Nâng tầm du lịch di sản Mỹ Sơn
Trong khi tốc độ phát triển du lịch Hội An tăng vượt bậc hàng năm thì cách đó không xa khu đền tháp Mỹ Sơn vẫn phát triển theo cách thức thụ hưởng.
Nâng tầm du lịch di sản Mỹ Sơn không chỉ giúp phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế vốn có mà còn góp phần tạo ra bản sắc riêng cho khu di sản và các vùng lân cận hướng đến phát triển cân đối du lịch giữa 2 vùng đông, tây của tỉnh
Vướng cơ chế
Không thể phủ nhận gần 15 năm kể từ ngày được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới (năm 1999) du lịch Mỹ Sơn đã có những phát triển tích cực với số lượng khách tăng liên tục từ 27 nghìn lượt khách (1999) lên gần 230 nghìn lượt (2013). Riêng 5 tháng đầu năm 2014 gần 120 nghìn lượt khách đã đến Mỹ Sơn, doanh thu trên 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với di sản văn hóa thế giới Hội An (hơn 917 nghìn lượt) số khách trên vẫn còn khá khiêm tốn. Dù mọi so sánh chỉ mang tính tương đối khi mỗi di sản có những lợi thế và đặc thù nhưng việc du khách không quay lại Mỹ Sơn trong những năm gần đây là thực tế đáng suy ngẫm. Ngoài những lý do như hạ tầng giao thông yếu kém; sản phẩm du lịch, dịch vụ nghèo nàn… theo lãnh đạo Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, nguyên nhân chính vẫn là cơ chế quản lý khi mô hình quản lý Mỹ Sơn đã trở nên lạc hậu không phù hợp với hiện tại. Chính điều này dẫn đến những vướng mắc, ì ạch khi triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, bảo tồn nơi đây. Cải tiến mô hình quản lý Mỹ Sơn trở thành yếu tố tiên quyết và phù hợp với khuyến cáo của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Rõ nhất, trong báo cáo tổng kết dự án Bảo tồn di sản thế giới Mỹ Sơn giai đoạn 2003 – 2013, đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã khuyến nghị nên chuyển giao Ban Quản lý Mỹ Sơn sang sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh hoặc Sở VH-TT&DL nhằm nâng cao khả năng ra quyết định và trao quyền cho Ban Quản lý Mỹ Sơn trong các vấn đề liên quan đến công tác đầu tư và phát huy giá trị di sản.
Du lịch Di sản Mỹ Sơn sẽ không khởi sắc nếu không có thay đổi về mô hình quản lý. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Mới đây nhất, tại hội thảo “Quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam” do Bộ VH-TT&DL tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 5 vừa qua, vấn đề quản lý di sản văn hóa thế giới, trong đó có Mỹ Sơn cũng đã được các đại biểu phân tích thảo luận. Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về phân công, phân cấp quản lý di sản thuộc tỉnh hay Sở VH-TT&DL… nhưng việc huyện/thành phố thuộc tỉnh quản lý di sản được xem là không phù hợp, nhiều bất cập và chưa tương xứng với tầm vóc với một di sản thế giới. “Bộ đã đề nghị Mỹ Sơn khẩn trương xây dựng kế hoạch quản lý di sản theo lộ trình và kế hoạch thực hiện hàng năm đến năm 2016 phải hoàn thành theo công ước về quản lý, bảo tồn và phát huy di sản do UNESCO quy định”, ông Nguyễn Công Khiết – Phó ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, người trực tiếp tham dự hội thảo cho biết.
Thay đổi mô hình quản lý
Theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, để nâng tầm giá trị di sản, vấn đề mấu chốt là phải cải tổ lại mô hình quản lý hiện tại. “Mỹ Sơn thuộc sự quản lý của huyện là do điều kiện lịch sử trước đây để lại, nhưng bây giờ cần phải thay đổi theo hướng trao quyền cho ban đầy đủ và tương xứng”. Vị lãnh đạo này cho rằng, khi mô hình quản lý thay đổi mới có thể tính đến những vấn đề khác nếu không tất cả cũng sẽ dậm chân tại chỗ như 15 năm qua.
Múa Chăm phục vụ khách du lịch ở Mỹ Sơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Thực tế, những năm qua phát triển sản phẩm du lịch tại khu di sản Mỹ Sơn vẫn không có nhiều nét mới, các ý tưởng về việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù như “Đêm Mỹ Sơn huyền ảo”; phát triển lưu trú hay kết nối với các tuyến điểm lân cận gồm hồ Thạch Bàn, sân bay Đức Dục, leo núi Hòn Đền… cũng không thực hiện được hoặc sớm bị phá sản. Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ như homestay bên ngoài di sản; xây dựng nhà hàng, nhà biểu diễn; mở lối tham quan; vận chuyển khách bằng xe điện... tuy đã hoặc đang triển khai nhưng hiệu quả dường như vẫn chưa như ý. Đặc biệt, năm 2013 đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn” với việc chia Mỹ Sơn và khu vực vùng đệm thành 17 khu chức năng cùng kỳ vọng nâng cao chất lượng dịch vụ điểm đến nhưng xem ra với những vướng mắc hiện tại sẽ là thách thức không nhỏ để biến ý tưởng thành hiện thực. “Khi nào Ban Quản lý Mỹ Sơn trực thuộc UBND tỉnh mới có thể nói đến chuyện thay đổi, phát triển, còn nếu vẫn như hiện nay thì chỉ có sự chồng chéo và trì trệ thôi”, vị đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Mỹ Sơn nói. Điều này được minh chứng rõ nét trong việc triển khai các hạng mục trong đề án quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn dù đã được Thủ tướng phê duyệt nhiều năm nhưng đến nay vẫn dậm chân do vướng mắc từ nhiều phía và cấp ngành liên quan.
Du lịch di sản luôn là một lợi thế lớn đối với không ít địa phương, Quảng Nam tự hào có hai di sản văn hóa thế giới nhưng dường như kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Việc nâng tầm du lịch di sản Mỹ Sơn không chỉ giúp khu di sản phát triển bền vững dựa trên những lợi thế mà còn góp phần tạo ra một sản phẩm du lịch đặc thù, hướng đến sự phát triển bền vững, tạo động lực cho việc phát huy bảo tồn khu đền tháp ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, để làm được điều này không hề dễ dàng nếu như không có một cơ chế và sự phối hợp hiệu quả, khi đó mục tiêu xây dựng thương hiệu du lịch di sản Quảng Nam với điểm đến hấp dẫn mà Mỹ Sơn là một đại diện mới mong trở thành hiện thực.
THÂN VĨNH LỘC