Làm nhà chống giặc Tàu Ô

NGUYỄN THƯỢNG HỶ 19/07/2014 09:13

Đảo Lý Sơn là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi nằm cách đất liền khoảng 25 hải lý, có 3 xã gồm An Hải, An Vĩnh (đảo Lớn) và An Bình (đảo Bé).  Lý Sơn có những ưu thế để phát triển kinh tế - xã hội, kinh doanh du lịch. Trong chương trình phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi, đảo Lý Sơn được xác định là một trong những trung tâm nghề cá lớn của tỉnh, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng, đặc biệt đối với việc bảo vệ chủ quyền quyền lãnh hải  quốc gia. Từ đảo Lý Sơn có thể quan sát và khống chế cả vùng biển của miền Trung, đồng thời còn là chốt tiền tiêu án ngữ một trong những con đường quan trọng vươn ra biển Đông từ cảng Dung Quất và Khu kinh tế mở Chu Lai.

Là vùng đất kế thừa văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm từ những thế kỷ đầu Công nguyên, vết tích văn hóa vật chất của cư dân bản địa để lại qua các dấu tích trong tầng văn hóa lớp trên của di chỉ Xóm Ốc và suối Chình. Vào khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, cư dân Việt đến khai khẩn, lập làng trên đảo.  Họ là những ngư dân vùng An Hải, Sa Kỳ của hai huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh gồm 15 vị tiền hiền của 15 dòng họ lớn di cư ra đảo phân chia khu vực cư trú ở phía đông và phía tây đảo Lý Sơn. Người ta kể rằng, giặc Tàu Ô thường xuyên rình rập ở vùng biển Bắc Quảng Ngãi, hàng năm vào kỳ đông xuân thường đổ bộ lên đảo Bé rồi từ đảo Bé sang đảo Lớn cướp của giết người xong, lại quay vào đảo Bé ẩn núp trong hang đá. Vì vậy người ta mới gọi đó là hang Kẻ Cướp, một địa danh còn lưu lại đến ngày nay. Đó không phải là lời truyền ngôn mơ hồ, vô căn cứ, mà trong nhiều sử sách cũng thấy ghi như vậy. Bộ sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, không bỏ qua những vụ việc cướp biển và biện pháp phòng chống.

Trong bài viết có nhan đề “Hải tặc ở Quảng Ngãi dưới thời Nguyễn” được nhà nghiên cứu văn hóa địa phương, tác giả Cao Chư trích dẫn khá chi tiết nguồn sử của nhà Nguyễn - Đại Nam thực lục chính biên về giặc Tàu Ô  hoạt động ở đảo Lý Sơn:

- Năm 1843, thuyền giặc có đến 20 chiếc đến đóng ở cửa Đại Chiêm (Quảng Nam), bị đánh đuổi, thuyền giặc qua cửa biển Sa Kỳ cướp lấy binh khí, đốt cháy các nhà dân ở Lý Sơn, bị hải quân triều đình đánh đắm 2 chiếc.

Bản vẽ và kiến trúc nhà lá mái ở đảo Lý Sơn.  Ảnh: N.T.HỶ
Bản vẽ và kiến trúc nhà lá mái ở đảo Lý Sơn. Ảnh: N.T.HỶ

- Năm 1867, thuyền giặc gồm 22 chiếc vào cửa Sa Kỳ lên trên cạn (hơn 300 tên), quan tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với quân viện ở tỉnh Man cùng đánh…

Làm nhà chống giặc đốt

Trong những năm 2009 - 2012, tôi đã đến đảo Lý Sơn nhiều lần để tìm hiểu kiến trúc cổ truyền là nhà ở dân gian trên đảo. Khi phỏng vấn các vị cao niên ở trong làng về kiến trúc xưa có lớp đất đắp ở bên trên mà người địa phương gọi là nhà đắp thì hầu như các cụ đều bảo rằng là để chống giặc Tàu Ô đốt cháy. So sánh với những lần đi tìm hiểu loại kiến trúc này ở đất liền ở Quảng Nam là vùng trung du Tiên Phước hay các ngôi nhà ở Bình Định chúng tôi nhận thấy kỹ thuật làm nhà với hai lớp mái này khá giống nhau. Chỉ có tên gọi khác nhau như nhà mái xông, bỏ đất, nhà lá mái. Những kiến trúc này được chủ nhân ngày trước ưa chuộng vì mục đích chính vẫn là chống cháy. Kiểu nhà này ở vùng  đồi núi thì sợ nhất vẫn là sét đánh, loại thiên tai gây nên bất ngờ là chính. Tuy nhiên, tại đảo Lý Sơn, việc sét đánh gây nên hỏa hoạn từ những ngôi nhà lợp tranh chắc không xảy ra. Qua khảo sát hệ thống nhà cổ trên đảo Lý Sơn, chúng tôi thống kê được khoảng 19 ngôi nhà rường làm bằng gỗ lớn, chắc chắn, còn giữ nguyên kết cấu kiến trúc cũ cùng các chi tiết chạm khắc.

Kỹ thuật  làm nhà chống cháy ở đảo Lý Sơn

1. Mái: Ở thời điểm cách đây khoảng 50 năm, rất khó khăn để có ngói lợp nhà vì xa trung tâm sản xuất ngói, giao thông cách trở (vùng hải đảo), vật liệu dễ vỡ, đắt đỏ. Vì vậy, qua sự trải nghiệm của người đi trước cộng với tri thức bản địa đã giúp cho những con người ở vùng này sử dụng tối đa các vật liệu sẵn có tại địa phương trong phương cách dựng nhà.

- Phần mái đất (trần)

Tre từ đất liền chở về bằng thuyền, chẻ nhỏ đan thành từng tấm rồi ngâm nước biển. Thời gian ngâm kéo dài 3 tháng là tốt nhất. Các tấm tre này được lắp vào trần nhà, được đỡ bằng những đà gỗ hoặc tre (giữ nguyên thân) cũng được ngâm nước biển, kế tiếp là một lớp đất bazan ở chung quanh miệng núi lửa có độ dẻo được nhào trộn với cỏ đế đắp lên trên các tấm tre này. Lớp hỗn hợp đất - cỏ này được đắp lên, nén chặt bằng chày, búa gỗ cho đến khi đạt được độ dày khoảng 8 - 10cm. Đa số những ngôi nhà lá mái ở đảo Lý Sơn có trần bằng những tấm ván gỗ dày 3cm ghép lại thay cho tre ngâm.

- Phần mái tranh bên trên

Hiện nay, hầu như không còn nhà lá mái nào ở huyện đảo Lý Sơn còn giữ phần mái tranh, đa số được lợp bằng ngói mới, tấm  lợp fibrô xi măng. Qua tìm hiểu từ những chủ nhân lớn tuổi, ngày trước các mái nhà đều lợp tranh. Nguồn vật liệu này chủ yếu lấy từ đất liền, một phần nhỏ khai thác tại chỗ. Để đỡ lớp mái tranh dày 15 - 20cm, người dân xứ đảo làm bộ khung tre đỡ mái có đầy đủ rui, mè, đòn tay, kèo. Tuy nhiên, bộ khung này được nâng lên cách mái đất 60 - 110cm (vị trí nóc) bằng nhiều đoạn gỗ, tre ngắn chống trực tiếp trên mái đất; vững vàng hơn là các đầu cột bên dưới được tính toán độ cao đủ vượt qua khỏi lớp đất và liên kết với các thanh dầm, kèo tre bên trên. Ở các vị trí này đều có đắp ụ đất để tránh xô lệch..

2. Vách nhà

Là loại nhà rường, hầu như toàn bộ khung nhà, mái đất, mái tranh đều chịu lực trên các cột gỗ kê trên đá tán. Vậy nên, phần thân/vách nhà nếu là kết cấu bằng đất cũng không hề gì. Có thành phần kết cấu như nhà vách đất thông dụng ở đất liền. Gồm thân cây săng đặt đứng theo chiều cao thân nhà gọi là cây mầm, tre cũng được ngâm bùn chẻ nhỏ đặt ngang theo chiều dài nhà gọi là cây trĩ. Cây săng và tre được liên kết với nhau bằng dây đay (loại dây dùng để đan lưới đánh cá) tạo ô có kích thước 10 x 10cm. Tuy nhiên, có nhà thêm phần bao đặc sản. Thay vì dùng những nguyên liệu phải lấy từ đất liền quá khó khăn, người dân huyện đảo khai thác nguồn nguyên vật liệu tại chỗ như: đá san hô, đá từ núi lửa; chất liên kết: vôi và nhựa cây bời lời, dây tơ hồng. Các kết cấu chung có nguyên liệu là mộc, thảo dễ cháy nhưng là nhờ lớp đất cách ly nên khi mái lá trên cháy thì mái đất bên dưới sẽ cách ly ngọn lửa. Các ngư dân lại khôn khéo cất giữ của cải ở bên dưới sàn gỗ (rầm hạ) trong nhà. Nếu giặc Tàu Ô không cướp được gì, tức giận đốt nhà thì nhà và của cải vẫn còn để sinh sống.

Nhà đắp ở Lý Sơn, loại kiến trúc độc đáo có nguồn nguyên liệu tại chỗ với công năng chống cháy khi bị hỏa hoạn, nhất là khi giặc Tàu Ô từ biển ập vào đốt phá. Đồng thời loại nhà này vừa vững chắc (chống bão nhờ lớp đất nặng ở trần mái), chống nóng hữu hiệu, vừa là tác phẩm mỹ thuật với đặc trưng của nhà rường miền Trung. Hơn lúc nào hết, bây giờ cần gìn giữ bảo tồn loại nhà có tên địa phương là nhà đắp - tên thông dụng là  nhà lá mái - một kiến trúc sinh thái, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, ít tiêu tốn năng lượng (nhiệt năng, điện năng) và nhất là đánh dấu về giai đoạn lịch sử kiến trúc của ngư dân biển đảo chống ngoại xâm song hành với đội hùng binh ngày trước giữ biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Việc bảo tồn hệ thống nhà ở cổ truyền rất độc đáo của làng nông chài không những phục vụ cho việc tìm hiểu một dạng văn hóa vật chất truyền thống của người Việt trong lịch sử chống ngoại xâm mà còn là một sản phẩm văn hóa cần được giới thiệu rộng rãi cho du khách trong, ngoài nước tham quan tham quan và tìm hiểu.

 NGUYỄN THƯỢNG HỶ

NGUYỄN THƯỢNG HỶ