Quảng Nam nói gay - Bài cuối: Tính tích cực của nói gay

VŨ ĐỨC SAO BIỂN 22/08/2014 09:25

  • Quảng Nam nói gay - Bài 2: "Võ công" nói gay
  • Quảng Nam nói gay - Bài 1: Quảng Nam là đất nói gay

Nói gay như một cách ứng xử thường tình, mang tính chiến đấu, tính phản ứng. Thế nhưng, có nhiều trường hợp, nói gay là một cách biểu thị lòng thương yêu, nỗi mong nhớ của người Quảng Nam với một người mà họ thương yêu…

Năm 1998, tôi về Tam Kỳ tham gia một đêm ca múa nhạc chào mừng tỉnh Quảng Nam được tái lập. Một nhạc sĩ nổi tiếng ở Quảng Nam bắt tay tôi và “điểm huyệt” ngay:

- Chu, ông Sao Biển mới về đó hử? Răng ông không ở lại trong Nam, viết nhạc dân ca Nam Bộ tán tỉnh các em miền Tây cho khỏe mà lại về cái đất Quảng Nam khỉ ho cò gáy ni làm chi, ông hè?

Tôi biết anh trách tôi chuyện khai thác thành công các giai điệu dân ca Nam Bộ mà chưa viết một bài nào khai thác dân ca Quảng Nam. Anh trách vậy là phải đạo rồi. Cái đó đúng là thiếu sót của mình với bà con quê nhà. Tôi có đi mô đi nữa thì cũng là một người Quảng Nam chánh cống con cò hương chớ? Nhưng cách nói gay của anh làm tôi tự ái. Tôi nói:

- Hễ anh nói gay rứa thì tôi đi à.

Anh còn ráng “đánh” một chiêu nữa:

- Thôi thôi, ông đừng đi. Để chiều, tụi tui làm con bò đãi ông ăn mấy miếng rồi hãy đi cũng chưa muộn!
Mà đúng là hôm ấy UBND tỉnh Quảng Nam đãi anh em văn nghệ sĩ ăn một bữa bò thui thiệt. Thịt bò quá ngon, rau sống quá thơm, ăn một bữa nhớ đời.

Nhớ lại lời nói gay của anh bạn, tôi… nổi nóng, bỏ công nghe lại các làn điệu dân ca, dân nhạc Quảng Nam và khu 5. Và tôi viết hẳn một đĩa “Hoài niệm Trường Giang”, khai thác các làn diệu dân ca ấy, tập cho Vân Khánh hát, Bảo Phúc hòa âm, VAFACO thu thanh và phát hành đầu năm 2003. Chúng tôi coi đĩa nhạc này là món quà tặng quê nhà Quảng Nam.

Một cô gái đi lấy chồng xa, sáu tháng sau mới quay về thăm cha mẹ ruột ở quê nhà. Cô chào cha:

- Thưa cha, con mới về.

Người cha:

- Đứa mô mà kêu tau là cha rứa bay hè?

- Thưa cha, con là con Út đây mà cha!

- Út hả con? Rứa mà tau nhìn không ra con gái của tau chớ. Răng mi không đợi tau chết rồi hãy về cho đỡ tốn tiền tàu xe, con hè?

Còn câu chuyện sau đây thì không khỏi khiến tôi bối rối.

Trong một lần đi Đà Nẵng công tác, tôi tình cờ biết được địa chỉ người thầy cũ của mình thời tiểu học trên 30 năm trước. Tôi đến thăm, thầy vui lắm.

- Ừ, Sao Biển đó hả? Em ngồi đi.

Rồi thầy pha trà, đem trái cây cho tôi ăn, lại kêu các người con ra nhìn mặt “nhạc sĩ mà mấy đứa bay từng ái mộ”. Trong cuộc trò chuyện, thầy nhắc đến từng người học trò đã học với thầy năm 1959, trong đó có anh H. Ngày xưa thầy từng rất thương yêu anh H. Giọng thầy bỗng dưng chìm xuống:

- Cái thằng H. bây chừ hắn ỷ hắn làm lớn, đâu có cần ghé thăm thầy nữa!

Tôi biết thầy đang vừa nhớ vừa giận anh H., phải đỡ cho anh:

- Thưa thầy, có lẽ anh ấy bận rất nhiều công vụ.

- Công cái chi mà vụ, em? Hắn ở sát nhà thầy, đi ba phút là tới. Chẳng qua hắn thấy mình già, không thèm đến thăm mà thôi. Thăm một ông già thì đâu có sướng bằng thăm mấy đứa con gái trẻ trẻ.

Tôi hoảng quá, ngồi im. Sau đó, tôi điện cho anh H.:

- Ông nên ghé thăm thầy đi. Thầy đã trên 80 tuổi rồi. Ông không ghé thăm, để sau này thầy qua đời thì không còn ai mà thăm nữa đó.

Tôi bây giờ đã là một ông già Quảng Nam thứ thiệt. Tôi cố giữ cho lòng mình không giận ai, không ghét bỏ ai trong mọi mối quan hệ, kể cả quan hệ thầy trò. Thời tôi dạy ở Bạc Liêu, anh T.H.V. và anh L.Đ.C. cùng học một cấp lớp, cùng tham gia đi bưng vào khoảng năm 1974. Anh T.H.V. bây giờ là Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang; anh C. là Bí thư Quận ủy một quận ở thành phố.

Anh C. ở gần tôi nhưng trong 39 năm qua, tôi chỉ gặp được anh một lần, trong một hội nghị. Anh T.H.V. ở xa tôi hơn 250 cây số nhưng chúng tôi thường gặp nhau. Xuân Canh Dần 2010, anh V. gọi điện chúc tết tôi với câu chúc xứng đáng được ghi vào… guinness:

- Thầy ơi, em xin chúc thầy sống lâu đúng 100 tuổi. Thầy đừng sống tới 120 tuổi nghe thầy, bởi vì lúc đó tụi em… chết hết rồi! Đám ma thầy mà không có học trò bọn em đi đám, sẽ buồn lắm!

Nghe anh V. chúc Tết ngộ nghĩnh, tôi cũng cao hứng:

- Thầy cám ơn anh. Thầy sẽ sống đến 65 tuổi thôi để các anh chị còn đến đầy đủ viếng đám ma cho vui.

Nhiều khi, tôi nhớ và mong gặp anh C. Rồi tôi tự nhủ: Chắc là anh C. bận bịu nhiều công vụ quá.

Cha tôi dạy tôi đừng nên nói gay với ai. Mỗi người có một hoàn cảnh, một cách sống. Cha nói đôi khi vì hoàn cảnh, vì cách sống ấy, họ có những điều khác ta mà họ không tiện (hoặc không muốn) giãi bày. Vậy thì ta đừng nên nói gay với họ, đừng lấy lòng ta đo lòng họ. Nói gay là một cách đánh người khác bằng ngôn ngữ nói. Gây tổn thương cho người khác làm gì nếu ta không muốn ai gây tổn thương cho ta? “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” - Điều gì ta không muốn thì đừng làm cho người khác - Khổng Tử nói vậy.

Sau này lớn lên, có cơ hội tìm hiểu về văn hóa Quảng Nam, tôi nhận thấy trong cách nói gay của bà con có một cái gì đó rất ngộ nghĩnh và dễ thương. Khi nói gay, người già cũng hóa thành trẻ con. Họ hờn dỗi một cách rất hồn nhiên khiến lòng ta cảm động. Bởi trái tim trẻ con là trái tim đáng yêu nhất, chân thành nhất và hồn nhiên nhất. Và khi bị họ hờn dỗi, nói ra như thế thì ta ắt hẳn phải tự coi lại mình, xem có gì thiếu sót, có gì không đúng. Tôi cho ở chừng mực nào đó, nói gay vẫn mang tính tích cực, bởi ít nhất nó cũng khiến người ta tự nhìn lại mình, tự xét tật mình.

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

VŨ ĐỨC SAO BIỂN