Tín hiệu vui ở "vùng đất ba sông"

THIÊN ÂN 28/06/2014 09:39

Những năm gần đây, TP.Tam Kỳ chú trọng khai thác tiềm năng thế mạnh về du lịch và bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Bãi biển Hạ Thanh được nhiều người biết đến...

Ngoài hai di tích lịch sử cấp quốc gia là Văn Thánh Khổng Miếu và địa đạo Kỳ Anh, TP.Tam Kỳ còn có nhiều di tích cấp tỉnh như mộ cụ Trần Thuyết, đình Mỹ Thạch, đình Phương Hòa, đình Vĩnh Bình... TP.Tam Kỳ cũng là nơi có các làng nghề truyền thống như làng chiếu cói Thạch Tân, làng nghề đóng sửa tàu thuyền Tam Phú, làng nghề chế biến nước mắm Tam Thanh v.v. Đặc biệt, “thủ phủ tỉnh lỵ Quảng Nam” có bãi biển Hạ Thanh - nơi người dân thành phố tìm về để “trốn” cái nóng bức của những ngày hè, nơi tập dưỡng sinh, rèn luyện sức khỏe của người già và các bạn trẻ... Cũng cần kể thêm, “vùng đất ba sông” với ba dòng sông Tam Kỳ, Trường Giang và Bàn Thạch là một lợi thế để khai thác du lịch sinh thái, ngắm nhìn cảnh quê yên bình. Nếu như Hội An sớm hình thành và phát triển ngành du lịch, tạo điều kiện cho ngành dịch vụ “ăn nên làm ra” thì cho đến nay TP.Tam Kỳ vẫn còn loay hoay tìm cách khai thác tiềm năng thế mạnh này.

Bãi biển Hạ Thanh (Tam Thanh) sẽ là điểm đến thu hút khách du lịch trong tương lai.Ảnh: T.ÂN
Bãi biển Hạ Thanh (Tam Thanh) sẽ là điểm đến thu hút khách du lịch trong tương lai.Ảnh: T.ÂN

Sự chậm trễ cũng có cái hay của “thủ phủ tỉnh lỵ Quảng Nam” là vẫn còn nguyên sự mới mẻ, thu hút được du khách bởi sự tò mò khám phá những vùng đất mới. Di tích lịch sử địa đạo Kỳ Anh đã từng bước được đầu tư kinh phí trùng tu tôn tạo. “Thứ nhất Củ Chi, thứ nhì Vịnh Mốc, thứ ba Kỳ Anh” - lời truyền miệng đã khẳng định địa đạo Kỳ Anh có quy mô tầm cỡ, đồng thời cũng nêu bật tinh thần ngoan cường bám trụ trong lòng đất để đánh giặc giữ làng của quân và dân Kỳ Anh trong những năm chống Mỹ, cứu nước. Di tích lịch sử Văn Thánh Khổng Miếu được trùng tu, tôn tạo và nâng cấp. Và nhiều công trình cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch như công trình đường Thanh niên ven biển. Đặc biệt, đường xuống bãi biển Hạ Thanh, ngoài đường Thanh Hóa, còn có đường ĐT616 được xây dựng mới hai cây cầu Kỳ Phú 1 và Kỳ Phú 2. Ngành văn hóa TP.Tam Kỳ cũng đã “bắt tay” thống kê, sưu tầm văn hóa phi vật thể như lễ hội cầu ngư hát Bả Trạo, hô hát bài chòi Tam Thăng, sưu tầm hiện vật, hình ảnh tư liệu về địa đạo Kỳ Anh. Những năm gần đây Tuần lễ du lịch biển Tam Thanh được tổ chức hằng năm nhằm quảng bá du lịch biển với kết quả bước đầu rất khả quan, bằng chứng là du khách gần xa đã về với biển Tam Thanh ngày thêm đông.

Công trình kiến trúc độc đáo và mang tầm vóc quốc gia là Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu mẹ Nguyễn Thị Thứ được giới chuyên gia du lịch đánh giá rất cao về khả năng thu hút khách tham quan trong tương lai. Tượng đài sẽ là điểm nhấn quan trọng trong việc liên kết các điểm du lịch, tạo ra bước ngoặt cho ngành du lịch Tam Kỳ. Khu vực bãi tắm Hạ Thanh được khảo sát và đầu tư một số hạng mục như quầy kinh doanh dịch vụ ăn uống, xây dựng mới 4 phòng tắm nước ngọt, 2 sân bóng chuyền, 1 sân bóng đá, mua sắm mới 20 dù lá, 40 ghế nằm, đồng thời lắp đặt nhiều dây phao, cờ cứu hộ, phao cứu hộ, lập chòi canh di động và cử nhân viên trực 24/24 giờ… Nhờ thế, người dân đi tắm biển yên tâm hơn, số lượng người đến với bãi biển Hạ Thanh hè này đã tăng gấp 3 lần so với mùa hè năm 2013. Anh Nguyễn Thành Giang ở phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) cho biết: “Từ khi bãi tắm Hạ Thanh được giăng phao, cắm cờ báo hiệu khu vực an toàn và không an toàn khiến mọi người cảm thấy yên tâm hơn. Đặc biệt, quanh dây phao giới hạn khu vực không an toàn luôn có người chèo thuyền thúng canh chừng để ứng cứu kịp thời những trường hợp đuối nước có thể xảy ra là việc làm thiết thực”.

Nỗ lực của TP.Tam Kỳ trong việc đầu tư khai thác tiềm năng về du lịch bước đầu đã mang lại nguồn sinh khí mới cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều mà TP.Tam Kỳ phải làm nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Đó là nhiều di tích chưa có bãi đậu xe, chưa có nhà vệ sinh; năng lực và cách ứng xử của các nhân viên hướng dẫn du khách tham quan còn hạn chế. Chưa gắn kết du lịch với quyền lợi cộng đồng, với các làng nghề truyền thống, chưa phát huy được yếu tố văn hóa, lịch sử tại các điểm di tích, thông tin để quảng bá các sản phẩm du lịch còn hạn chế, chưa xây dựng được các điểm vui chơi giải trí, lễ hội, chưa xây dựng được sản phẩm đặc trưng, ẩm thực chưa phong phú… Và điều quan trọng hơn là chưa gắn kết các di tích để hình thành một tour du lịch hoàn chỉnh. Để giải quyết bài toán này, mới đây, UBND TP.Tam Kỳ đã phối hợp với Sở VH-TT&DL thực hiện chuyến khảo sát thực địa và bàn giải pháp phát triển tour du lịch phía Nam Quảng Nam. Ông Nguyễn Văn Lúa - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết: “UBND thành phố sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư hợp tác kinh doanh, khai thác tiềm năng du lịch tại địa phương. Ngoài ra, thành phố cũng có phương hướng cụ thể để từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch”.

Ngành du lịch ở TP.Tam Kỳ đã có những tín hiệu vui. Hy vọng trong tương lai không xa, thành phố ở “vùng đất ba sông” sẽ là điểm đến của du khách gần xa khi về với xứ Quảng...

THIÊN ÂN

THIÊN ÂN