Nhân Ngày Gia đình Việt Nam, 28.6: Lửa ấm
Các nhà khoa học bảo rằng, việc tìm ra lửa là một phát minh lớn của nhân loại. Nhờ có lửa, thủy tổ của loài người đã từ giã “chiếc nôi” vùng Trung Phi ấm áp tiến dần lên phía Bắc lạnh giá hơn rồi tỏa đi khắp các châu lục. Để rồi ngày nay, lửa ấm reo vui trong bếp là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình...
Những bếp lửa được các nhà khảo cổ tìm thấy trong các hang động đã kể lại một cách sống động về quá trình con người đi qua thời mông muội. Lửa mang lại ánh sáng cho người tiền sử, giúp họ chống lại thú dữ, giá rét. Dần dần họ rời các hang động, tiến ra định cư ở những vùng đất bằng phẳng, rồi biết làm nhà để ở, biết dùng lửa khai hoang đất đai để gieo trồng. Ph. Ăng-ghen cho rằng, chính nhờ biết dùng lửa để nấu chín thức ăn nên con người tiến hóa rất nhanh về mặt sinh học. Lửa giúp con người tạo ra phổ thức ăn rộng hơn; chất lượng thức ăn được nâng lên. Không còn phải dùng xương quai hàm và bộ răng chắc khỏe để xé, nhai thịt sống nên gương mặt người nguyên thủy dần dần đẹp hơn, bộ não cũng dần hoàn thiện, dĩ nhiên trong vấn đề này còn có vai trò của lao động và ngôn ngữ. Việc tìm ra lửa có ý nghĩa to lớn như vậy đối với xã hội loài người nên lửa đã được con người thần thánh hóa. Hầu hết bộ tộc thời nguyên thủy đều thờ thần lửa mà tục thờ thần Mặt Trời là một biến thể. Thần thoại Hy Lạp cũng đã xây dựng hình tượng Prômêtê đánh cắp lửa chuyển xuống trần gian cho con người, dù phải chấp nhận hình phạt ghê rợn của thần Dớt. Hàng ngày, Prômêtê phải chịu cảnh đại bàng đến moi gan ăn, tối buồng gan ấy lại tái sinh.
Ảnh: minh họa. |
Sự sùng bái đối với lửa đi vào tìm thức của con người và để lại vô số tập tục, kiêng cữ cả trong đời sống xã hội ngày nay. Một ngôi nhà xây xong vẫn chưa thể ở được nếu gia chủ chưa làm lễ “nhóm bếp”. Ông Táo là vị thần bổn mạng duy nhất được cúng một lễ riêng vào ngày 23 tháng chạp hàng năm. Những ông Táo bằng đất sét hay bằng kiềng sắt khi không còn dùng được nữa, chủ nhà cẩn trọng mang ra đặt dưới gốc cây to, không bao giờ bị vứt tùy tiện. Sáng mồng Một Tết người ta kiêng cho lửa và xin lửa. Bếp được xem là biểu tượng của quyền lợi và nghĩa vụ. Trong gia đình, ai đã ra ở riêng, tức có một bếp thì bình đẳng về nghĩa vụ, quyền lợi trong sinh hoạt của họ mạc, xóm làng. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, bếp lửa trong nhà là thứ không bao giờ được để tắt. Nó cứ bền bỉ cháy theo ngày tháng. Hơi nóng và khói bếp quyện vào mái lá làm cho ngôi nhà bền hơn giữa nắng núi mưa ngàn. Những đêm lạnh trẻ già ngủ chụm chân vào bếp để lấy hơi ấm. Mỗi khi phải chuyển làng đến nơi ở mới, cùng với việc cúng máng nước, già làng cũng đánh lửa lên rồi chia đều cho các bếp. Ở những khu tái định cư thủy điện, bên cạnh những ngôi nhà bê tông kiên cố do chủ đầu tư xây dựng, nhiều hộ vẫn dựng ngôi nhà sàn nhỏ, ở đó bếp lửa ngày đêm vẫn âm ỉ cháy. Thiếu ngôi nhà sàn cùng với bếp lửa ám đầy muội khói là sự “đứt gãy văn hóa” mà người vùng cao, chí ít là lớp người già không thể thích ứng được.
Bếp lửa cũng thước đo độ êm ấm, hạnh phúc của mỗi gia đình. Chẳng thế mà tục ngữ Việt Nam có câu: “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp”. Bếp lửa reo vui, bữa cơm nóng sốt dù chỉ là “râu tôm nấu với ruột bầu” vẫn làm nồng nàn hạnh phúc lứa đôi. Bếp lửa nguội lạnh, bừa bộn vì thiếu bàn tay chăm chút của phụ nữ là dấu hiệu không thể chối cãi của cuộc sống tạm bợ, bất ổn. Một vị tiến sĩ ở Phân viện nghiên cứu văn hóa miền Trung có lần nói với tôi rằng, trong nhà có hai thứ lửa không được để tắt; đó là lửa trên bàn thờ gia tiên và lửa dưới bếp cũng là hàm ý này. Tục ngữ cũng có câu: “Nhà giàu ăn ngày ba bữa, con nhà khó cũng đỏ lửa ngày ba lần”, dù nghèo khó đến mấy, có khi buổi sáng chỉ đun nồi nước chè uống khan thì nhóm bếp lửa đỏ vẫn mang lại chút hy vọng để người nghèo phấn đấu vượt qua cơn bĩ cực. Trong những đêm đông giá rét, áo chăn chẳng đủ ấm, bếp lửa là nơi cả nhà xúm xít để chia sẻ hơi ấm. Mừng được mùa, bếp lửa hân hoan với bữa cúng cơm mới.
Đấy cũng là tứ của bài thơ Bếp lửa, tác phẩm đã đưa nhà thơ Bằng Việt nhanh chóng thành danh. Bài thơ diễn tả cảm xúc của một người cháu từ nhỏ đã quen ở với bà, khi cha mẹ còn đang bận việc nước ở nơi xa. Bếp lửa đã cùng bà cháu đi qua những tháng năm gian khó, đói kém, giặc giã: “Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm/ Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Nhóm niềm thương yêu khoai sắn ngọt bùi/ Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui/ Nhóm dậy cả tâm tình trẻ nhỏ/ Ôi kỳ lạ và thiêng liêng, bếp lửa”. Bếp lửa cũng là biểu tượng của niềm tin, sức sống của những bà mẹ Việt Nam bền bỉ nuôi con cháu mình nối tiếp nhau giữ nước: “Rồi sớm, rồi chiều lại bếp lửa bà nhen/ Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn/ Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng/ Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa”. Từ ngôi nhà ở chốn quê nghèo, chàng trai đã trưởng thành bước vào cuộc đời rộng lớn “có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả” nhưng chẳng bao giờ quên bếp lửa nhỏ của người bà đã nuôi anh lớn khôn.
Khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, cuộc sống ngày thêm tiện nghi. Bếp lửa nhóm bằng ông đầu rau, kiềng sắt… giờ đã ít dần ở các vùng nông thôn... Bếp ga đã có mặt từ thành thị đến chốn quê, tiện lợi, sạch sẽ, chẳng nhọ nhem than bụi. Con người ngày càng chế tạo ra những vật dụng, máy móc tinh vi nhưng thăng trầm, họa phúc của mỗi kiếp người thì không ai đoán định được. Cuộc sống cũng ngày thêm bận rộn, người đời quay cuồng với tiền tài, địa vị. Ở nhiều nơi, nhất là ở các đô thị chẳng mấy khi cả gia đình cùng được quây quần bên mâm cơm. Thế nên khi mỗi ngôi nhà bếp lửa vẫn reo vui, những người thân yêu cùng vào bếp nấu cho nhau một bữa cơm thì họ vẫn còn một góc bình yên để đi về. Ngẫm lại càng thấy nhà thơ Bằng Việt viết câu thơ tưởng chừng đơn giản nhưng đầy minh triết: “Ôi, kỳ lạ và thiêng liêng - bếp lửa”.
DUY HIỂN