Người tâm huyết với chữ viết Cơ Tu
Là người Cơ Tu, ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, luôn đau đáu nỗi lo một ngày nào đó văn hóa Cơ Tu sẽ mai một dần nếu không sớm bảo tồn, gìn giữ. Tuy bộn bề công việc nhưng ông sưu tầm khảo cứu, làm nên công trình “Chữ viết dân tộc Cơ Tu ở Việt Nam” tạo thuận lợi cho việc dạy và học chữ Cơ Tu.
Ông Bh’riu Liếc và nhà văn Hồ Duy Lệ. Ảnh: TAM MỸ |
Hơn 10 năm qua, ông Bh’riu Liếc đã nghiên cứu bộ vần Cơ Tu trên tinh thần kế thừa chữ viết Cơ Tu của Ban cán sự miền Tây Quảng Đà. Từ những năm 50 của thế kỷ trước, bộ chữ này đã được giảng dạy cho học viên dân tộc Cơ Tu và cán bộ người Kinh công tác ở vùng đồng bào dân tộc Cơ Tu trong những năm chiến tranh ác liệt do các ông Lê Hồng Mao (tức Cónh Ta Lăng) và Quách Xân (Cónh A Xơơp) sáng lập. Hệ thống chữ viết Cơ Tu ra đời đã đánh dấu bước ngoặt mới trong việc phát triển ngôn ngữ, chữ viết của người Cơ Tu. Tiếc là, sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, chữ viết Cơ Tu bị lãng quên và mai một dần. Năm 2006, ông Bh’riu Liếc tìm tòi nghiên cứu, gặp gỡ các nhà giáo người Cơ Tu và ra tận Hà Nội nhờ các nhà khoa học ngôn ngữ giúp đỡ để hoàn thành và xuất bản cuốn sách “Tiếng thông dụng Cơ Tu - Kinh và văn hóa làng Cơ Tu”, góp phần giúp người đọc hiểu thêm về ngôn ngữ Cơ Tu, biết thêm về phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt, những nét đặc trưng về văn hóa, con người Cơ Tu.
Năm 2010, Sở Nội vụ tỉnh đã biên soạn tài liệu giảng dạy “Tiếng dân tộc Cơ Tu” dùng cho việc đào tạo cán bộ, công chức làm việc ở vùng dân tộc, miền núi Quảng Nam, để tăng cường khả năng giao tiếp giữa cán bộ với đồng bào, do ông Bh’riu Liếc chịu trách nhiệm chính trong biên soạn nội dung. Cuốn sách ra đời, kết quả chưa được như mong muốn, bởi bản thân ông là người Cơ Tu khi tiếp cận tài liệu này, thấy còn thiếu, cần phải bổ sung, hoàn thiện và thống nhất giữa các nhà khoa học ngôn ngữ và chính người dân bản địa. Do mặt bằng văn hóa của người miền núi chưa cao, mỗi vùng miền đều có những sự khác biệt trong ngôn ngữ, đời sống nên việc thống nhất chữ viết Cơ Tu là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giao tiếp, cũng như trong cuộc sống hàng ngày, lưu giữ những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc mình. Cũng trong năm ấy, huyện Tây Giang đã tổ chức hội thảo về thống nhất chữ viết Cơ Tu. Hội thảo thu hút những người am hiểu văn hóa, chữ viết Cơ Tu đã đi đến thống nhất một số tổ phụ âm, sử dụng dấu trọng âm, sử dụng các dấu theo quy ước, xây dựng hệ thống ngữ âm tiêu chuẩn tiếng Cơ Tu, trên cơ sở nguyên bản chữ Cơ Tu do ông Quách Xân sáng lập.
Là người chủ biên chữ viết Cơ Tu nên ông Bh’riu Liếc luôn kỳ vọng công trình nghiên cứu “Chữ viết Cơ Tu” được hoàn chỉnh, sớm ban hành và tổ chức giảng dạy. Đồng bào Cơ Tu Quảng Nam chủ yếu sống ở 3 huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang, với một kho tàng văn hóa phong phú, giàu bản sắc dân tộc, vì vậy vấn đề quan tâm nhất là việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Là một dân tộc có nguồn gốc bản địa, người Cơ Tu đã tạo nên một nền văn hóa mang đậm bản sắc, đó là văn hóa làng, văn hóa cộng đồng và văn hóa dân gian độc đáo. Văn hóa của người Cơ Tu được biểu hiện rất rõ với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như gươl, làng truyền thống, các loại nhạc cụ; lễ hội mừng lúa mới, chữ Cơ Tu; các trang phục; nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát; kinh nghiệm về mùa vụ, ẩm thực truyền thống; những sáng tạo trong văn học truyền khẩu dân gian như truyện cổ tích, ca dao, dân ca; nghệ thuật biểu diễn các loại nhạc cụ, nói lý, hát lý, hát giao duyên, múa tâng tung da dá; nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ hoa văn...
Theo ông Bh’riu Liếc, vốn từ vựng trong ngôn ngữ Cơ Tu chỉ giới hạn ở phạm vi nhỏ hẹp, nghĩa là không có các vốn từ về khoa học, công nghệ hiện đại, kinh tế thị trường, chính trị như hiện nay. Vì thế, các thế hệ trẻ người Cơ Tu muốn mở mang tri thức, nắm bắt khoa học... họ phải sử dụng ngôn ngữ phổ thông là tiếng Việt để tìm hiểu, giao tiếp. Điều này, về lâu dài, sẽ gây nên việc đồng hóa ngôn ngữ, vì vậy cần biên soạn kho ngữ vựng tiếng Việt - Cơ Tu phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, bảo tồn chữ viết Cơ Tu và phục vụ cho việc dạy và học tiếng Cơ Tu. |
Bh’riu Liếc đã tìm hiểu, tiếp xúc với từng người dân, từ già làng đến lớp người trẻ tuổi, ông thấy rằng tiếng Cơ Tu - tiếng nói của dân tộc mình, đang có nguy cơ bị mai một. Đặc biệt, thế hệ trẻ ngày nay nhiều người đã tiếp cận nền văn hóa hiện đại từ nhỏ nên không biết tiếng mẹ đẻ. Nguy cơ thất truyền chữ viết Cơ Tu là vấn đề rất cấp thiết, rất cần một giải pháp nhằm bảo tồn ngôn ngữ của đồng bào. Tiếp cận với đội ngũ giáo viên và học sinh, ông nhận ra rằng trong quá trình dạy và học của giáo viên đối với học sinh người Cơ Tu còn gặp nhiều khó khăn, bởi trở ngại về mặt ngôn ngữ nên các em gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức. Hiện tượng giao thoa ngôn ngữ là một hiện tượng tất yếu trong lịch sử phát triển mỗi ngôn ngữ, nhưng trong quá trình phát triển không thể không nói thứ tiếng của dân tộc có số dân đông hơn, đó là do nhu cầu cuộc sống. Cho nên việc học song ngữ Việt - Cơ Tu nên phải được quan tâm, nhằm tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa đồng thời cũng góp phần giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ của mỗi dân tộc.
Cuốn sách “Chữ viết dân tộc Cơ Tu ở Việt Nam” do ông Bh’riu Liếc biên soạn gồm 5 chương, 47 bài, thời gian học trong khoảng 3 - 4 tháng. Ông đặt nhiều kỳ vọng người muốn học chữ viết, ngôn ngữ Cơ Tu sẽ tiếp cận với cuốn sách của ông. Bởi tiếng Việt và tiếng Cơ Tu có nhiều nét tương đồng, chỉ khác một số điểm ở phần ngữ pháp. Nghe ông giải thích về cái chữ Cơ Tu, mới hiểu hết tấm lòng của ông đối với cái chữ viết của dân tộc mình: “Mới tiếp cận, không bản ngữ, phát âm khó. Nhưng cố học, nghe lời giảng, chỉ vài tháng, học cũng thuộc. Chữ Cơ Tu buộc phải nhớ 2 phụ âm, 3 luyến khó, 4 thanh dấu, 5 âm chính, 5 âm dài, học tiếp bài tổ phụ âm gồm 20 chữ, thế là xong”.
HÀ AN