Kiến trúc nhà mồ Cơ Tu

HOÀNG LIÊN 21/09/2014 08:55

Nhà mồ - biểu tượng văn hóa truyền thống của tộc người Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam với nghệ thuật hội họa, điêu khắc đặc trưng đang đứng trước nguy cơ biến dạng, lai căng,  song, công tác bảo tồn vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Nhà mồ tại Đông Giang có mái lợp tôn, xây gạch. Ảnh: H.LIÊN
Nhà mồ tại Đông Giang có mái lợp tôn, xây gạch. Ảnh: H.LIÊN

Giá trị văn hóa vật thể

Là tộc người cư trú lâu đời tại miền núi Quảng Nam, người Cơ Tu đã tạo ra nhiều giá trị văn hóa đặc sắc với hát múa cồng chiêng, kiến trúc gươl, nhà mồ, nghệ thuật nói lý, hát lý… Một trong những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc là kiến trúc nhà mồ. Loại hình kiến trúc này thể hiện tín ngưỡng dân gian truyền thống hướng về tổ tiên, ông bà. Người Cơ Tu quan niệm sự sống - cái chết đều như nhau, người ở bên kia thế giới vẫn cảm nhận được giá trị của cái đẹp, vì thế, người già còn chuẩn bị cho “cái chết”như tìm kiếm những thân gỗ to đẹp, lõi tốt để sẵn. Người giỏi điêu khắc có thể tự đục đẽo tỉ mẩn từ năm này sang năm khác hoặc có thể nhờ những người khéo tay trong làng làm tượng hay quan tài giúp. Do kiêng kỵ nên các bộ phận, chi tiết của nhà mồ được điêu khắc rời, đễ sẵn ở vị trí thuận lợi, chỉ tới khi gia chủ qua đời, mới lắp ghép hoàn tất theo người quá cố. Với người Cơ Tu, nhà mồ với tượng điêu khắc do chính tay con trai hoặc con rể làm cho bố mẹ ruột hoặc bố mẹ vợ có giá trị hơn cả, thể hiện sự hiếu thảo đối với người chết.

Già Y Kông 86 tuổi, ở xã Ba (Đông Giang) cho biết, kiến trúc nguyên thủy của  nhà mồ thường có mái hồi tròn, quan tài có mặt cắt hình tròn hay hình bầu dục. Theo thời gian, kiến trúc này có sự thay đổi với mái hình vuông hoặc chữ nhật có 4 - 6 cột. Một số nhà mồ của người Cơ Tu ở Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang hiện vẫn bảo lưu nhiều phong tục, tập quán có từ xa xưa với hội họa và điêu khắc đặc trưng. Mô típ truyền thống của nhà mồ Cơ Tu gồm các hình ảnh như chim, trâu, khỉ, trăn, rắn, kỳ đà đến tượng phụ nữ Cơ Tu bồng con hoặc dệt vải, tượng đàn ông Cơ Tu vừa hút thuốc vừa đánh chiêng, đánh trống hoặc múa tâng tung... Ngoài ra, các dụng cụ gồm rìu, rựa và đục cũng được điêu khắc tỉ mỉ nhằm tượng trưng cho sự giao thoa giữa đời sống, sinh hoạt ở thế giới người chết với người sống. Theo ông Palăng Bưng - Phó phòng VH-TT huyện Tây Giang, nhà mồ là sản phẩm mang dấu ấn cá nhân nên mỗi người có những hướng sáng tạo riêng, song phải phù hợp với tập tục. Để tạo nên những hoa văn, họa tiết có màu sắc sặc sỡ, người ta thường lấy màu sắc từ tự nhiên, chẳng hạn sắc đỏ đen được lấy từ đá dưới sông suối, màu trắng lấy cát mịn ở sông, màu xanh được chế biến từ lá cây rừng... Để trang trí nhà mồ phải chọn những cây gỗ tốt, đẽo lấy phần lõi của cây để làm tượng. Nhà mồ thường được dựng ở bìa rừng, ít người qua lại. Việc dựng tượng nhà mồ được thực hiện trong lễ bỏ mả, cũng tại đây, nhiều vật dụng được bỏ theo người chết về bên kia thế giới như ché, bếp, dụng cụ làm nương rẫy.

Bảo tồn theo hướng nào?

Ngày nay, văn hóa truyền thống nhà mồ với giá trị kiến trúc điêu khắc đã bị mai một, biến dạng. Dọc tuyến đường Trường Sơn từ huyện Tây Giang qua Đông Giang về xuôi, dễ dàng bắt gặp những tượng nhà mồ biến dạng với mái lợp ngói, lợp tôn, xây gạch ốp đá bốn bên, trụ cột đã được “bê tông hóa”. Các chi tiết điêu khắc được thay thế bằng kỹ thuật đắp nổi, tô vẽ bằng sơn và xi măng… Lý giải về thực trạng này, già làng Y Kông cho rằng, nguồn gỗ từ rừng đang cạn kiệt nghiêm trọng nên việc chọn những cây gỗ to, tốt để đục đẽo tượng nhà mồ gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, theo tín ngưỡng, muốn làm nhà mồ, quan tài gỗ, gia đình phải cúng tế bằng một con trâu hay con bò mới được phép thực hiện. Đây là chuyện quá tốn kém đối với người Cơ Tu còn nghèo khó. Trong khi đó, sử dụng chất liệu xi măng, sắt thép tiện lợi và tiết kiệm hơn nhiều. Còn ông Palăng Bưng nhìn nhận; nhà mồ ở Tây Giang không còn giữ được nét điêu khắc như trước, nếu có thì hình thù điêu khắc cũng không còn giữ nét nguyên thủy mà có sự lai căng, pha tạp. “Một số xã vùng cao của Tây Giang hiện vẫn còn giữ được một phần bản sắc của nhà mồ, song từ xã Lăng trở xuống bị biến dạng hoàn toàn” - ông Bưng chia sẻ.
Gần đây, huyện Tây Giang đã tổ chức Hội thi bảo tồn phát huy điêu khắc truyền thống của dân tộc ở quy mô cấp huyện. Theo đó, mỗi xã sẽ lập ra một đội điêu khắc trẻ. Những nghệ nhân điêu khắc hoặc già làng trực tiếp hướng dẫn, dạy người trẻ về nghệ thuật điêu khắc. Việc làm này giúp cho thế hệ trẻ Cơ Tu nhận thức và lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Đông Giang cho hay, Nghị quyết số 77/2008/NQ-HĐND của HĐND huyện đã thông qua đề án Khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu giai đoạn 2009 - 2015. Trong đó, chủ trương của huyện là bảo tồn chứ không phát huy loại hình kiến trúc điêu khắc nhà mồ vì quá tốn kém, cầu kỳ, nguồn gỗ trên địa bàn đã khan hiếm, những nghệ nhân tài hoa cũng dần qua đời trong khi thế hệ trẻ lại không mấy mặn mà kế nghiệp… Cũng theo bà Hương, gần đây, Đông Giang đã khôi phục, bảo tồn và trưng bày nhà mồ Cơ Tu ở Nhà trưng bày bảo tàng huyện. Đây là công trình tượng nhà mồ cuối cùng do nghệ nhân Bríu Brăm thực hiện. Sự mai một của giá trị nguyên mẫu nhà mồ và tượng điêu khắc gỗ trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào Cơ Tu đã và đang gây lo ngại. Nếu không có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật điêu khắc nhà mồ một cách thiết thực, vùng núi Quảng Nam sẽ thiếu vẻ độc đáo và sức hút để khai thác tiềm năng du lịch...

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN