Đồng Dương vẫn chờ

THÂN VĨNH LỘC 03/06/2014 13:06

Ngày 17.8.2011, tại Thăng Bình, UBND tỉnh tổ chức hội thảo “Giải pháp bảo tồn di tích Chăm Phật viện Đồng Dương” (xã Bình Định Bắc, Thăng Bình), đã có nhiều giải pháp và “hứa hẹn” được đưa ra với kỳ vọng làm sống dậy di tích. Tuy nhiên, gần 3 năm qua mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ do không có nguồn kinh phí.

  • Lập hồ sơ khoa học di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương
  • Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trần Xuân Vinh thị sát di tích Phật viện Đồng Dương
  • Bàn thêm về quy mô Phật viện Đồng Dương
  • Di tích Đồng Dương: Cần một chiến dịch truyền thông
  • Đồng Dương và những phát hiện mới (bài 2): Nhận diện quy mô phế tích
  • Đồng Dương và những phát hiện mới (bài 1): Vén thêm tấm màn bí ẩn
  • Bảo tồn Phật viện Đồng Dương
Di tích Phật viện Đồng Dương đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: VĨNH LỘC
Di tích Phật viện Đồng Dương đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: VĨNH LỘC

Nửa đầu tháng 5 vừa qua, tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam, vấn đề bảo tồn di tích Đồng Dương đã được đề cập trở lại khi Sở VH-TT&DL và UBND huyện Thăng Bình cùng kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến với Chính phủ và UBND tỉnh kịp thời bổ sung kinh phí để tu bổ di tích Đồng Dương. Trước mắt, triển khai một số hạng mục như khoanh vùng bảo vệ, khai quật khảo cổ, trưng bày hiện vật… Theo ông Lê Phước Hoài Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, dù Phật viện Đồng Dương đã bị sụp đổ gần như hoàn toàn nhưng giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật là rất lớn. Đây là công trình Phật giáo quan trọng và đặc sắc không chỉ của Việt Nam mà của khu vực Đông Nam Á thời trung đại. Việc bảo tồn, trùng tu di tích càng cấp thiết hơn khi một phần của Tháp Sáng duy nhất còn lại vẫn đang xuống cấp từng ngày.

Giá trị độc đáo

Theo nội dung ghi trên tấm bia tìm thấy tại Đồng Dương, năm 875 vua Indravarman II đã cho xây một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều là Laskmindra Lôkesvara Svabhyada. Văn bia cũng cho biết tên của kinh đô là Indrapura. Theo một số nhà nghiên cứu, địa điểm xây dựng kinh đô Indrapura là khu vực làng Đồng Dương ngày nay và đây cũng là một trong 2 kinh đô của vương quốc Chămpa tại Quảng Nam trong lịch sử. Còn theo mô tả của nhà khảo cổ người Pháp - Henri Parmentier vào năm 1902, toàn bộ khu vực di tích Đồng Dương kéo dài xuyên suốt hơn 1.330m theo hướng từ tây sang đông. Riêng khu vực chánh điện thờ Phật là một vành đai hình chữ nhật dài 326m và rộng 155m với hệ thống tường thành bao bọc kiên cố chung quanh. Từ chánh điện mở ra một con đường rộng dài hơn 763m hướng thẳng về phía đông để dẫn vào một thung lũng hình chữ nhật có diện tích 1.080m2. Đây được xem là cụm kiến trúc còn bảo lưu được phần đền thờ chính khá nguyên vẹn với các tượng bằng đá và bằng đồng cùng nhiều hiện vật điêu khắc giá trị, độc đáo khác để tạo nên phong cách Đồng Dương nổi tiếng trong nghệ thuật Chămpa. Năm 2000, Phật viện Đồng Dương được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Được biết, từ tháng 10.2013, dự án Bảo tồn cấp thiết di tích Phật viện Đồng Dương đã được Sở VH-TT&DL lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán theo nội dung thẩm định tại Công văn số 3625/BVHTTDL-DSVH ngày 16.10.2012 của Bộ VH-TT&DL. Dự án đã được Sở Xây dựng thẩm tra nhưng đến nay vẫn chưa được Sở Kế hoạch và đầu tư phê duyệt do chưa xác định nguồn vốn đầu tư. Sở VH-TT&DL cũng đã có tờ trình gửi Bộ VH-TT&DL đề nghị thỏa thuận nguồn kinh phí bảo tồn cấp thiết Phật viện Đồng Dương nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi đáp. Tháng 1.2014, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi Bộ VH-TT&DL về việc quan tâm đầu tư dự án bảo tồn Phật viện Đồng Dương. Sau đó, nhận được hồi đáp của bộ lý giải rằng, nguồn vốn hỗ trợ chương trình mục tiêu về văn hóa dành cho Quảng Nam đang tập trung đầu tư các dự án bảo tồn di tích lớn như Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, Khu di tích Trung Trung Bộ, Nước Oa… Bộ đề nghị tỉnh Quảng Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ để triển khai dự án.

Ông Lê Phước Hoài Bảo cho rằng, trong khi chờ văn bản trả lời từ trung ương để triển khai những dự án lớn như quy hoạch, khảo cổ, trùng tu… UBND tỉnh nên bố trí hỗ trợ nguồn kinh phí ban đầu cho địa phương thực hiện những hoạt động như phát lộ hệ thống tường bao xung quanh khu di tích; làm sạch môi trường trong và vùng cận kề di tích; xây dựng hàng rào bảo vệ trong khu vực 1; giải phóng vật, kiến trúc không thuộc di tích (mộ, cây cối do dân trồng…); xây nhà trưng bày nhằm bảo quản, xử lý hiện vật thu lượm được trong quá trình triển khai dự án…

Cùng với việc triển khai các giải pháp về nguồn vốn, việc lập hồ sơ trình UBND tỉnh đề nghị Bộ VH-TT&DL thỏa thuận hồ sơ khoa học xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương cũng đã được Sở VH-TT&DL triển khai từ tháng 3.2014. Theo ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL với vị trí và giá trị của di tích, Phật viện Đồng Dương xứng đáng là một di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, việc được công nhận di tích quốc gia đặc biệt cũng sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn để Đồng Dương tranh thủ các nguồn vốn, nhất là nguồn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ. Điều này rất quan trọng, nếu biết rằng những năm qua, nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu văn hóa của Bộ VH-TT&DL dành cho Quảng Nam rất hạn chế (khoảng dưới 10 tỷ đồng/năm) dựa trên các dự án tu bổ cấp thiết được tỉnh đề xuất. Riêng năm 2014, nguồn vốn này giảm xuống chỉ còn khoảng 4 tỷ đồng, trong đó, không ghi nguồn bố trí cho di tích Phật viện Đồng Dương.

Bảo tồn Phật viện Đồng Dương không chỉ nhằm lưu giữ những giá trị về kiến trúc, mỹ thuật, tâm linh của một trung tâm Phật giáo trong lịch sử mà còn giúp nơi đây trở thành một điểm đến du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, giữa kỳ vọng và thực tế vẫn còn là khoảng cách đầy khó khăn nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ của của các cấp ngành từ trung ương đến tỉnh để Đồng Dương thật sự hồi sinh, phát huy được những giá trị tiềm năng vốn có.

THÂN VĨNH LỘC

THÂN VĨNH LỘC