Trùng tu Dinh Bà từ nguồn xã hội hóa
Dinh bà Thu Bồn ở thôn Trung An, xã Quế Trung (Nông Sơn) đang được trùng tu, tôn tạo nhờ vào nguồn lực xã hội hóa khiến người dân nơi đây mừng vui phấn khởi.
Những ngày này, người dân Trung An vui như hội khi Dinh bà Thu Bồn - di tích cấp tỉnh, được trùng tu, tôn tạo. Cụ Trịnh Tống hớn hở: “Bao nhiêu năm ni người dân chúng tôi ai cũng xót lòng khi thấy Dinh Bà bị chiến tranh tàn phá và thời gian làm cho xuống cấp nghiêm trọng mà lực bất tòng tâm. Nay nhờ vào nguồn đóng góp của các nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm và những người con sinh sống ở khắp mọi miền, Dinh Bà được trùng tu tôn tạo khang trang, người dân chúng tôi vô cùng phấn khởi”. Theo lời cụ Tống, Dinh Bà ở vùng thượng nguồn Thu Bồn có từ thời xa xưa, ngay cả những người già nhất trong làng cũng không biết rõ. Chỉ biết, khi lớn lên, người già trong làng đã thấy Dinh Bà tọa lạc uy nghiêm nơi bốn bề là núi là sông này. Điều lạ là, lối vào dinh có tới 2 cổng, một cổng từ hướng đèo Phường Rạnh (Duy Xuyên) qua, một từ dưới sông lên. Cổng hướng ra sông là cả một tòa tường thành bằng gạch rộng tới mấy mét, cổng còn lại được ôm giữ bởi gốc bồ đề khổng lồ trên trăm tuổi. Cụ Tống kể, ngày xưa triều đình nhà Nguyễn từng sắc phong Bà là “Hiển tướng trung liệt”, tuy nhiên, đến năm Thìn (1964), trận hồng thủy đã cuốn trôi hòm sắc phong. Đến nay, ngoài công trình di tích, dân làng Trung An còn lưu giữ nhiều dấu tích do Bà để lại: ao Bà, ruộng Bà (6 sào), dầu Bà (dầu rái dùng trét ghe) với 2 sở, ước khoảng 5 - 6ha, ngoài ra còn có gành Bà, bãi Bà... Người làng cùng nhau canh tác trên những diện tích đó, sản lượng thu hoạch được dùng tế lễ xuân thu nhị kỳ, giỗ Bà hay việc hệ trọng của làng.
Dinh Bà là nơi thờ cúng, tế lễ thu hút hàng ngàn du khách thập phương trẩy hội mỗi năm.Ảnh: B.LIÊN |
Tương truyền, Bà là vị danh tướng lừng lẫy thời bấy giờ, khu cứ lũy thành của Bà được xây dựng ở vùng đất hiểm trở, 3 mặt là núi với đèo Phường Rạnh, một mặt là sông Thu Bồn. Vì thất trận, Bà đã trầm mình xuống sông Thu Bồn, xác trôi về làng Thu Bồn (xã Duy Tân, Duy Xuyên), được nhân dân đưa vào xây lăng thờ đến tận ngày nay. Riêng, khu cứ lũy thành nơi thượng nguồn Thu Bồn, nhân dân trong vùng lập dinh thờ. Tuy hòm sắc phong được lưu giữ tại Dinh Bà đã bị cơn hồng thủy cuốn trôi, nhưng nhiều người già tại làng Trung An ai cũng thuộc làu 36 chữ vàng vua nhà Nguyễn sắc ban: “Sắc Bô Bô phu nhân tôn thần hộ quốc tý dân hiển hữu công đức tiết mông tu cấp gia tặng mỹ đức thục hạnh mặc phù hiển tướng Dục bố trung hưng Thượng đẳng thần”. Hằng năm, dịp giỗ Bà 12.2 âm lịch, du khách và con cháu thập phương hành hương về rất đông, có năm lên tới hàng ngàn người. Lễ hội Bà Thu Bồn ở Duy Tân, Duy Xuyên, trước khi tế lễ, các vị chức sắc trong ban tế lễ phải ngược dòng Thu Bồn lên khu vực Dinh Bà ở vùng Trung An hành lễ rước nước rồi xuôi dòng về lại lăng Bà. Điều đó cho thấy, Dinh Bà Thu Bồn tại Trung An có vị trí quan trọng trong tín ngưỡng tâm linh đậm chất vùng miền sông nước.
“Ngày trước, Dinh Bà rất lớn, song chiến tranh tàn phá, hạng mục chính của dinh là nền móng, tường và các gian thờ với kiến trúc cổ dù đã trải qua đợt trùng tu năm 1968 nhưng theo thời gian đã bị mục ruỗng, sụt lún, phải xây mới dựa trên hình thái kiến trúc cũ” - cụ Tống cho biết. Còn ông Trần Văn Bốn - Trưởng thôn Trung An nói: “Sau khi trùng tu Dinh Bà, trải mấy chục năm dầm mưa dãi nắng, chẳng ai dám vào thắp hương vì sợ dinh đổ sụp bất cứ lúc nào. “Lo sợ một kiến trúc di tích cấp tỉnh, một công trình văn hóa tín ngưỡng tâm linh bị hư hại, làng vận động nhân dân và mạnh thường quân góp sức trùng tu tôn tạo Dinh Bà với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Riêng hạng mục tường rào, cổng ngõ, Phòng VH-TT huyện và Sở VH-TT&DL đã có đợt khảo sát, lập danh mục đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí trùng tu 300 triệu đồng” - ông Bốn cho biết thêm. Cũng theo ông Bốn, hiện công trình được thi công phần nền móng, trụ, sàn. Bà con vừa đóng góp công sức, vừa thay nhau giám sát đơn vị thi công, quyết tâm làm xong trước mùa mưa năm nay. Dự kiến, công trình hoàn thành đúng ngày giỗ Bà vào đầu năm 2015. Việc trùng tu Dinh Bà làm thỏa lòng dân, bà con nơi đây ai cũng vui mừng, phấn khởi.
Niềm vui tiếp nối niềm vui, khi cây cầu Khe Lầy từ tuyến đường ĐT610 dẫn vào dinh Bà đã được hỗ trợ xây dựng với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng, cũng từ nguồn xã hội hóa. Thêm một tuyến đường bê tông dài gần 1km, rộng 4m chạy dọc sông Thu đã được huyện Duy Xuyên đầu tư, chỉ còn gần 1km nữa là có thể tiếp giáp với khu vực Dinh Bà. Nếu huyện Nông Sơn tiếp tục quan tâm, đầu tư gần 1km đường còn lại, người dân Trung An sẽ không còn phải sống trong cảnh cách trở, mà thay vào đó là sự thông thương, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và người dân từ Mỹ Sơn và các khu vực lân cận có thể đến Dinh Bà hành hương, tế lễ hằng năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Nhược - Trưởng phòng VH-TT huyện Nông Sơn thông tin: “Việc huy động hơn 1 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo di tích Dinh Bà Thu Bồn và nhiều tỷ đồng đầu tư xây dựng các hạng mục liên quan, cho thấy Trung An là địa phương làm tốt khâu xã hội hóa việc giữ gìn, trùng tu, tôn tạo di tích văn hóa và các hoạt động lễ hội; giá trị văn hóa cộng đồng luôn thấm đẫm trong mỗi con người Trung An qua bao thế hệ”.
BÍCH LIÊN