Lễ hội Văn hóa thể thao các dân tộc miền núi Quảng Nam lần thứ 18: Đánh thức di sản đại ngàn

TẤN VỊNH 26/07/2014 09:58

Trong 3 ngày (29 - 31.7.2014), Lễ hội văn hóa thể thao các dân tộc miền núi Quảng Nam lần thứ 18 sẽ được tổ chức tại huyện Bắc Trà My. Lễ hội là dịp để đánh thức và tôn vinh di sản văn hóa của các dân tộc anh em sống ở vùng  Đông Trường Sơn.

Các dân tộc miền núi Quảng Nam như Cơ Tu, Xơ Đăng, Co, Ca Dong, Giẻ Triêng... cư trú trên một địa bàn rộng lớn (gần 80% diện tích tự nhiên toàn tỉnh) còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống, đủ sức làm nên diện mạo văn hóa khác biệt. Tính độc đáo và đa dạng văn hóa được phản ánh khá rõ nét trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào và những tinh hoa đó được chắt lọc, tỏa hương, khoe sắc trong các lần tổ chức lễ hội văn hóa thể thao các dân tộc miền núi của tỉnh.

Hội mừng lúa mới của dân tộc Cơ Tu. Ảnh: T.VỊNH
Hội mừng lúa mới của dân tộc Cơ Tu. Ảnh: T.VỊNH

Trải qua bao biến động của lịch sử, thay đổi về môi trường sống, cách thức sản xuất và đặc biệt là dưới sự tác động của giao lưu văn hóa... nhưng đồng bào vẫn giữ cho quê hương núi rừng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu. Nổi trội nhất trong những di sản ấy là nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, âm nhạc, lễ hội, ẩm thực dân gian, trang phục truyền thống cũng như nhiều tri thức bản địa khác, góp phần làm giàu kho tàng di sản các tộc người đang sinh sống ở miền núi tỉnh Quảng Nam. Những giá trị văn hóa tiêu biểu nhất của các dân tộc sinh sống ở Trường Sơn - Tây Nguyên như kiến trúc nhà làng truyền thống (nhà gươl, nhà rông), tượng gỗ, lễ hội dân gian, văn học dân gian... đều dễ dàng tìm thấy ở các bản làng người Cơ Tu, Giẻ Triêng, Xơ Đăng... Chẳng hạn như cồng chiêng, một loại hình âm nhạc dân gian có sức hấp dẫn nhất của đời sống cộng đồng đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2005 cũng không thiếu vắng trong sinh hoạt lễ hội, diễn xướng của hầu hết dân tộc miền núi Quảng Nam. Không có lễ hội cộng đồng nào của đồng bào miền núi Quảng Nam mà không sử dụng cồng chiêng. Nghệ nhân dân tộc Co với tiết mục “đấu chiêng đôi”, hay cách đánh chiêng bằng dùi vải của người Cơ Tu, dàn chiêng đa âm sắc 9 chiếc của người Xơ Đăng cho thấy họ không thua kém nghệ nhân Tây Nguyên về tài năng diễn tấu.

Nhà làng (gươl) của người Cơ Tu là tâm điểm của sự chú ý khi nói đến việc bảo tồn di sản cổ truyền và phát huy ích dụng to lớn của nó đối với cộng đồng. Mái nhà hình mu rùa giản dị thể hiện những tinh hoa, những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo nhất của tộc người. Dưới mái  gươl ấy vẫn ấp ủ, nuôi dưỡng cái hồn của truyền thống bản địa với tiếng trống nhịp chiêng, lời ca điệu múa, hoạ tiết hoa văn, tranh tượng, kiến trúc... thể hiện tài năng về văn hóa nghệ thuật một cách hùng hồn, sống động nhất của người Cơ Tu. Nếu dân tộc Tây Nguyên tự hào về tượng nhà mồ thì người Cơ Tu cũng đầy kiêu hãnh khi các nghệ nhân thể hiện tài hoa trên tượng gươl, nếu thiếu nữ Tây Nguyên quyến rũ trong điệu múa xoang rộn ràng tiếng chiêng thì các cô gái Cơ Tu lôi cuốn trong vũ điệu tâng tung da dá với âm vang cồng chiêng và nhịp trống ka-thu rộn ràng trong đêm hội dưới mái gươl. gươl còn là mái nhà để cùng nhau nương tựa, sẻ chia, thắm tình yêu thương của mỗi người và của cả cộng đồng. Chính vì thế, nhiều năm nay ngành văn hóa và chính quyền địa phương các huyện đầu tư kinh phí và phát động trong trào xây dựng nhà làng truyền thống. Đến nay, miền núi Quảng Nam đã nhanh chóng xóa được điểm trắng nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhà làng truyền thống là thiết chế văn hóa cơ bản ở các làng dân tộc miền núi mà không có công trình nào có thể thay thế, ưu việt hơn được.

Một di sản đặc sắc mà các nơi đang ra sức gầy dựng, phục hồi, khai thác, phục vụ cho du lịch là lễ hội truyền thống. Với đồng bào miền núi Quảng Nam, các lễ hội cũng không kém phần đặc sắc, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa hết sức quý giá. Có thể kể ra vài lễ hội tiêu biểu như lễ kết nghĩa, lễ cưới, lễ mừng nhà mới, lễ khánh thành nhà gươl, lễ ăn trâu huê, lễ mừng lúa mới... Trong mỗi lễ hội ta thấy hiện rõ sắc màu đặc trưng của mỗi vùng, của mỗi địa bàn cư trú khác nhau. Lễ cưới của người Cơ Tu ở Chà Vàl (Nam Giang) hay lễ kết nghĩa ở Tà Lu (Đông Giang) hoặc lễ mừng gươl ở A Nông (Tây Giang) v.v. cho ta nhận ra những tập tục, lễ nghi, ứng xử hết sức hồn nhiên mang đậm chất nhân văn.

Điều đáng mừng nữa là, những giá trị văn hóa cổ truyền, hồn cốt của mỗi dân tộc như nghề trồng bông dệt vải, trang phục, trang sức truyền thống, nghệ thuật cổ truyền... được bảo lưu khá tốt ở các bản làng miền núi Quảng Nam. Trong bất cứ lễ hội truyền thống nào của người Cơ Tu, dù ở vùng cao Tây Giang hay  Đông Giang, già làng chỉ cần “họp dân” lại để huy động mọi người, từ thanh niên đến phụ nữ, từ cụ già đến em bé đều chỉnh tề trong sắc màu trang phục. Những bộ trang sức đắt tiền như mã não, vòng bạc, vòng đồng, cườm đá quý hay những chuỗi hạt cườm ngũ sắc làm bằng nhựa được các bà, các chị, các cô gái chưng diện, làm sang cho mình và làm đẹp cho lễ hội cộng đồng. Vải thổ cẩm của làng Công Dồn, Đrồồng... đủ sức làm hàng hóa để trao đổi lấy những mặc hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống và làm đẹp cho các bản làng Cơ Tu cũng như phát triển du lịch trong tương lai.

Các môn thể thao truyền thống của đồng bào là tiềm năng quý có thể khai thác phục vụ cho lễ hội văn hóa thể thao miền núi. Môn đấu khiên, múa khiên là loại hình kết hợp giữa múa và đấu võ, thể hiện sự lãng mạn và khí chất anh hùng của các chàng trai. Bước chân và động tác hùng tráng của các chàng trai Cơ Tu trong vũ điệu tâng tung da dá không chỉ là điệu múa với đạo cụ là chiếc khiên, cây kiếm mà còn thể hiện rõ tinh thần thể thao. Thanh niên các dân tộc đều biết bắn ná. Thứ vũ khí cổ sơ ngày xưa dùng để đi săn và bảo vệ bản làng nay đã trở thành môn thi đấu thi tài thiện xạ và từng mang về nhiều huy chương qua các cuộc thi tỉnh và cấp khu vực. Môn đi cà kheo thể hiện sự khéo léo của các vận động viên và trở thành một tiết mục thi đấu hay màn trình diễn sinh động trong lễ hội.

Những di sản văn hóa các dân tộc miền núi Quảng Nam  như những đóa hoa rừng thơm hương đượm sắc trên dãy Trường Sơn.

TẤN VỊNH

TẤN VỊNH