Gắn kết cộng đồng, bảo tồn bản sắc

ALĂNG NGƯỚC 15/08/2014 10:33

Hôm nay 15.8, huyện Bắc Trà My tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II - 2004. Những năm qua, cộng đồng các dân tộc ở Bắc Trà My đã phát huy sức mạnh đoàn kết, khơi dậy nội lực và tiềm năng, phát triển kinh tế gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa.

Điểm nhấn Trà Bui

Ở Bắc Trà My, xã Trà Bui được xem là một trong số ít địa phương còn gìn giữ khá nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Co, Ca Dong. Giữa dòng chảy hiện đại và nỗi lo về sự mai một của văn hóa truyền thống, Trà Bui được tự hào nhắc đến như “điểm nhấn” giúp Bắc Trà My phát huy sức mạnh, gắn kết cộng đồng, bảo tồn bản sắc.

Điều đó đã được chứng minh qua Lễ hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XVIII, năm 2014 vừa tổ chức tại Bắc Trà My. Xuyên suốt các hoạt động biểu diễn nghệ thuật văn hóa truyền thống tại lễ hội, đội cồng chiêng của các nghệ nhân xã Trà Bui trở thành đại diện cho chủ nhà Bắc Trà My phục vụ lễ hội. Nghệ nhân Hồ Văn Dinh - trưởng đội cồng chiêng xã Trà Bui cho biết, với bất kỳ dân tộc nào, cồng chiêng luôn có vai trò quan trọng trong các dịp lễ hội, thể hiện màu sắc văn hóa, âm nhạc truyền thống của đồng bào bản địa. “Bây giờ, nhiều địa phương ít quan tâm đến văn hóa cồng chiêng, âm nhạc truyền thống. Giới trẻ cũng không còn nhiều người biết đánh chiêng, thổi sáo; không còn biết đến các làn điệu k’cheo, múa các điệu truyền thống trong tập tục ăn trâu huê, mừng lúa mới. Mình phải giữ để không bị mai một” - già Dinh chia sẻ. Để giữ văn hóa cồng chiêng cho dân bản, ngoài các buổi tập luyện phục vụ sự kiện, lễ hội, già Dinh còn trực tiếp hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ trẻ người Ca Dong bản địa. Trong đó, lấy đội cồng chiêng do già dẫn dắt làm gương, từng bước “kéo” đồng bào trở lại với văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đội cồng chiêng xã Trà Bui biểu diễn tiết mục múa cồng chiêng truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đội cồng chiêng xã Trà Bui biểu diễn tiết mục múa cồng chiêng truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Có mặt tại Lễ hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi của tỉnh vừa qua, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên và thán phục khi trực tiếp chứng kiến các điệu múa cồng chiêng truyền thống do nghệ nhân xã Trà Bui trình diễn, với 4 điệu múa chính trong lễ hội “ăn trâu huê” và “mừng lúa mới”. Chị Hồ Thị Bình - thành viên đội múa cồng chiêng Trà Bui cho hay, trong điệu múa của người Ca Dong, ngoài các yếu tố về khả năng biểu diễn, các nghệ nhân còn thể hiện tình yêu văn hóa buôn làng thông qua sắc thái biểu cảm với đầy đủ màu sắc vốn có. Là “hạt giống đỏ” trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tại địa phương, đội cồng chiêng xã Trà Bui còn là khách mời của nhiều sự kiện văn hóa quan trọng diễn ra trong và ngoài tỉnh. Mới đây nhất, vào tháng 5.2014, tại lễ hội Điện Trường Bà ở huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), hơn 20 nghệ nhân của xã Trà Bui cũng đã được mời tham gia giao lưu biểu diễn, phục vụ lễ hội.

Bảo tồn bản sắc

“Tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, khơi dậy và phát huy nội lực trong nhân dân, nêu cao tinh thần tự chủ, trách nhiệm, chủ động vươn lên phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo, làm giàu trên cơ sở tổ chức sản xuất,...” là nội dung quan trọng thể hiện trong quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Bắc Trà My lần này. Thông qua đại hội, Bắc Trà My hướng đến một không gian văn hóa đa màu sắc, gắn kết cộng đồng dân cư, từng bước xây dựng hoàn thành Chương trình mục tiêu nông thôn mới.

Qua 5 năm thực hiện quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Bắc Trà My lần thứ I, nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm xây dựng, đem lại nhiều kết quả. Trong các năm 2009 - 2013, sản lượng lương thực tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt hơn 16.600 tấn; giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản bình quân mỗi năm ước đạt 67 tỷ đồng. Năm 2013, Trung tâm Dạy nghề huyện Bắc Trà My được thành lập, đáp ứng việc đào tạo nghề cho thanh niên, lao động địa phương. Đến nay, 12/13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Đến năm 2019, huyện Bắc Trà My phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số còn dưới 40%.

Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho hay, ngoài các nhiệm vụ chính trị, xây dựng bộ máy chính quyền, địa phương còn chú trọng công cuộc đổi mới, đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Trong đó, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Nhiều hoạt động tái hiện không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc được tổ chức, như: lễ hội văn hóa dân tộc Co tại xã Trà Kót; lễ hội “mừng lúa mới”, “ăn trâu huê” của đồng bào các dân tộc Ca Dong, Xê Đăng... “Cùng với việc phát huy bản sắc văn hóa, giữ nét đẹp lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, những năm qua, địa phương luôn chú trọng đến công tác bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua đó, từng bước hướng đến phát triển toàn diện, gắn kết cộng đồng để bảo tồn bản sắc truyền thống” - ông Tuấn nói.

Theo ông Nguyễn Văn Bình - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Bắc Trà My, từ năm 2013, địa phương đã tổ chức các đợt điều tra, sưu tầm văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào Ca Dong với 65 hiện vật được lưu giữ. Bên cạnh đó, Bắc Trà My còn phối hợp với Viện Từ điển học và bách khoa toàn thư tổ chức hội thảo khoa học về tiếng nói và chữ viết của dân tộc Co. Với chủ đề “Phát huy truyền thống đoàn kết, các dân tộc bình đẳng, tương trợ, chung sức xây dựng quê hương Bắc Trà My ngày càng phát triển bền vững”, đại hội lần này tiếp tục hướng đến phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy nội lực và tiềm năng, bảo tồn văn hóa truyền thống, đồng thời tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng bền vững.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC