Chiếc khăn rằn
Đang tưới rau trong vườn, bỗng bá Cải nổi cơn ho sặc sụa vì khói. Từ bên kia, nhà Nhu đang đốt lá lảu, rơm mùn, một đống to như đống rạ áp sát ngay tường nhà bá Cải. Thật chẳng biết điều, hàng xóm với nhau, nhà bá lại đón đầu chiều gió bấc. Mới sáng ra, đã không cho người khác được hít thở không khí trong lành một chút, mà đã muốn người khác bực mình, muốn gây sự để cãi nhau. Gió vẫn thổi khói xông sang nghi ngút, uốn lượn như rắn, bá Cải đành vứt cái xô, lấy bàn tay che mũi đi vào. Vừa đặt chân xuống cầu ao, thấy ba con vịt nhà ấy đang rỉa lông rỉa cánh, bá cầm que đuổi chúng, tiếng vịt quang quác ầm ĩ cả mặt ao. Khi về đến địa phận cầu ao nhà, lũ vịt vẫn cứ ngoác mỏ ra kêu cặp cặp như thể tố giác vụ bạo lực vừa rồi.
Nhà Nhu chắc có nghe thấy nhưng chẳng ló mặt ra.
Như mấy tháng trước là đã có khối thứ để nói một cách mát mẻ rồi. Còn ngược trở lại những dạo trước nữa, bá Cải và nhà Nhu thân thiết chẳng kém gì chị em. Đi họp phụ nữ, đi làm, ăn cỗ, lúc nào chị em cũng í ới gọi nhau. Có miếng mít chín, quả ổi xanh, cũng chia cho nhau. Hai đứa cháu nhà bá suốt ngày sang trèo ổi bên đó. Việc gì nặng nhọc cần động chân động tay thì ông Tranh - chồng bá, sẵn sàng sang giúp mẹ con nhà ấy, từ việc đào giếng đến lắp cái ti vi mới... Chuyện cứ êm ả thế, tình xóm giềng thân thiết thế, vậy mà một hôm, bà Kỳ bên xóm tây gặp bá Cải đi làm đồng bèn thả bom một câu:
- Làm gì thì làm nhưng nhớ cẩn thận giữ chồng kẻo mất đấy nhé, bà trẻ!
- Sao bá lại nói vậy?
Bà ấy chỉ cười.
Bá Cải đi tát nước bữa đó, đến trưa ruộng vẫn chưa đầy. Chiều tối, cơm còn chưa ăn xong, nhà Nhu đã sang cổng gọi chồng bá đi tập văn nghệ. Chẳng kịp uống ấm trà bá vừa pha, ông Tranh đã hớt hải đi luôn. Làng chuẩn bị đón bằng làng văn hóa, nên đội văn nghệ tập kín các buổi tối, có hôm còn tập cả chiều. Cán bộ thôn mời cả nghệ nhân đàn bầu về dạy. Ông Tranh lúc đầu chỉ giữ chân gõ trống, nay được phân công học ngón đánh đàn bầu. Lắm lúc về đến nhà, đã khuya lắm vẫn còn mang đàn ra tập, con Trang không chịu ngồi học bài, chạy sấn ra chỗ ông đàn để nghe. Bá Cải bực mình lầm bầm. Khi ông Tranh đi tập văn nghệ rồi, bá chợt nhớ câu nói bóng nói gió lúc chiều của bà Kỳ bên xóm tây, thành ra cơm cũng không muốn ăn nữa. Bá sai con dọn đi, còn mình khoác thêm cái áo ấm, theo tiếng đàn hát mà lần ra nhà văn hóa.
Đàn hát đã réo rắt, mấy bác trong đội văn nghệ đang đi ra đi vào sắp cảnh, đạo diễn. Bá Cải đi vòng qua gốc cây sanh đến bên cửa sổ nhòm vào sân khấu. Trên sân khấu, ông Tranh và nhà Nhu song ca “Em xinh là xinh như cây lúa, a lúa đẹp lúa xanh…”. Cái cung cách hai người vừa hát vừa đắm đuối nhìn nhau, rồi nắm nhẹ bàn tay của nhau tình tứ, khiến bá Cải nổi cơn ghen. Bá chạy lên sân khấu, giằng tay chồng ra khỏi tay nhà Nhu rồi nói vỗ mặt: “Tưởng gì hóa ra rủ nhau đến đây để đú đởn. Ông Tranh ơi là ông Tranh, ông bảo chỉ đánh trống với gẩy đàn, nhưng thực tế ra đây ông gẩy cả người thế này. Người ta nói mà tôi còn ngu dại không tin. Trên sân khấu mà ông còn thế này, huống chi…”. Nhà Nhu bị bất ngờ trước tình thế khó xử, cứ đứng ngây người ra không nói được câu gì. Có mấy người vừa cười vừa chỉ trỏ, xì xầm. Bá Cải cầm tay chồng chặt như bó giò, nói với ông đội trưởng đội văn nghệ:
- Bác muốn chọn ai thì chọn, em không cho nhà em đi tập nữa đâu. Ông đi về ngay.
- Bá Cải, bá bình tĩnh, đang luyện tập thôi chứ có gì đâu. Đều tuổi ông tuổi bà rồi…
- Bác bảo em còn đợi tới lúc có gì đâu nữa à?
Bá Cải lôi chồng về. Ông Tranh không còn mặt mũi nào ở lại tập nữa. Đêm ấy, và nhiều đêm sau, đi ngủ mỗi người nằm quay một hướng. Ông Tranh muốn bá phải làm hòa nhưng bá không chịu. Bá nghĩ bá không có lỗi gì trong chuyện này cả. Hai nhà thôi qua lại với nhau từ bữa đó. Khi con Trang đòi bá dẫn sang bên ấy chơi, bá viện mọi lý do từ chối và nhắc cháu không được tự tiện sang nhà đó nữa. Cửa nhà Nhu hay đóng kín hơn, và bá Cải cũng ít khi nghe thấy những tiếng cười nói từ bên ấy vọng sang bên này nữa. Đi đâu giữa đường mà trông thấy nhau coi như không nhìn thấy, hoặc bá tránh đường khác cho khỏi phải đối đầu.
Bá Cải đang nấu cơm trưa, con cháu Trang đi học về, thấy bà thì hí hửng khoe:
- Hôm nay, tiết mục văn nghệ lớp con được chọn đi thi “Giai điệu tuổi hồng” cấp huyện đấy. Đó là bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”. Con cũng được chọn đi biểu diễn.
- Biểu diễn, con có biết hát hò gì đâu mà biểu với diễn?
- Nhưng con được chọn múa phụ họa, con múa vai chị Võ Thị Sáu. Mà bà ơi, bà đi mượn cho con một chiếc khăn rằn, khi diễn con phải quàng khăn rằn mới đúng là chị Sáu, người con gái Nam Bộ.
Yêu cầu của cháu, bá Cải đáp ứng ngay. Bá đang hãnh diện vì không ngờ cô cháu nhỏ của bá cũng được đi biểu diễn, lại cấp huyện hẳn hoi. Bá sang nhà dì Dinh hỏi xem dì có không, vì dì là quân chủ bài trong đội văn nghệ. Dì có rất nhiều trang phục: áo dài, áo bà ba, quạt, khăn vấn, nón quai thao… nhưng lại không có cái khăn rằn. Dì giới thiệu bá sang nhà vợ chồng bác đội trưởng đội văn nghệ, nhưng khi bá hỏi về chiếc khăn rằn, ông đội trưởng lắc đầu:
- Đội ta mới biểu diễn những tiết mục gọi là cây nhà lá vườn thôi nên không có. Mà bá mượn khăn rằn làm gì?
- Con cháu nhà em được đi biểu diễn ở huyện, đóng vai chị Võ Thị Sáu nên trang phục phải có thêm khăn rằn.
- Ừ! Đúng rồi. Tôi nhớ ra rồi, nhà Nhu có khăn rằn. Chính tay tôi mang nó về, đó là kỷ vật của anh Tuyên để lại. Ngày đó, khi vào đến Nam Bộ, anh Tuyên đã được một bà má tặng cho chiếc khăn. Anh bảo sẽ giữ nó mang về tặng vợ nhưng rồi anh hy sinh, tôi đã mang kỷ vật của anh về giao cho nhà Nhu, trong đó có chiếc khăn rằn...
Bá Cải im lặng ra về. Đường làng như rộng hơn, bụi dâm bụt nở hoa đỏ chót ven đường đang rung rinh trong gió như những ngọn đèn con. Bá có nên sang nhà Nhu không? Nếu sang thì mình là kẻ xuống nước trước, còn không, con bé sẽ không có phụ trang để múa. Cả cái huyện này, có đi cả ngày cũng không kiếm đâu được cái khăn đó. Mải suy nghĩ, bá Cải chợt nhận ra mình đã bước tới cổng nhà Nhu lúc nào không hay. Nhà Nhu cũng vừa ra mở cánh cổng định đi đâu đó.
Ngồi cầm chén nước vối nóng mân mê trong tay, bá Cải chưa biết mở đầu từ đâu thì nhà Nhu đánh tiếng trước:
- Chuyện sáng nay em đốt rác, bác thông cảm nhé! Lúc đầu em thấy gió đông bèn đi quét dọn đốt cho sạch sẽ, sắp đến ngày giỗ nhà em, không ngờ trời nổi gió bấc nhanh thế…
Bá Cải như được mở đường:
- Đã sắp đến ngày giỗ chú ấy rồi nhỉ? Mà này, chuyện vừa qua, tôi cả giận mất khôn, cô bỏ qua cho tôi nhé!
Khi bá Cải hỏi tới chuyện chiếc khăn rằn, nhà Nhu dẫn bá vào trong buồng, mở chiếc hòm gỗ cũ kỹ ra. Trong gói giấy báo, chiếc khăn rằn Nam Bộ được đặt cẩn thận nằm bên cạnh chiếc bi đông và cái áo trấn thủ. Bá Cải đưa hai tay đỡ lấy chiếc khăn rằn mà trong lòng đã hình dung ra cảnh trên sân khấu, cô cháu gái mặc bộ bà ba, quàng khăn rằn lên cổ, một bông hoa cài lên tóc, đang tung bay như một chú chim non. Nhà Nhu bảo với bá Cải: “Cháu Trang quàng chiếc khăn này khi múa phụ họa chắc giống chị Võ Thị Sáu lắm đây”. Bá Cải cười: “Tôi cũng nghĩ thế!”.
NGUYỄN THU HẰNG