Phan Khôi hay cãi...

HOÀI QUẢNG 01/09/2014 08:46

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Phan Khôi nổi tiếng là người tranh biện trên các tờ báo. Tất nhiên, không phải điều gì Phan Khôi tranh luận cũng đúng, nhưng điều chắc chắn rằng, với sự hiểu biết đạt độ “uyên thâm” nhiều lĩnh vực, biện bác rành mạch... Phan Khôi cùng các học giả khác đã đưa diện mạo văn học, học thuật nước nhà một thời vang bóng.  

Cụ phó bảng Phan Trân chỉ có hai người con là Phan Khôi và Phan Thị Diệm. Bà Diệm là vợ của Lê Dư, hiệu là Sở Cuồng, người cùng quê Điện Bàn và là bạn học với Phan Khôi hồi ở quê, chuyên nghiên cứu cổ sử và văn học cổ tại trường Viễn Đông Bác Cổ. Khi Sở Cuồng làm chủ biên bộ tùng thư lấy tên là Quốc học tùng san cho rằng, cái học ở nước ta có thể gọi là “quốc học”. Ông Phan không đồng tình cách nhìn nhận này. Bài viết Luận về quốc học đăng trên Phụ nữ tân văn, số 94 (6.8.1931) và Đông tây số 96 (12.8.1931) và số 97 (19.8.1931) Phan Khôi đã viết to tướng dòng chữ dưới tiêu đề bài viết: “Cái học ở nước ta từ trước có thể gọi là quốc học được không? - Văn học với quốc học - ông Lê Dư định biên tập Việt Nam văn học sử hay là Quốc học sử?”. Rồi ông Phan lại gay gắt: “Nói đến nước ta. Tôi muốn đặt ra một câu hỏi: Nước ta có quốc học không? Cái học của nước ta từ trước có thể gọi là quốc học được không? Cho được trả lời câu hỏi ấy, ông Phạm Quỳnh nói không, ông Trịnh Đình Rư nói không, tôi nói không; ông Lê Dư nói có (…).  Ông Lê Dư có lòng tốt với tôi như vậy, tôi nỡ lòng nào đi phụ cái lòng ấy của ông? Song tôi nghĩ, cái chơn lý giữa cõi học nó bắt phải để riêng cái tình anh em trong một nhà. Bởi vậy, trong việc này, tôi phải để mình về hai ông Phạm và Trịnh kia, viết bài này, cùng ông Lê thương xác lại vấn đề ấy”.

Thăm mộ cụ Phan Khôi. Ảnh: H.QUẢNG
Thăm mộ cụ Phan Khôi. Ảnh: H.QUẢNG

Theo lời thuật lại của con trai ông là Phan An Sa, thời gian đầu (cuối tháng 6.1946), ông ra Hà Nội theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, được trọ tại nhà ông Lê Dư và họ gặp nhau sau bảy năm thật hả hê chuyện trò; sau cuộc kháng chiến chống Pháp, ông lại về Hà Nội và người đầu tiên ông tìm đến cũng là ông Lê Dư. Nói như vậy để chúng ta thấy rằng, tình cảm gia đình anh em của họ rất sâu đậm, họ chia sẻ tình cảnh thân phận cá nhân và gia đình trước thời cuộc, vận mệnh đất nước. Thế nhưng về học thuật, hai người có cách nhìn khác và họ đã tranh luận thẳng thắn theo quan niệm và lập luận của riêng mình. Sau mười năm cuộc tranh luận ấy, người con rể của Lê Dư là Vũ Ngọc Phan (chồng thi sĩ Hằng Phương) phải lên tiếng bằng bài viết “Chung quanh cuộc tranh luận giữa Lê Dư, Phan Khôi và Nguyễn Trọng Thuật về vấn đề quốc học”,  cho rằng cha vợ mình đã sơ suất việc dùng chữ theo nghĩa mới, nên nhà phê bình sắc cạnh là Phan Khôi mới lên tiếng “quốc học và văn học là khác nhau”. Và chính nhà phê bình họ Vũ đã phân xử: “Phan Khôi đã giải nghĩa hai chữ “quốc học” theo người Tàu gần đây. Còn Sở Cuồng muốn bắt chước người Nhật mà lập lấy một nền quốc học Việt Nam”.

Gia đình Phan Khôi.
Gia đình Phan Khôi.

Huỳnh Thúc Kháng sau khi đỗ tiến sĩ không ra làm quan, cùng với phó bảng  Phan Châu Trinh và  tiến sĩ Trần Quý Cáp hợp nên bộ ba lãnh đạo phong trào Duy tân mà Phan Khôi là người tham gia tích cực về phong trào ấy. Cụ Huỳnh và ông Phan đều bị bắt sau cuộc Mậu Thân dân biến (1908) và ban đầu bị giam ở nhà ngục Faifo (Hội An), sau cụ Huỳnh bị đày ra Côn Đảo 13 năm. Hồi còn ở nhà ngục Faifo, lúc tiễn biệt, nhiều bạn tù có làm bữa “tiệc rượu” mà “món quà” chủ yếu là thơ, trong đó có 4 bài thơ tứ tuyệt của Phan Khôi được cụ Huỳnh cho là xuất sắc hơn cả. Nói điều này để thấy rằng, tuy nhỏ tuổi hơn, là học trò của bạn mình là Trần Quý Cáp, mới đỗ tú tài Nho học, nhưng cụ Huỳnh rất nể tài năng và nhân cách ông Phan. Sau khi về đất liền, từng là nghị viên (1926), khi thôi chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, cụ Huỳnh làm chủ bút kiêm chủ nhiệm báo Tiếng Dân ở Huế (1927) và cộng tác với vài tờ báo chuyên về học thuật. Suốt 16 năm làm việc ở Tiếng Dân, cụ Huỳnh đã có nhiều lần bút chiến với ông Phan, bắt bẻ nhau trên báo chí, khiến công luận chú ý, theo dõi.    

Cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai nhà báo nổi tiếng xứ Quảng gây tiếng vang, có lẽ từ   Bác cái thuyết “nước Pháp giúp nước Nam về hồi thế kỷ XVIII” của Phan Khôi  (ghi bút danh là C.D) trên Đông Pháp thời báo, số 720 và 721 (tháng 5.1928) nhằm  biện luận về quốc sử với Trần Huy Liệu. Sau đó, cụ Huỳnh (Mính Viên) viết trên báo Tiếng Dân  (số 82) bài Thời đại quá khứ của dân tộc ta ra thế nào? Cụ Huỳnh cho rằng, “nhờ được binh lực nước Pháp” mà Gia Long “làm thành cuộc thống nhất”. Trước đó, cũng trên Đông Pháp thời báo (số 714), C.D có bài viết: “Mấy cái quái trong sách và báo ta” phản bác lại ý kiến của Mính Viên. Đáp lại, trên Tiếng Dân số 79 (20.5.1928),  Mính Viên viết bài Nói điều lỗi của ta là sự may cho ta nhằm nói lại vài điều cho rõ, nhưng cơ bản là tiếp thu ý kiến ông Phan. Rồi sau đó, trên báo Trung Lập số 6216 (7.8.1930),  Phan Khôi  viết lời “thương xót cùng Mính Viên”,  phê Huỳnh Thúc Kháng nêu ví dụ sai trong bài Viết thơ và làm văn trên báo Tiếng Dân, nhưng Huỳnh Thúc Kháng không phản bác lại.

Đáng kể hơn là cuộc bút chiến xung quanh Truyện Kiều. Khởi đầu là cuộc bút chiến giữa hai nhà báo Phạm Quỳnh và Ngô Đức Kế vào năm 1924. Ông Quỳnh đề cao Truyện Kiều là “quốc hồn, quốc hoa, quốc túy”, cụ Ngô Đức Kế chống lại luận điệu ấy bằng bài viết “Nền quốc văn và luận chính học cùng tà thuyết”. Sáu năm sau, cả nhà báo Phan Khôi trên báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn và nhà báo Huỳnh Thúc Kháng trên báo Tiếng Dân ở Huế lên tiếng sự yên lặng của ông Quỳnh. Thế là cuộc tranh luận có tiếng vang khắp nước bởi ba nhà báo tiếng tăm và sắc sảo của các tờ báo lớn thời ấy. Trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 70 (18.9.1930), Phan Khôi đã có bài viết  Về cái ý kiến hội “chấn hưng quốc học” của ông Phạm Quỳnh đã “cảnh báo học phiệt” với ông Quỳnh. Cùng lúc đó, cụ Huỳnh có bài viết Chánh học cùng tà thuyết có phải là vấn đề quan hệ chung không? (Tiếng Dân số 317, ngày17.9.1930 và Phụ nữ tân văn số 72 ngày 2.10.1930)  nhằm “chiêu tuyết những lời bài báng cho một chí sĩ mới qua đời” là Ngô Đức Kế - bạn cụ Huỳnh. Sau đó, ông Phan trách cụ Huỳnh viết bài có nhiều chỗ hơi “thất thiệt”. Để rồi trên báo Trung Lập , cụ Huỳnh liên tiếp có bài viết Biện chánh lại mấy lời của ông Phan Khôi (các số 6284, 6285, 6289, 6291). Phải nói rằng, biện minh cho lập luận của mình, cụ Huỳnh tỏ ra là người cố chấp, bảo thủ, còn Phan Khôi nhiều khi để lộ tính hiếu thắng và cả ngụy biện. Sau này, chúng ta hiểu cả Huỳnh Thúc Kháng và Ngô Đức Kế không phải ghét bỏ gì Nguyễn Du cũng như Truyện Kiều mà chủ yếu là phản đối sự “tán dương những điều bất chính” mà Phạm Quỳnh là người chủ trương.

Sau khi nước nhà độc lập, cụ Huỳnh nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến. Rồi chính Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng ký giấy mời ông Phan ra Hà Nội dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ I dưới chính thể nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (8.1946). Sau đó, ông Phan với tư cách là nhà văn hóa, theo đoàn quân lên Việt Bắc tham gia kháng chiến. Nói lại điều này để chúng ta thấy rằng, tuy nhiều lần giữa Phan Khôi và Huỳnh Thúc Kháng tranh luận rất gay gắt về học thuật, về chữ nghĩa, song cả hai nể trọng nhau về tài năng, chí khí, tri thức, nhân cách và trọng trách với Tổ quốc. Mới hay, những bậc hiền nhân quân tử luôn có cách ứng xử khiến người đời sau phải nghiêng mình kính nể. Bây giờ, “vai dưới” dám cãi tay đôi với “vai trên”, nếu không “rơi tự do sát đáy” thì cũng bị “đọa đày” lầm than một đời!

HOÀI QUẢNG

HOÀI QUẢNG