Góc "Hoài cổ"
Nằm đối diện với sân ga Đà Nẵng, quán cà phê “Hoài Cổ như một khoảng lặng giữa những xô bồ phố thị.
Quán được trang trí bằng vô số điện thoại di động, bình đông, đèn pin, bàn ủi, đồng hồ, máy ảnh… từ những thập niên trước. Ở phía góc nhà là chiếc ti vi trắng đen 14inch đang được mở với dòng chữ và địa chỉ quán. Vách tường cũng bày biện hàng chục vật dụng xưa cũ như máy đánh chữ, bàn máy may, mũ cối, đèn dầu, thậm chí cả gùi của đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Nam và ảnh về Đà Nẵng xưa… đều được bắt gặp nơi đây. Tuy nhiên, ấn tượng nhất vẫn là những chiếc xe cổ có tuổi đời từ 30 đến trên 70 năm như Ural, Vogue, Mobylette, Solex… được chủ quán sưu tầm từ khắp nơi mang về với lời đảm bảo, 50 năm vẫn còn chạy tốt.
Quán “Hoài cổ” trở thành nơi gặp gỡ của những người yêu thích đồ cổ và trải nghiệm các giá trị văn hóa đã qua. |
Ông Nguyễn Mạnh Cường (55 tuổi) - chủ quán cà phê “Hoài cổ” cho biết, ông đến với thú chơi này như một định mệnh. Những năm còn công tác trong ngành đường sắt, ông có dịp đi khắp nơi, tại mỗi nơi ông đều có thói quen sưu tầm các vật dụng sinh hoạt đời thường mà người dân bỏ đi. Bạn bè, đồng nghiệp thấy vậy cũng nhiệt tình ủng hộ nhiều đồ vật của gia đình đã không còn dùng. Theo thời gian số lượng hiện vật cứ nhiều dần, đến khi ông Cường thôi công tác trong ngành đường sắt, con số đã lên hàng nghìn đơn vị. “Tôi mới chỉ trưng bày một ít thôi vì quán nhỏ không có chỗ”- ông Cường tiết lộ. Từ những bức tường đến khung cửa, cầu thang, thậm chí bàn thu ngân, bàn khách ngồi uống cà phê cũng được tận dụng trưng bày bằng những bàn máy may cũ. Tất cả hoàn toàn ngẫu hứng không theo một chủ đề, mô típ nào cả, đôi khi gợi cho người xem cảm giác lộn xộn, nhưng với ông đó mới chính là thú chơi đồ cổ, cũng giống như thích là mua, dù đắt cũng mua, không tính toán lợi hại. “Thú chơi này không chỉ kỳ công mà cũng tốn kém lắm”- ông Cường tâm sự. Trong “kho” đồ cổ của ông, hiện vật đắt nhất là những chiếc xe cổ, hầu như chiếc nào cũng vài chục triệu đồng, riêng chiếc xe 3 bánh (xe ba càng) hiệu Ural ông phải bỏ ra gần 90 triệu đồng mới sở hữu được. Ông rất thích, và đây cũng chính là phương tiện du hí của ông cùng nhóm bạn trong câu lạc bộ mô tô Đà Nẵng trong những chuyến rong ruổi du ngoạn về các huyện vùng tây Quảng Nam.
Gần hai năm trở lại đây, quán cà phê “Hoài cổ” không chỉ trở thành địa chỉ quen thuộc của những người yêu thích đồ cổ mà còn là điểm đến thú vị của du khách khi đến Đà Nẵng hay chờ tàu mỗi khi đi xa. Còn với những ai muốn có những trải nghiệm về một thời đã qua, ghé “Hoài cổ” nhâm nhi ly cà phê giữa không gian của những hồi ức, cảm nhận thời gian như ngưng đọng.
KHÁNH LINH