Tìm lại câu hát ru xưa

THÂN VĨNH LỘC 04/06/2014 09:49

Những làn điệu dân ca mộc mạc, những câu hát ru mượt mà như đưa hồn người trở về với ký ức xa xăm… Tất cả đều hiện diện trong Liên hoan hát ru - hát dân ca tại 20 xã, thị trấn của huyện Điện Bàn.

Liên hoan hát ru - hát dân ca ở các xã, thị trấn của huyện Điện Bàn nhận được sự tham gia hưởng ứng của các mẹ, các chị.  Ảnh: VĨNH LỘC
Liên hoan hát ru - hát dân ca ở các xã, thị trấn của huyện Điện Bàn nhận được sự tham gia hưởng ứng của các mẹ, các chị. Ảnh: VĨNH LỘC

Vừa ru cháu vừa tập hát dân ca

Nhà văn hóa thôn Cẩm Tú 2 (xã Điện Phong) chật kín khán giả dù cái nắng của buổi chiều vẫn còn gay gắt. Hôm nay, xã Điện Phong tổ chức Liên hoan hát ru - hát dân ca, một hoạt động văn hóa văn nghệ đặc biệt của địa phương. Gần 40 “nghệ sĩ” đến từ 8 thôn trên địa bàn xã là những bà những cô chưa một lần lên sân khấu nên ai cũng bồn chồn, hồi hộp. Tranh thủ lúc trang điểm bà Huỳnh Thị Hoa (thôn Tân Thành) nhẩm lại bài hát ru chuẩn bị trình diễn. Được tham gia liên hoan là niềm vui lớn, nên tuy tuổi không còn trẻ nhưng bà Hoa vẫn nhiệt tình vì phong trào chung. “Vui lắm! Mấy hôm nay ba chị em trong đội cứ rảnh rỗi lại tập trung lại luyện tập. Tôi cũng tranh thủ vừa dỗ cháu vừa tập hát ru để cháu mau ngủ mà mình cũng thuộc bài” - bà Hoa vui vẻ chia sẻ. Cũng như bà Hoa, hầu hết phụ nữ đến với liên hoan đều có chung cảm nhận đây là một sân chơi bổ ích, không chỉ giúp các mẹ, các chị có dịp phô diễn chất giọng mượt mà qua những câu hát ru, mà còn giúp họ hiểu hơn về các làn điệu dân ca truyền thống xứ Quảng. Bà Trần Thị Lợi (Chi hội Phụ nữ thôn Hòa An) cho biết, những bài dự thi liên hoan đều do các thành viên trong đội tự biên tự soạn, nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Riêng tiết mục hát ru là những bài hát đã ăn sâu vào máu thịt phụ nữ ở các làng quê từ thuở lọt lòng đến khi làm mẹ, làm bà. “Lớp trẻ bây giờ được mấy đứa biết hát ru, không phải tụi nó không muốn mà không có ai chỉ dạy” - bà Lợi tâm sự.

Theo bà Nguyễn Thị Nam Hải - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Điện Bàn, đây là một hoạt động nằm trong chương trình kế hoạch của Hội LHPN tỉnh nhằm khơi dậy, cổ vũ phong trào hát ru và hát dân ca trong các tầng lớp phụ nữ (nhất là phụ nữ trẻ tuổi) của tỉnh. Đến nay, các xã, thị trấn của huyện Điện Bàn đều đăng ký tham gia đầy đủ, tuy số lượng diễn viên tùy nơi có thể nhiều ít khác nhau nhưng tất cả đều thể hiện sự nghiêm túc, nhiệt tình khi tham gia liên hoan. Tại nhiều địa phương, liên hoan đã thật sự là ngày hội văn hóa của người dân, họ đến không chỉ để cổ vũ mà còn tích cực ủng hộ đóng góp tinh thần, vật chất, tạo động lực để phong trào phát triển. “Mấy chương trình ý nghĩa như thế này bà con chúng tôi luôn ủng hộ, coi như là cơ hội để chị em phụ nữ có dịp được động viên nhau” - Bà Dương Thị Hồng, người dân thôn Tân Bình 3, xã Điện Trung thổ lộ.

Dư âm lan tỏa

Dù không có nhiều tiết mục hát ru tham gia liên hoan ở các địa phương, nhưng có thể nói, đây sẽ là bước khởi đầu cho niềm hy vọng khơi dậy trong lớp trẻ tình yêu các làn điệu hát ru. Theo bà Hải, thế hệ bây giờ, hát tân nhạc thì không thiếu nhưng hát dân ca hay hát ru thì khó tìm được người. Cũng từ thực tế này, liên hoan chỉ yêu cầu sử dụng chất liệu nghệ thuật hát ru và hát dân ca tùy theo đặc trưng mỗi vùng, ngoài hát ru các địa phương có thể trình bày những thể loại khác như bài chòi, tuồng, chèo, cải lương, vọng cổ… Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Điện Bàn cho nói: “Hát ru, hát dân ca Quảng Nam không hề đơn giản, phải hiểu tiết tấu và niêm luật mới trình diễn được. Tuy vậy, sự hưởng ứng tham gia của đông đảo diễn viên quần chúng thời gian qua cũng là một thành công cho liên hoan lần này”.

Xét về tổng thể, liên hoan hát ru Điện Bàn 2014 đã để lại nhiều ấn tượng, không chỉ đến từ các tiết mục văn nghệ của những diễn viên nghiệp dư mà còn thể hiện qua sự ủng hộ nhiệt tình từ phía khán giả. Tại nhiều nơi, không khó bắt gặp cảnh chồng, con, cháu đi xem cổ vũ cho vợ, mẹ, bà của mình. Mỗi tiết mục trình diễn của các mẹ, các chị luôn đón nhận sự cổ vũ của các “fan” trong thôn và sự ủng hộ cuồng nhiệt của người thân trong gia đình. Nhiều chị kể vui rằng, mỗi khi thấy vợ tập không ít ông chồng lại “so bì”: “Sao ở nhà thì càu nhàu, gắt gỏng mà lên sân khấu lại hát, ru mượt mà vậy”. Trong đêm liên hoan tại xã Điện Trung, hình ảnh nhiều ông chồng tập trung phía dưới dõi theo từng tiết mục biểu diễn của vợ như tiếp thêm niềm cảm hứng cho các “diễn viên” thể hiện hết mình trên sân khấu.

Liên hoan hát ru và hát dân ca các xã, thị trấn của Điện Bàn đã khép lại, nhưng dư âm như vẫn còn lan tỏa các làng quê, thôn xóm. Ở mỗi địa phương, liên hoan đã khơi dậy, cổ vũ phong trào hát ru - hát dân ca trong hội viên phụ nữ, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ “bị quên lãng” trong nhịp sống hiện đại.

THÂN VĨNH LỘC

THÂN VĨNH LỘC