghệ của tỉnh khi hạt nhân của họ là những Hoàng Bích, Hoàng Tú Mỹ, Nguyễn Minh Đức, Bùi Tấn Hỷ… Không đâu xa, đến bây giờ, trong ký ức của những người cao tuổi xã Bình Triều vẫn còn in đậm về tam tấu “Gương anh Điểu” của Bùi Tấn Hỷ hay “Dấu vết cây lúa” của Hoàng Bích.  

Tại Liên hoan Đàn hát dân ca Quảng Nam lần thứ I - 2014, CLB Đàn hát dân ca  Bình Triều tham gia 4 tiết mục và cả 4 tiết mục đều đoạt giải, xếp vị thứ nhất toàn đoàn. Trong đó, có 3 tiết mục đoạt giải vàng gồm đơn ca, dân ca bài chòi Đi tìm đồng đội (Duy Nguyễn) do Thanh Thu trình bày; độc tấu đàn tranh Hương sen dâng Bác (NSND Phương Mão) do Xa Doãn Hồng Lợi trình bày; hòa tấu nhạc cụ đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, ghita làn điệu Lý ngựa ô Huế, Liên khu 5 và Nam bộ. Một tiết mục đoạt giải Bạc là Bình Triều trên đà xây dựng nông thôn mới (Xa Văn Hùng) do tốp nữ Thu Nguyệt, Thu Thủy, Thanh Thu và Xa Doãn Hồng Lợi biểu diễn.

Đầu thập niên 80, ông Trần Thanh Việt - nguyên Trưởng đoàn Dân ca kịch Quảng Nam, đã truyền “lửa” lại cho thế hệ sau mà ông Nguyễn Tấn Hòa là ví dụ về người tiếp nối sinh động nhất. Từ đây, với khả năng ứng biến bằng âm nhạc thiên phú và kỹ năng dàn dựng ca kịch cũng như trang trí sân khấu rất nghề, ông Hòa đã mạnh dạn đứng ra kêu gọi và tập hợp những năng khiếu âm nhạc để thành lập CLB Đàn hát dân ca Bình Triều, hoạt động cho đến nay. “Những câu hò, điệu lý mượt mà, sâu lắng tự thân nó đã lay động lòng người. Đó chính là cầu nối, tự nhiên gắn kết những thành viên yêu âm nhạc truyền thống của quê hương. Sau những giai đoạn trầm lắng, phong trào “phục hưng” vốn văn hóa cổ truyền của vùng đất hữu tình quê tôi được khôi phục lại khá suôn sẻ. Ai cũng ra sức vận dụng hết khả năng sáng tạo của mình để chuyển tình yêu lao động, tình yêu cuộc sống thành các làn điệu dân ca mà hát để lan truyền trong cuộc sống, làm đẹp thêm cho đời” - ông Hòa nhớ lại. Từ đó, các làn điệu hò khoan, xuân nữ, xàng xê, cổ bản… cứ tiếp tục vang lên trong các buổi sinh hoạt của CLB Đàn hát dân ca Bình Triều.

Cần sự giúp đỡ

Tại lễ hội Bà Chợ Được hay các phong trào thi đua yêu nước diễn ra trên địa bàn, bằng các câu hò, điệu lý hay các vở diễn ca kịch mộc mạc, các nghệ nhân “chân đất” trong CLB Đàn hát dân ca Bình Triều đã hóa thân để truyền tải đến người thưởng lãm những cung bậc đầy cảm xúc về tình yêu với quê hương. “Văn nghệ dân gian có sức sống lâu bền trong đời sống bình dị, nhất là gắn chặt với cuộc sống dân dã của người lao động do bắt rễ sâu vào cuộc sống thường ngày. Chúng tôi hiểu mạch ngầm văn hóa của quê hương và sức lan tỏa của nó đến với những ai gắn bó qua các làn điệu dân ca” - anh Nguyễn Văn Liệu, công tác tại khối Dân vận mặt trận xã Bình Triều tham gia CLB Đàn hát dân ca Bình Triều từ hơn 10 năm qua, nói. Nhạc sĩ Xa Văn Hùng, người con của quê hương Bình Triều gắn bó với CLB Đàn hát dân ca Bình Triều bao năm qua, chia sẻ: “Bình Triều là cái nôi văn hóa truyền thống lâu đời của huyện Thăng Bình nên tự nhiên sản sinh ra những người yêu âm nhạc. Và cũng rất tự nhiên, tình yêu âm nhạc đã gắn bó họ lại với nhau để lập nên CLB Đàn hát dân ca Bình Triều. Sức mạnh nội tại có rồi nhưng không biết nó đủ lực để vươn lên? Bởi CLB có tồn tại lâu dài hay không, không chỉ duy nhất phụ thuộc vào chính nó”.

Anh Nguyễn Văn Liệu cho biết, khó khăn lớn nhất mà CLB Đàn hát dân ca Bình Triều gặp phải là thiếu đội ngũ kế cận và thiếu nhạc cụ trình diễn. Thành viên nhỏ tuổi nhất của câu lạc bộ là anh Đoàn Văn Khoa ở thôn Vân Tây đã quá tuổi hai mươi. Không ai dám chắc sinh kế có còn giữ anh gắn bó với câu lạc bộ hay không. Trong khi đó, các “hạt giống đỏ” của phong trào là Xa Doãn Hồng Hà hay Xa Doãn Hồng Lợi đều đã theo học âm nhạc tại các trường đào tạo âm nhạc lớn của cả nước như Huế, TP.Hồ Chí Minh và gắn bó lâu dài ở đó để phát triển năng khiếu âm nhạc. Những nhân tố đó đã “bỏ cuộc chơi” tại quê nhà nên không thể tề tựu trong các liên hoan và hội diễn đàn hát dân ca của CLB. “Đến thời điểm này, kinh phí hoạt động của CLB do nguồn quỹ tự đóng góp của các thành viên. “Dẫu vậy, trong thời gian đến, chúng tôi sẽ định kỳ mở lớp dân ca để tiếp tục “truyền lửa” trong thế hệ trẻ” - ông Nguyễn Tấn Hòa tâm sự. Để làm được điều đó, CLB Đàn hát dân ca rất mong xã Bình Triều hay rộng hơn là huyện Thăng Bình có cơ chế hỗ trợ, giúp các nghệ sĩ “chân đất” có điều kiện phát huy vốn liếng văn hóa văn nghệ truyền thống để phục vụ cộng đồng...

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT