Tục "ăn thuốc" của người Ca Dong

NGUYỄN VĂN BÌNH 28/06/2014 09:11

Người Ca Dong “ăn thuốc” (ká crâu) để tạo sự tỉnh táo, sảng khoái tinh thần. Xung quanh tục này còn có nhiều bí ẩn rất thú vị, thuốc ăn còn là “thần dược” để trị vết thương, cầm máu khi bị vắt rừng cắn, “ăn thuốc” bảo vệ răng, giữ ấm cơ thể khi giá rét…

Thiếu nữ Ca Dong ra suối bắt ốc đá, lấy vỏ làm vôi trộn với thuốc để ăn.
Thiếu nữ Ca Dong ra suối bắt ốc đá, lấy vỏ làm vôi trộn với thuốc để ăn.

Các vị già làng, cao niên người Ca Dong không nhớ rõ tục “ăn thuốc” của dân tộc mình có từ bao giờ. Họ chỉ biết tục này rất hữu ích với đời sống, sinh hoạt nơi rừng núi và duy trì cho đến ngày nay. Họ giữ giống cây thuốc lá, trồng và lấy lá sử dụng như tặng vật rừng núi ban cho. Già là Hồ Văn Dinh ở nóc Ông Đoàn, thôn 7, xã Trà Bui (huyện Bắc Trà My) cho hay: “Từ thời ông cha, đến đời già và con cháu bây giờ ai cũng “ăn thuốc”, trừ trẻ nhỏ và một số thanh niên không thích răng đen”. Theo già Dinh, “ăn thuốc” có hai cách. Một là dùng thuốc lá đã phơi hoặc sấy  khô, ép thành bánh, xắt nhỏ, ngâm với nước vôi (làm từ vỏ ốc đá ở suối) để chà lên răng và ngậm. Cách thứ hai là dùng thuốc bột từ thuốc lá khô tán mịn, trộn đều với vôi bột (cũng làm từ vỏ ốc đá) theo tỷ lệ “ba thuốc một vôi”, đổ vào lòng bàn tay rồi hít vào miệng hoặc chà xát lên răng rồi hít mạnh. “Ăn thuốc” giúp người sử dụng sảng khoái, tỉnh táo tinh thần từ hơi ấm, vị cay nồng của thuốc.

Người Ca Dong khi gặp nhau dù ở nhà hay trên rẫy cũng đều móc trong túi lấy bình thuốc bột ra mời “ká crâu” để thể hiện sự thân mật. Nói là “ăn thuốc” nhưng thực ra, họ chỉ cho thuốc bột vào miệng ngậm chứ không nuốt vào bụng. Khi ngậm vào, bột sẽ ngấm đều với nước bọt, người ăn thuốc lấy lưỡi hoặc ngón tay bôi cho bột phủ kín hai hàm nướu. Bột sẽ nóng lên cho cảm giác lâng lâng trong đầu. Ngậm khoảng 5 phút thì bột thuốc hết tác dụng và được phun ra.

Theo cụ bà Hồ Thị Doan ở tại thôn 2 xã Trà Bui, phụ nữ người Ca Dong ai cũng biết “ăn thuốc” và đó là chuyện bình thường, không giống như chuyện phụ nữ hút thuốc ở dưới xuôi. “Ăn thuốc” có nhiều cái lợi, thuốc ăn còn diệt được sâu răng, làm cho răng có màu đen bóng, chắc khỏe. Cụ Doan cho hay, nhiều cụ già người Ca Dong như ông Hồ Văn Dinh, bà Hồ Thị Xí, ông Nguyễn Văn Út… thường xuyên “ăn thuốc”, năm nay họ đã 70, 80 tuổi rồi nhưng hàm răng vẫn còn đầy đặn, rắn chắc, không bị rụng răng như người ít hoặc không “ăn thuốc”. Ăn và ngậm thuốc giúp cơ thể giữ ấm được rất lâu. “Ở miền núi, vào mùa đông, ban đêm trời lạnh thấu xương, nhiệt độ xuống thấp, già và những người dân nơi đây đều ăn, ngậm giữ thuốc trong miệng thâu đêm mới ngủ được” - cụ Doan thổ lộ. Anh Hồ Thanh Cường (con trai cụ Doan) cho biết thêm: “Lớp trẻ Ca Dong hiện nay vẫn có rất nhiều người “ăn thuốc”. Chỉ tôi và một số ít nam nữ thanh niên trong làng không thích răng bị đen nên chưa ăn. Qua lứa tuổi thanh niên tôi sẽ ăn để giữ cho răng rắn chắc và giữ ấm cơ thể khi vào mùa đông hoặc mỗi khi lặn sông suối đánh bắt cá”. Điều lạ là, dù chưa “ăn thuốc” nhưng anh Cường vẫn mang theo ống đựng thuốc ăn theo bên mình mỗi khi vào rừng làm rẫy, săn thú. Anh giải thích, thuốc ăn có công dụng cầm máu rất nhanh và vô trùng nên mang theo phòng khi cần sử dụng lúc bị thương do lao động hoặc bị thú rừng tấn công”. Mới hay, khi bị thương, người Ca Dong dùng thuốc ăn bôi, xát hoặc đổ vào vết thương để cầm máu, nhanh kéo da non làm lành vết thương và không bị nhiễm trùng. Đặc biệt, khi bị vắt rừng cắn, máu từ vết cắn đổ ra rất nhiều, khó cầm và vết thương bị ngứa dài ngày, nếu dùng thuốc ăn bôi, đổ vào vết thương sẽ cầm máu nhanh chóng, vết thương sẽ khô, không bị ngứa. Người bị vắt rừng cắn, chỉ cần dùng thuốc bột hoặc thuốc ngâm xát, chấm thuốc vào miệng chúng tại vết cắn, vắt sẽ nhả ra ngay. Với tác dụng tuyệt vời này, người Ca Dong xem thuốc ăn như “thần dược” trị thương và luôn mang theo bên mình khi lao động sản xuất và sinh hoạt. Cụ Doan còn cho biết thêm, thuốc ăn còn là sản vật không thể thiếu của người Ca Dong để cúng thần linh trong các lễ hội như cúng rẫy, cúng mừng lúa mới, ăn trâu huê…

Thanh niên Ca Dong vẫn có nhiều người “ăn thuốc”.
Thanh niên Ca Dong vẫn có nhiều người “ăn thuốc”.

Theo bác sĩ Phạm Thanh Bình - Giám đốc Bệnh viện huyện Bắc Trà My, ăn thuốc của người Ca Dong là tục bản địa, có tác dụng tương tự hút thuốc. Những công dụng dân gian của việc “ăn thuốc” được lưu truyền từ nhiều đời nay và đúng với hiệu quả thực tế. “Chưa có nghiên cứu khoa học chính thức về tác hại của việc “ăn thuốc” đối với người Ca Dong cũng như công dụng dân gian của thuốc ăn mà họ lưu truyền. Nhưng chắc chắn là xung quanh những người ăn thuốc sẽ không bị ảnh hưởng, tác động gián tiếp như việc hút thuốc lá” - ông Bình nói.

NGUYỄN VĂN BÌNH

NGUYỄN VĂN BÌNH