Giếng làng Tam Hải

ĐẶNG TRƯƠNG KHÁNH ĐỨC 24/08/2014 09:52

Về Tam Hải, uống chén trà được pha chế bởi nguồn nước mát lành, trong vắt từ giếng làng hàng ngàn năm tuổi, ngắm nhìn trời mây và nghe con sóng ru lời tự tình của biển lúc bình minh, lòng ta chợt tan biến những ưu phiền và xô bồ nơi phố thị…

Một ngày hè, chúng tôi theo chân anh Trần Đình Nam - Trưởng thôn Thuận An, xã Tam Hải - Núi Thành dạo một vòng quanh làng quê biển như ốc đảo giữa bốn bề sóng nước này. Tam Hải đang mùa rộn ràng với những nghề biển truyền thống từ bao đời. Chúng tôi gặp cụ ông Lê văn Mai dưới bóng mát của những thân dừa cao vút phía đầu làng. Cụ Mai năm nay đã ngoài tám mươi nhưng da dẻ vẫn hồng hào, săn chắc. Có lẽ cái vị mặn của nước và gió biển đã ngấm vào từ thuở ấu thơ để bây giờ dáng vóc cụ vẫn còn phương phi như thế. Cụ Mai mời tôi ly nước trà thơm nghi ngút khói do đứa cháu mang ra. Cụ Mai thủng thẳng uống trà và bảo tôi: “Trà này được pha chế từ nước giếng của làng đấy! Cậu uống thử xem có gì khác so với trà mình uống hàng ngày không?”. Tôi ngắm làn khói đang vây vần xung quanh ly trà rồi nhẹ nhàng nhấm thử. Thật lạ, vẫn là mùi vị của loại trà mà hàng ngày tôi thường thưởng thức bên ly cà phê mỗi sáng, nhưng dư âm của ngụm trà này để lại cảm giác rất khác, vừa thanh lại vừa đằm. Nhấm vài ngụm nữa, lòng đã thấy sảng khoái sau một chặng đường dài đò xe về Tam Hải.

Giếng làng Tam Hải.Ảnh: N.KẾT
Giếng làng Tam Hải.Ảnh: N.KẾT

Anh Trần Đình Nam cho tôi hay, thôn Thuận An đang sở hữu hai cái giếng làng mà nghe nói có từ thời Chăm cách đây hàng ngàn năm. Một giếng ở bãi Bấc và một giếng ở bãi Nồm đều nằm dưới chân Bàn Than quanh năm sóng vỗ. Dấu tích Chăm còn lưu lại ở đây bởi tấm bia đá đã cũ sờn vì gió bụi thời gian những dòng chữ và ký hiệu cổ khắc trên bia không còn nguyên vẹn. Theo các cụ cao niên làng Thuận An, hai giếng làng có từ xa xưa lắm, chỉ nhớ khi các cụ ra đời đã được các đấng sinh thành tắm gội bằng nguồn nước trong vắt và thanh khiết này. Người làng Thuận An hay kể với khách ghé thăm câu chuyện những ông Tây đến du lịch ốc đảo Tam Hải, sau một hồi ngắm nhìn Bàn Than sóng vỗ đã dừng chân tại giếng làng Thuận An và vô cùng ngạc nhiên, thú vị khi được tận hưởng cái mát lành, dịu ngọt được múc lên từ giếng nước. Sự bí ẩn của tạo hóa và trí tuệ bậc thầy của tiền nhân đã khơi thông được mạch nguồn nước ngọt trong vắt, quanh năm không hề cạn ở giữa ốc đảo bốn bề sóng biển rì rào. Nguồn nước từ hai giếng làng không chỉ đủ phục vụ việc sinh hoạt của người làng Thuận An, mà còn cung cấp cho người dân từ các thôn xóm khác của Tam Hải.

Trên con đường bê tông phẳng lỳ từ đầu làng dẫn vào giếng nước, chúng tôi bắt gặp các mẹ, các chị chở những can nước ngọt đầy ắp trên những chiếc xe đạp với nụ cười rộn rã ngõ quê. Anh Trần Đình Nam cho biết, trước đây người dân các thôn trong xã tới lấy nước tự do, không phải đóng phí. Nhưng riết rồi việc giữ gìn cảnh quan của hai giếng cũng như vệ sinh nguồn nước ngọt bị bỏ ngỏ, khiến một thời gian dài giếng làng Thuận An trở nên nhếch nhác, mất vệ sinh. Mấy năm gần đây, thôn đã đầu tư làm mới đường vào giếng, dọn dẹp xung quanh, tạo không gian thoáng đãng và giao khoán cho một phụ nữ ở gần đó quản lý, thu tiền và có trách nhiệm trích nộp vào quỹ thôn cũng như chăm sóc vệ sinh giếng làng nên việc khai thác nước ngọt đã đi vào nền nếp.

Người dân chở nước lấy từ giếng làng về dùng cho sinh hoạt hàng ngày.
Người dân chở nước lấy từ giếng làng về dùng cho sinh hoạt hàng ngày.

Thuận An như một ốc đảo giữa bốn bề sóng nước. Làng quê yên bình và xinh đẹp này từ nhiều năm nay đã trở thành một trong những điểm đến rất thú vị của những người yêu thích thiên nhiên trời mây, sóng nước. Du khách đến với ốc đảo, ngoài việc được thoải mái ngắm sóng biển vỗ bờ đá cùng với những con tàu vươn khơi bám biển lúc bình minh hay tận hưởng cảm giác êm dịu từ khúc ru của gió vi vu qua những rặng dừa xanh bao bọc xóm làng rồi thả những bước chân vòng vèo trên những lối đi đầy cát trắng… Du khách không khỏi ngạc nhiên và thú vị khi dừng chân ở bất cứ ngôi nhà nào cũng đều được thưởng thức “miễn phí” những câu hát quê mượt mà chân chất mang đậm hương vị biển. Chẳng biết có phải do nguồn nước uống hay không mà Thuận An nói riêng và Tam Hải nói chung có không ít hạt nhân ca hát của phong trào văn nghệ quần chúng Núi Thành và xa hơn nữa là những danh ca được nhiều người mến mộ như hai anh em ca sĩ Ngọc Sơn, Ngọc Hải... Điều lạ là phần lớn người làng Thuận An đều dành cho giai điệu boléro những tình cảm đặc biệt. Boléro với người Thuận An - Tam Hải như cơm ăn nước uống mỗi ngày, như sợi dây kết nối nghĩa tình bầu bạn, hàng xóm láng giềng để dẫu có ai đó đi xa mỗi lần nhớ quê là dằng dặt lòng trong những buổi hoàng hôn trước biển, bên cây ghi ta mà buông lời tự tình với biển, với quê...

Giếng làng trong tâm thức người Việt là một nơi chốn rất yên bình, thân thương, nơi gợi nhắc biết bao kỷ niệm của mỗi người khi nhớ về một quãng đời đã qua, nhất là với những ai xa quê lạc bước chân trời góc bể. Giếng làng Thuận An lại càng có ý nghĩa hơn với người dân ốc đảo này bởi ngoài việc cung cấp nguồn nước ngọt sinh hoạt hàng ngày rất hiếm quý giữa bốn bề biển cả, giếng làng còn giấu trong mình những trầm tích của thời gian, những dấu ấn của tiền nhân một thuở và cả niềm tin thánh thiện vào một mạch nguồn “thiêng” mà trời đất đã dành tặng cho mảnh đất này.

ĐẶNG TRƯƠNG KHÁNH ĐỨC

ĐẶNG TRƯƠNG KHÁNH ĐỨC