Cần phân cấp để tôn tạo di tích

QUỐC HẢI (thực hiện) 06/10/2014 12:52

Những quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt và quản lý chất lượng các công trình tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích lịch sử, danh thắng gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho cả chủ di tích lẫn cơ quan chức năng tại Hội An. Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An trao đổi về vấn đề này:

Hiện nay công tác bảo tồn, tu bổ di tích ở Hội An gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác quản lý, thẩm định chưa được phân cấp rõ ràng nên nhiều di tích sau khi tu bổ đã bị phá hỏng. Đó là điều đáng quan ngại của các nhà chuyên môn cũng như công tác bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc. Theo Nghị định 70/2012 của Chính phủ về quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, thì đối với các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia sẽ do Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL thỏa thuận chủ trương lập dự án tu bổ di tích hoặc thẩm định dự án tu bổ di tích. Còn đối với Nghị định 15/2013 của Chính phủ quy định về quản lý chất lượng công trình thì trong Điều 21 quy định các công trình quan trọng quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao thì phải được cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Xây dựng và đơn vị quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm tra thiết kế công trình.

Hằng năm, tại phố cổ Hội An có hàng trăm lượt di tích xin sửa chữa, tu bổ. Ảnh: Quốc Hải
Hằng năm, tại phố cổ Hội An có hàng trăm lượt di tích xin sửa chữa, tu bổ. Ảnh: Quốc Hải

- PV: Vậy, vướng mắc là từ đâu thưa ông ?

- Ông Nguyễn Chí Trung: Đi vào cụ thể, ví dụ như Hội An, hiện quần thể các công trình kiến trúc trong khu phố cổ không được xếp hạng riêng lẻ theo từng công trình mà được công nhận chung là di tích quốc gia đặc biệt. Nếu áp dụng theo các nghị định trên thì việc lập hồ sơ tu bổ cho các công trình trong khu phố cổ phải qua nhiều cấp chính quyền từ thành phố, đến tỉnh rồi đến trung ương. Trong khi đó, việc tu bổ di tích trong khu phố cổ Hội An là thường xuyên, số lượng tu bổ nhiều, khẩn cấp, đôi lúc chỉ là sửa chữa nhỏ,… thì việc áp dụng theo Nghị định 70 sẽ kéo dài thời gian với các thủ tục hành chính trong khi ngôi nhà của cộng đồng phải thường xuyên được sửa chữa sau mỗi mùa mưa bão.

Quần thể di tích Hội An có hơn 80% số di tích thuộc sở hữu tư nhân, tập thể nên việc phân cấp để thẩm định cho phù hợp với đặc thù của di sản, đặc biệt các “di sản sống” là rất cần thiết. Nếu gộp chung lại, các di tích muốn sửa chữa, tôn tạo đều phải qua Bộ VH-TT&DL và Bộ Xây dựng để thẩm định. Điều này thật khó cho các chủ di tích. Hơn nữa, ngay giữa Nghị định 70 và Nghị định 15 cũng có những điều khoản chưa thống nhất. Nghị định 70 quy định di tích cấp tỉnh do tỉnh thẩm định, di tích quốc gia đặc biệt do Bộ VH-TT&DL thẩm định, trong khi Nghị định 15 của Chính phủ không phân biệt rõ di tích cấp tỉnh hay cấp quốc gia. Hơn nữa, các bộ liệu có đủ khả năng để thẩm định hồ sơ hay không khi số lượng di tích xin sửa chữa tại Hội An hằng năm gần 200 lượt.

- PV: Ông cho đâu là khó khăn lớn nhất từ 2 nghị định này ?

- Ông Nguyễn Chí Trung: Cái khó khăn nhất của 2 nghị định là tính khả thi trong việc thẩm định. Tức là bản thân các chuyên gia chuyên ngành hoặc cán bộ chuyên quản của bộ có đủ sức để thẩm định hay không? Sau khi thẩm định, liệu có thể giám sát, hậu kiểm được những kết quả mình đã thẩm định hay không?

Trong những năm qua, do đặc thù của di sản văn hóa Hội An, UBND TP.Hội An đã ban hành “Quy chế về quản lý, bảo tồn và sử dụng di tích ở khu phố cổ Hội An” để tiện cho việc quản lý và công tác bảo tồn di sản chủ động được thực hiện. Tuy nhiên, bất kỳ một công trình, di tích nào cũng đều phải dựa vào các văn bản của Nhà nước để thực thi. Vì vậy, việc áp dụng các nghị định của Chính phủ là cần thiết nhưng tùy với tình hình của mỗi di sản, đặc biệt là đối với di sản văn hóa Hội An, công tác lập hồ sơ tu bổ di tích cần được xem xét để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc.

- PV: Với tình hình như Hội An, liệu chúng ta có hướng đến một cơ chế đặc biệt nào?

- Ông Nguyễn Chí Trung: Vừa rồi một hội nghị của Bộ VH-TT&DL tại Hà Nội cũng đã bàn đến cơ chế quản lý các khu di sản văn hóa và thiên nhiên ở Việt Nam. Chúng ta biết, hiện có 7 khu di sản nhưng mỗi một di sản có cơ chế quản lý khác nhau. Phải chăng nó cũng xuất phát từ đặc thù, đặc biệt của từng di sản mà hiện nay, về mặt Nhà nước cũng chưa có một cơ chế thống nhất quản lý khu di sản. Như Hội An, Mỹ Sơn hoặc cố đô Huế đều thuộc cấp tỉnh hoặc do cơ quan này, cơ quan khác khai thác nhưng cách quản lý đều khác nhau. Cho nên, để quản lý, phát huy, bảo tồn tốt các khu di sản, mỗi di sản cần xây dựng quy chế đặc thù, đặc biệt để có sự quản lý thống nhất của Nhà nước, cả các bộ, các địa phương.

Việc quản lý chặt chẽ công tác tu bổ di tích, thẩm định là đúng nhưng cần phải phân cấp, ủy quyền. Phải phân biệt rõ công trình hoàn chỉnh có quy mô, mức đầu tư nào thì phân cấp, ủy quyền cho địa phương để làm phù hợp, thích ứng với tính đặc thù, nhất là “di sản sống”, trong đó di tích tư nhân, tập thể chiếm đa số như Hội An.

- PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

QUỐC HẢI (thực hiện)

QUỐC HẢI (thực hiện)