Chuyện lợp mái nhà của người vùng cao: Từ dưới lên hay từ trên xuống?
Con người từ khi biết làm nhà để ở, giã từ lối trú ẩn tối tăm hang động là một sự nhảy vọt từ cõi u mê hướng đến văn minh. Từ những vật liệu khai thác tại chỗ, quanh nơi trú ngụ như cây, lá... gọi nôm na là loại thảo mộc, người ta dựng lều tranh đơn giản đến ngôi nhà kiên cố bằng gỗ to bề thế che mưa nắng.
Nhà - nói nôm na là kiến trúc ở được tạo dựng do con người với bản vẽ ban đầu đơn giản bằng những nét thô trên nền đất đá… đến văn minh hơn của con người hôm nay là những thiết kế bằng bản vẽ hóa khá thống nhất với những mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng… với những ký hiệu quy ước rõ ràng. Sự bắt chước, học hỏi lẫn nhau trong sử dụng vật liệu đến phương cách làm nhà nhằm tạo nên chỗ trú ngụ của các dân tộc ở các vùng miền khiến những nhà nghiên cứ kiến trúc lẫn lịch sử kiến trúc tốn công đi điền dã, khảo tả, chụp ảnh, quay phim..
Lợp mái gươl từ trên xuống của người Cơ Tu suôn sẻ và gọn gàng (ảnh lớn); hai người được đứng bên trong dùng cây chống phần đuôi của tấm lợp trước để tấm lợp sau lọt vào. Ảnh: N.T.HỶ |
Chuyện lợp mái nhà rất quan trọng và thật thú vị mà chúng ta phải quan tâm, nhất là đối với các nhà nghiên cứu kiến trúc. Để bắt đầu câu chuyện này, tôi có nhận xét ngắn gọn về cách làm nhà của người Nhật Bản khi tôi có những ngày học tập về bảo tồn kiến trúc cổ tại xứ hoa anh đào xinh đẹp nhưng cũng đầy hiểm họa của động đất ảnh hưởng đến kiến trúc. Phải chăng, vì thế mà người Nhật khi làm nhà dành nhiều thời gian cho việc làm móng nhà và lợp mái nhà? Một chi tiết nhỏ khác là khi dùng công cụ để gia công thanh gỗ như bào, người thợ mộc Nhật Bản bào lui (thợ mộc ta thì bào tới) tương tự như người châu Âu khi gọt vỏ trái cây… cũng đưa lưỡi dao hướng vào trong (gọt lui). Tất cả tưởng chừng như khó làm với người Việt chúng ta nhưng lại thật dễ dàng với người nước ngoài. Sự trải nghiệm, cùng kết hợp với việc chọn lọc qua thời gian, qua nhiều thế hệ phù hợp với địa lý - khí hậu, chưa kể những điều thuộc về tâm thức, văn hóa, kỹ thuật, thẩm mỹ, cả những điều kiêng cữ của những tộc người đã cho họ cách ứng xử riêng mà từ đó xét về cách dựng nhà đã có sự khác nhau. Từ ngôi nhà và chuyện làm nhà thật là phức tạp nhưng cũng lắm thú vị cho những ai muốn tìm hiểu nó. Những tri thức bản địa cùng với phong tục, luật tục… từ tộc người ở từng vùng biển, vùng núi cũng là việc quan trọng khi làm nhà để ta phải quan tâm nghiên cứu về “nhân học kiến trúc”.
Trở lại câu chuyện lợp nhà, cụ thể là loại nhà lợp rạ, tranh, lá... Nhiều người vẫn cứ nghĩ đơn giản rằng, để tạo nên mái nhà bằng chất liệu thảo mộc, người ta chỉ cần đánh thành tấm (bảng hóa) và lợp từ dưới lên trên. Nhiều người cho rằng, nó phải tiến hành tuần tự như thế, nếu người nào nói ngược lại thì là “điên”. Khi tôi hỏi ông Bhriu Liếc (Bí thư Huyện ủy Tây Giang) về việc lợp mái nhà từ trên xuống, nhiều người cười ồ cho rằng tôi hâm. Ông Liếc bảo, chuyện lợp nhà từ trên xuống dưới không thấy xuất hiện ở vùng Tây Giang. Tuy nhiên, trước đó tại làng văn hóa Về Nguồn do Quỹ Ford tài trợ giúp cho những nhà nghiên cứu TP.Huế dựng ngôi nhà cộng đồng - gươl, ở làng Hương Hồ đã lợp mái từ trên xuống dưới. Những người thợ làm nhà là những nghệ nhân ưu tú Cơ Tu của thôn Vinh, xã Ta Bhing, huyện Nam Giang và một nhóm thợ ở xã Tà Lu huyện Đông Giang. Ông Nguyễn Tri Hùng ở Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam đã giúp chọn thợ khéo tay của hai địa phương trên thi công.
May mắn là chủ dự án đã cử họa sĩ Lê Văn Ba (nay là giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế) trực tiếp quay phim chụp ảnh để làm tư liệu. Tôi cũng tham gia tư vấn về việc dựng gươl này, vì vậy có thời giờ quan sát các thợ người Cơ Tu tiến hành lợp nhà. Thật ngạc nhiên khi những người thợ của văn minh núi rừng đã tiến hành lợp mái gươl từ trên xuống suôn sẻ và gọn gàng. Chỉ một người ở bên dưới đưa tấm lá cột vào dây cho một người ở trên nóc mái dùng dây kéo tấm lá xuôi từ dưới lên trên; hai người được bố trí đứng bên trong khung gỗ của sườn nhà dùng cây chống phần đuôi của tấm lợp trước để tấm lợp sau lọt vào. Cứ như thế cho đến khi tấm cuối cùng vào vị trí của chân mái nhà. Lợp xong mái trước rồi đến mái sau. Cách lợp nhà từ trên xuống là không phổ biến trong phương pháp lợp nhà của người Cơ Tu hôm nay như nhận định của ông Bhriu Liếc. Tuy nhiên, tôi thấy việc lợp nhà từ trên xuống dưới cần khảo sát kỹ hơn ở từng vùng miền và giới hạn địa bàn cư trú của các dân tộc. Ở vùng Tây Nguyên, người Ba Na cũng lợp mái từ trên xuống dưới do mái rông quá dốc không cho phép người ta ngồi bên ngoài như người ở vùng xuôi để lợp nhà từ dưới lên trên.
Bài viết này chỉ mong rằng, chúng ta đừng quá vội vàng áp đặt cái gọi là văn minh miền xuôi để kết luận và gắn kết cho miền ngược. Đã có nhiều chuyên gia về nghiên cứu kiến trúc cảnh báo chuyện làm nhà cho việc định canh định cư người miền núi. Tôi xin nhấn mạnh “không phải cái bắt chước nào cũng khôn ngoan”. Và ai đó từng so sánh việc lợp nhà từ trên xuống dưới giống như việc xây nhà từ trên xuống dưới. Bởi tất cả điều có lý và thật khoa học như người khi canh tác ở núi đồi có thế đất dựng, độ dốc cao thì phải dùng cuốc cán ngắn, quan trọng hơn là phải cuốc từ trên xuống dưới với tư thế nhìn lên nếu không sẽ lộn nhào! Việc làm nhà là một kỹ thuật đến kỹ năng và thẩm mỹ của văn hóa của vùng miền nên có nét đặc trưng. Người viết bài này rất cần sự đóng góp và thông tin về vùng miền, nhất là những con người vùng cao bàn về chuyện lợp mái nhà.
NGUYỄN THƯỢNG HỶ