Mở hướng bảo tồn tiếng Co
Đề tài khoa học “Nghiên cứu hoàn chỉnh bộ chữ dân tộc Co, biên soạn sách dạy và học tiếng Co”, do PGS-TS. Tạ Văn Thông (Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam” làm chủ nhiệm đã mở ra hướng bảo tồn và phát triển ngôn ngữ Co ở nhiều vùng thuộc tỉnh Quảng Nam.
Việc bảo tồn ngôn ngữ, bản sắc truyền thống của dân tộc Co là vấn đề cấp thiết hiện nay. Ảnh: TẤN VỊNH |
Nguy cơ mai một
Qua 4 năm (2010 - 2014), nhóm nghiên cứu thuộc Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam đã chọn tiếng Co của bộ phận dân tộc Co vùng Bắc Trà My, Quảng Nam để nghiên cứu, dựa trên cơ sở tham khảo tiếng Co ở một số vùng khác thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum. PGS-TS. Tạ Văn Thông, chủ nhiệm công trình cho biết, dân tộc Co tại Việt Nam đã cư trú lâu đời ở vùng Quảng Nam (11%), Quảng Ngãi (83%) và phân bố một phần nhỏ ở Kon Tum. Tại Quảng Nam, vùng Bắc Trà My có tỷ lệ người Co nhiều nhất với khoảng 4.500 người, phân bố tại 11 (trong số 13) xã, thị trấn và chiếm 11% tổng dân số của huyện, đứng thứ hai sau người Ca Dong. Cũng theo PGS-TS. Tạ Văn Thông, người Co cũng như một số dân tộc thiểu số khác ở miền núi đang đứng trước nguy cơ mai một, pha trộn về bản sắc văn hóa, kể cả tiếng nói, chữ viết. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nguy cơ biến mất ngôn ngữ mẹ đẻ của người Co là rất lớn, bởi ngôn ngữ của dân tộc này chỉ được sử dụng ở lời nói nên chưa có vai trò đáng kể trong đời sống xã hội.
Đồng bào người Co hiện không ai biết chính xác hệ thống chữ viết của dân tộc mình. Cách ghi tiếng Co trong đồng bào là tự phát, mỗi người một kiểu. Trạng thái sử dụng đồng thời hai ngôn ngữ Việt và Co diễn ra phổ biến, số người Co biết tiếng mẹ đẻ sâu sắc, biết chữ và viết được văn bản bằng tiếng Co rất hiếm gặp. PGS-TS. Tạ Văn Thông nhấn mạnh, không chỉ nguy cơ mất chữ viết, tiếng Co cũng có xu hướng bị lãng quên. Lớp trẻ đồng bào Co hiện nay, nhiều người thành thạo tiếng Việt hơn là tiếng mẹ đẻ, thậm chí có một số không nói được tiếng mẹ đẻ. Nếu thiếu giải pháp thực tế bảo tồn và phát triển ngôn ngữ của cộng đồng dân tộc này thì nguy cơ biến mất chữ viết và tiếng Co sẽ xảy ra.
Đáng nói, những tài liệu, ấn phẩm bằng chữ Co vốn xuất hiện trong đời sống cộng đồng dân cư này những năm 1960 - 1970 về trước rất hiếm thấy. Trong khi nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước từng đề cập đến ngôn ngữ Co lại ít được phổ biến, không được cộng đồng người Co biết đến. Theo PGS-TS. Tạ Văn Thông, cuốn sách xây dựng chữ Co từ trước năm 1975 có tên “Bay Hok Pok Kool Kua - Cua Language Lesson - Bài học tiếng Cua” của Viện Ngữ học mùa hè được Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục xuất bản năm 1974 hầu như không được phổ biến trong cộng đồng người Co. Ở trong nước, cho tới nay vẫn chưa có tài liệu nào nghiên cứu chuyên biệt hay miêu tả các mặt của chữ Co. Phần lớn các nghiên cứu cũng chỉ xoay quanh đặc điểm phong tục tập quán và văn nghệ dân gian hay chỉ dừng lại ở phân loại cội nguồn tiếng Co...
Hy vọng bảo tồn
Với công trình “Nghiên cứu hoàn chỉnh bộ chữ dân tộc Co, biên soạn sách dạy và học tiếng Co”, những người làm khoa học đã tiến hành nghiên cứu ngữ âm tiếng Co, đề xuất hệ thống chữ (phiên âm, tự dạng La tinh) để ghi lời nói của dân tộc Co ở dạng khẩu ngữ, ghi lại các tác phẩm văn nghệ truyền thống của đồng bào. Qua 4 năm mày mò nghiên cứu, bộ sách gồm 3 cuốn phục vụ cho việc dạy và học tiếng Co đã ra đời gồm: Ngữ vựng Việt - Co, Co - Việt với 6.000 đơn vị ngữ âm; Ngữ pháp tiếng Co (gồm 5 chương, 187 trang) miêu tả tiếng Co ở một số khía cạnh căn bản: ngữ âm, chữ viết, cấu tạo từ, từ loại, câu. Sách tiếng Co với 231 trang, 61 bài, gồm 2 phần chính: giới thiệu chung về tiếng Co, biên soạn những đoạn hội thoại tiếng Co và dịch sang tiếng Việt, được xem là cuốn sách giáo khoa phục vụ việc dạy và học. Mục tiêu của các nhà nghiên cứu còn hướng tới biên soạn Từ điển Việt - Co, Co - Việt phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy bản sắc cộng đồng dân cư này.
Tại buổi nghiệm thu đề tài tại Sở Khoa học và công nghệ, TS. Lê Văn Trường - Ủy viên phản biện Hội đồng nghiệm thu nhận xét: “Đây là một công trình hết sức công phu, thu thập được số lượng từ rất lớn và đã thể hiện sự so sánh, đối chiếu giữa tiếng Co tại nhiều địa phương. Song cần hướng đến thống nhất ngôn ngữ Co Quảng Nam với Quảng Ngãi và Kon Tum. Làm sao để ai cũng có thể tiếp cận được sách dạy học tiếng Co, Từ điển Việt - Co, từ người dân, cán bộ, giáo viên, người làm công tác nghiên cứu và vùng nào cũng có thể sử dụng được”. Cùng quan điểm, Ủy viên phản biện - ThS. Huỳnh Thị Thùy Dung chia sẻ, để tạo thống nhất về ngôn ngữ, Sở Khoa học và công nghệ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum cần hợp tác trao đổi thành quả nghiên cứu, tài liệu biên soạn phục vụ bảo tồn và phát huy ngôn ngữ Co, tránh tình trạng mỗi nơi làm mỗi kiểu…
Cử nhân Lê Thị Thủy (Ban dân tộc - HĐND tỉnh) cho rằng, thực trạng mai một tiếng nói và chữ viết không chỉ xảy ra đối với người Co mà cũng đang diễn ra với một số dân tộc thiểu số khác. Để bảo tồn ngôn ngữ, đòi hỏi tài liệu phải chuẩn, càng dễ tiếp cận càng tốt. Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ cho biết, sau khi trình UBND tỉnh công nhận kết quả nghiên cứu, sở sẽ trao đổi kết quả với Sở Khoa học và công nghệ các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum nhằm hướng tới chuẩn hóa tài liệu, chuẩn hóa ngôn ngữ. Riêng Từ điển Việt - Co, Co - Việt, yêu cầu nhóm nghiên cứu cần đầu tư kỹ hơn để sở có phương án chuyển giao sản phẩm đề tài cho Sở GD-ĐT, Sở VH-TT&DL, các địa phương có người Co sinh sống trên địa bàn tỉnh.
HOÀNG LIÊN