Giữ văn hóa - giữ nếp làng

ALĂNG NGƯỚC 02/07/2014 08:46

Văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ biến dạng, làm xô lệch đời sống văn hóa ở một bộ phận đồng bào vùng cao, nhưng không thể phủ nhận những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong công tác giữ gìn bản sắc văn hóa miền núi. Đó là những điểm nhấn mang nhiều thông điệp về nhận thức với chính chủ thể của văn hóa vùng miền, thông qua một vài điển hình thôn bản, nghệ nhân góp công sức từng bước bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Già làng TơNgôl Yên: “Có giữ được văn hóa của dân tộc mình mới giữ được nếp làng, và văn hóa làng là thước đo về nhận thức của đồng bào”.
Già làng TơNgôl Yên: “Có giữ được văn hóa của dân tộc mình mới giữ được nếp làng, và văn hóa làng là thước đo về nhận thức của đồng bào”.

Làng văn hóa du lịch Bhơ Hôồng 1 (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) không còn lạ gì với nhiều du khách trong và ngoài nước. Dù không phải là làng kiểu mẫu của đồng bào Cơ Tu, nhưng Bhơ Hôồng 1 được biết đến với màu sắc văn hóa truyền thống còn khá nguyên vẹn. Từ cấu trúc gươl làng, nghệ thuật điêu khắc cho đến không gian moong (nhà sinh hoạt truyền thống) được dựng, tạo thành vòng tròn khép kín theo nguyên mẫu làng Cơ Tu cổ. Người làng Bhơ Hôồng bây giờ “lấy văn hóa để làm du lịch”, phục vụ du khách gắn với công tác bảo tồn trước nguy cơ biến dạng của xu thế hiện đại hóa trong nhận thức của nhiều người vùng cao. Hay như làng Atu (xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang), nét truyền thống vẫn in đậm trong từng góc làng. Cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng không gian văn hóa làng, ẩm thực truyền thống,… vẫn còn khá nguyên vẹn. Nói như già làng Atu - ông TơNgôl Yên thì “có giữ được văn hóa của dân tộc mình mới giữ được nếp làng, và văn hóa làng là thước đo về nhận thức của đồng bào”.

Với đồng bào Cơ Tu, những cái tên làng như Tà Vàng (xã A Tiêng), A Noonh (xã A Nông), Arầng I (xã A Xan, huyện Tây Giang); Đhrôồng (xã Tà Lu), Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang); Za Ra (xã Ta Bhing, huyện Nam Giang)… trở thành biểu tượng về công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào bản địa.

Trăn trở trước những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dần bị mai một, ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang trong những năm gần đây đã xuất hiện những nhân tố mới, tự mình “níu giữ” văn hóa của đồng bào bản địa. Từ đó, hình thành nên những không gian văn hóa riêng theo từng gia đình, trở thành điểm tham quan lý thú, giúp quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào đến với du khách. Đó là những già làng Y Kông (xã Ba), Bhơriu Nga (xã A Ting, huyện Đông Giang); Clâu Blao (xã Tr’Hy), Alăng Avel (xã Bha Lêê, huyện Tây Giang)… Sự nỗ lực của các nghệ nhân, già làng trong công tác bảo tồn văn hóa bản địa khiến nhiều người ngưỡng mộ và nhận được những tình cảm trân trọng.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC