Bảo tồn ngôn ngữ của đồng bào thiểu số: Còn nhiều bất cập

BÍCH LIÊN 21/06/2014 10:45

Khoảng 10 năm trở lại đây, đã có một số công trình nghiên cứu hướng tới bảo tồn ngôn ngữ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Song từ nghiên cứu tới bảo tồn là khoảng cách khá xa và hiệu quả tới đâu vẫn là câu chuyện còn để ngỏ.

Cấp thiết

Nguy cơ mai một bản sắc văn hóa, đặc biệt là ngôn ngữ trong thế hệ trẻ đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Nam là một thách thức lớn trong công tác bảo tồn văn hóa. Tình trạng con em đồng bào người Cơ Tu, Ca Dong hay Co… tại một số nơi nói không sành tiếng mẹ đẻ hay có xu hướng thạo tiếng Việt hơn tiếng mẹ đẻ, không biết được chữ viết của dân tộc mình đã và đang hiển hiện. PGS-TS. Tạ Văn Thông (Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam) trong công trình “Nghiên cứu hoàn chỉnh bộ chữ dân tộc Co, biên soạn sách dạy và học tiếng Co” mới đây khẳng định, hiện đồng bào người Co ở Bắc Trà My, hầu như không còn nhớ chính xác hệ thống chữ viết Co đã có vào thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, số người còn nhớ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, nguy cơ mất chữ viết trong tộc người Cơ Tu cũng đáng báo động. Đồng bào Cơ Tu còn rất ít người viết được chữ Cơ Tu những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Bà Lê Thị Thủy (Ban Dân tộc HĐND tỉnh) chia sẻ: “Bản thân tôi sinh ra trong gia đình gốc Cơ Tu, lại làm công tác dân tộc, tôi rất trăn trở khi nhiều người không còn biết được chữ viết của dân tộc mình. Không biết chữ đã đành, nhiều bạn trẻ lại không sành tiếng mẹ đẻ, có biểu hiện sử dụng ngôn ngữ lai căng, biến dạng, làm mất sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ”.

Lớp học tiếng Cơ tu cho cán bộ miền núi. ảnh: M.T.Dũng
Lớp học tiếng Cơ tu cho cán bộ miền núi. ảnh: M.T.Dũng

Trong vòng 10 năm qua (2005 - 2014), Quảng Nam đã có một số công trình nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ đồng bào thiểu số. Chẳng hạn như công trình hoàn thiện bộ chữ và biên soạn sách ngôn ngữ Cơ Tu (Viện Ngôn ngữ học), công trình nghiên cứu về ngôn ngữ Ca Dong hay mới đây nhất là công trình nghiên cứu về ngôn ngữ Co của Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam. Thành quả đem lại từ những sản phẩm khoa học là bộ sách Tiếng Cơ Tu, Ngữ pháp Cơ Tu, Từ điển Việt - Cơ Tu, Cơ Tu - Việt do Sở KH-CN Quảng Nam phối hợp với Viện Ngôn ngữ học đã được xuất bản. Các công trình nghiên cứu về tiếng Ca Dong, tiếng Co đã được nghiệm thu cấp tỉnh… Đặc biệt, một số công trình nghiên cứu ngôn ngữ xuất phát từ các địa phương và có hiệu quả ứng dụng rõ nét. Đáng chú ý là công trình nghiên cứu, biên soạn và xuất bản sách về tiếng Bh’nong (5 cuốn: Tiếng Bh’nong, Chữ viết tiếng Bh’nong, Ngữ pháp tiếng Bh’nong, Từ điển Việt - Bh’nong, Sách học tiếng Bh’nong) của tác giả Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn. Hay công trình biên soạn bộ chữ và sách Cơ Tu (Tiếng C’tu, Từ điển Việt - C’tu) của ông Bríu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang… Từ thực tế đó, chương trình phát thanh - truyền hình bằng tiếng Cơ Tu đã chính thức lên sóng phát thanh - truyền hình Quảng Nam; trong khi đó, tiếng Bh’nong cũng đã lên sóng phát thanh huyện Phước Sơn từ năm 2005…

Thiếu thống nhất

Thực tế, việc bảo tồn ngôn ngữ là bài toán khó đối với Quảng Nam. Tình trạng mỗi nơi làm mỗi kiểu dẫn đến sự thiếu thống nhất trong khâu biên soạn tài liệu, giảng dạy dẫn tới gây khó trong tiếp thu. Điển hình, với ngôn ngữ Co, Quảng Nam làm một kiểu, Quảng Ngãi làm một hướng. Nếu mục đích nghiên cứu, bảo tồn ngôn ngữ mà thiếu sự hợp tác, mỗi nơi làm mỗi kiểu thì hậu quả sẽ khó lường. Chưa kể, nhiều công trình nghiên cứu lại quá hàn lâm, khi đem áp dụng vào thực tiễn khó đem lại hiệu quả như mong đợi. Ví như, bộ sách về ngôn ngữ Cơ Tu do Sở KH-CN phối hợp với Viện Ngôn ngữ học xuất bản vẫn chưa được áp dụng giảng dạy tại miền núi vì nhiều bất cập. Theo ông Pa Lăng Bưng - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang, tài liệu này vẫn chưa được các huyện miền núi, trong đó có Tây Giang áp dụng. Nguyên do là ngôn ngữ Cơ Tu gồm có 3 vùng: vùng cao (các xã vùng cao của Tây Giang), vùng trung (khu vực xã Lăng, A Tiêng, A Vương - Tây Giang) và vùng thấp (các xã thuộc Đông Giang, Nam Giang...) với nhiều sự khác biệt nhất định về ngôn ngữ. Ví như động từ “đi”  thì vùng trung gọi là: “Lướt”; vùng thấp: “Vội”, còn vùng  cao là “Loot”… Trong khi đó, cuốn sách lại không thống nhất được ngôn ngữ, viết quá hàn lâm, khiến người Cơ Tu vùng nào cũng khó tiếp nhận. Cũng theo ông Bưng, phụ âm “c” được thay bằng “k”; thay vì viết “Cơ tu”, sách lại viết “Kơ tu”; chữ “Q” được thay cho thanh sắc và nặng gây lẫn lộn giữa hai thanh; trong khi đó thanh ngang và trọng âm không có ký tự thể hiện riêng biệt. Từ “Pơraq” có nghĩa là “tiếng”, “pơraq Kơ Tu” (tiếng Cơ tu), lại dùng chữ “q” thay cho thanh sắc, khiến dễ hiểu nhầm là thanh nặng, và nếu “q” là dấu sắc thì không ai hiểu nó có nghĩa là gì?

Người Cơ Tu và cán bộ công tác tại Tây Giang, cũng như một số huyện có người Cơ Tu sinh sống đều học chữ Cơ Tu từ sách của ông Bríu Liếc. Nhiều năm đứng trên bục giảng, ông Bríu Liếc quan niệm: “Viết sách cũng như giảng bài, phải viết làm sao để người dân tộc dễ đọc dễ hiểu. Người viết sách cần chú ý đối tượng tiếp cận của cuốn sách là ai, trình độ văn hóa của họ như thế nào…”. Hơn ai hết, là người Cơ Tu, ông Bríu Liếc hiểu rõ điều đó. Cuốn từ điển của ông cùng tập tài liệu “Học chữ Cơ Tu” được ông thiết kế như một bài giảng, dễ đọc dễ hiểu, được sử dụng làm tài liệu giảng dạy chính cho các lớp học tiếng Cơ Tu không chỉ Tây Giang mà còn ở Nam Giang, Đông Giang. Ông còn xuất bản đĩa hội thoại Cơ Tu - Kinh để việc giảng dạy thêm hiệu quả. Không thể phủ nhận giá trị khoa học và thực tiễn từ những công trình liên quan đến bảo tồn ngôn ngữ đồng bào thiểu số, song trên thực tế, câu chuyện bảo tồn ngôn ngữ của ông Bríu Liếc, ông Nguyễn Văn Thanh… rất đáng để học tập. Bởi việc bảo tồn ngôn ngữ không chỉ dừng lại trên lý thuyết mà cần phải đi sâu, đi sát thực tế…

BÍCH LIÊN

BÍCH LIÊN