Chuyến đi nhiều trải nghiệm
Năm nay, Hội VH-NT Quảng Nam tổ chức cho anh em văn nghệ sĩ đi thực tế và trao đổi kinh nghiệm sáng tác với các văn nghệ sĩ ở Quảng Bình và Quảng Trị. Chuyến đi đã giúp anh em văn nghệ sĩ Quảng Nam có thêm nhiều trải nghiệm bổ ích...
Đi thực tế sáng tác là điều cần thiết đối với văn nghệ sĩ. Mỗi chuyến đi trong tỉnh hay ngoài tỉnh đều có thể đem lại cảm nhận và trải nghiệm hết sức ý nghĩa, bổ ích cho những người sáng tác. Nhà văn Nguyễn Thành Long đã để lại cho đời truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” nổi tiếng là nhờ chuyến đi từ Hà Nội lên Tây Bắc. Chuyến đi thực tế đã giúp ông gặp gỡ những con người bình dị trong cuộc sống để từ đó xây dựng nên nhân vật với dấu ấn khó phai trong lòng bạn đọc bao thế hệ. Chúng tôi là những người làm VH-NT thuộc thế hệ hậu sinh, chẳng dám mơ viết được, sáng tác được một tác phẩm để đời sau những chuyến đi. Tuy nhiên, sau mỗi chuyến đi thực tế, chúng tôi có điều kiện quan sát, suy ngẫm về cuộc sống và có được nguồn cảm hứng sáng tác VH-NT. Chuyến đi thực tế và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác với văn nghệ sĩ ở Quảng Bình, Quảng Trị vừa qua đã giúp chúng tôi có nhiều cảm xúc sáng tạo. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật mở đầu câu chuyện về sáng tác khi tiếp chúng tôi tại trụ sở Hội VH-NT Quảng Bình bằng bài thơ ông viết ở Hội An, tặng một người con gái phố cổ từ hồi năm 1984 tựa đề “Bài hát trái dâu da” với những câu thơ nói như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo “những câu thơ đẹp như nỗi buồn”: “Ngây ngô tôi đi tìm/ Chùm dâu da vàng lịm/ Hàng cây xanh cây xanh/ Trách tôi sao quá chậm”.
Đoàn văn nghệ sĩ Quảng Nam thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn - Quảng Trị. Ảnh: NG.DŨNG |
Không phải ngẫu nhiên nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đọc tặng anh em văn nghệ Quảng Nam bài thơ này. Theo nhiều bạn đọc yêu thơ, ông có nhiều bài thơ hay, tứ thơ lạ, trẻ trung, đẹp mơ màng... Đó là cách để ông hồi nhớ về kỷ niệm chuyện đi thực tế sáng tác. Ông bảo, nếu như năm ấy ông không có một cuộc gặp gỡ với người thầy cũ của mình tại Hội An, không có cảm nhận về Cù Lao Chàm và không có một đêm lang thang qua những con đường, ngõ nhỏ nơi phố cổ rêu phong... cùng với một người con gái phố Hội, cũng là người con gái đầu lòng của thầy mình, hẳn ông sẽ không có bài thơ “Bài hát trái dâu da” với nhiều cung bậc tình cảm, nhiều suy tưởng và mang nặng tâm tình với người, với đất Hội An đến thế. Đây lần đầu tiên anh em văn nghệ sĩ Quảng Nam gặp gỡ, giao lưu, nói chuyện văn thơ, nhạc họa với anh em văn nghệ sĩ ở quê hương mẹ Suốt. Và đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi được đứng dưới chân Tượng đài Mẹ Suốt, được đọc những dòng thơ thấm đẫm chất anh hùng ca trong bài thơ “Mẹ Suốt” của Tố Hữu “Một tay lái chiếc đò ngang/ Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày...” để hiểu thêm về dòng sông và cuộc đời người mẹ chở đò đưa quân năm ấy. Điều khá đặc biệt là, Tượng đài Mẹ Suốt ở bến đò, gần cầu Nhật Lệ là tác phẩm của nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, hiện là Chủ tịch Hội VH-NT Quảng Bình.
Đại diện Hội VH-NT Quảng Nam trao quà lưu niệm cho Hội VH-NT Quảng Bình. Ảnh: K.ĐỨC |
Việc đi thực tế sáng tác của Hội VH-NT Quảng Nam bây giờ cũng có phần thuận lợi hơn nhờ có nguồn hỗ trợ sáng tác hằng năm của Chính phủ. Chính nguồn kinh phí này đã giúp anh em văn nghệ sĩ có điều kiện mở rộng phạm vi của những chuyến đi. Dĩ nhiên, khi những chuyến đi thực tế ngày càng được tổ chức thường xuyên thì người sáng tác VH-NT càng có thêm những trải nghiệm những cảm hứng để sáng tác. Ông Nguyễn Hoàn - Chủ tịch Hội VH-NT Quảng Trị cho rằng, nhờ có nguồn hỗ trợ của Chính phủ, cũng như nhiều nguồn kinh phí khác, hoạt động VH-NT ở nơi từng là “vùng đất lửa” trong thời kỳ chiến tranh ngày càng khởi sắc. Trao đổi với anh chị em văn nghệ sĩ Quảng Nam, ông Nguyễn Hoàn nói: “Hội VH-NT Quảng Trị đã làm tốt việc tập hợp văn nghệ sĩ, tạo điều kiện cho họ sáng tạo nên nhiều tác phẩm VH-NT có giá trị, trong đó một số tác phẩm đạt chất lượng cao. Bên cạnh đó, anh em văn nghệ sĩ Quảng Trị đã dành nhiều thời gian, tâm huyết cho các tác phẩm về đề tài “Mảnh đất, con người Quảng Trị qua các giai đoạn lịch sử”, nhằm góp phần giúp cho công chúng cả nước hiểu và thêm yêu, thêm quý về người và đất quê hương Quảng Trị anh hùng”.
Chuyến đi thực tế và giao lưu trao đổi kinh nghiệm sáng tác của anh em văn nghệ sĩ Quảng Nam với anh em văn nghệ sĩ Quảng Bình, Quảng Trị là cơ hội để những anh em xưa cũ thời còn là sinh viên của Trường Đại học Mỹ thuật Huế như họa sĩ Võ Như Diệu, họa sĩ Nguyễn văn Binh, họa sĩ Nguyễn Dũng... cùng chuyện trò với bạn bè về công việc sáng tác và hẳn nhiên có cả chuyện đi thực tế sáng tác. Chúng tôi nhận ra rằng, mỗi chuyến đi thực tế ngoài tỉnh không những giúp mọi người biết thêm nhiều điều, mà còn tạo được chất men sáng tác. Đó là điều cần thiết đối với anh em văn nghệ sĩ.
ĐẶNG TRƯƠNG KHÁNH ĐỨC