3 nhà văn dòng họ Nguyễn Tường...

TRUNG PHƯỚC 27/04/2014 08:31

Không khó để tìm đến ngôi nhà thờ tộc Nguyễn Tường - vừa được TP. Hội An đưa vào làm điểm tham quan cuối năm 2013. Kiến trúc nghệ thuật độc đáo của ngôi nhà cùng những kỷ vật lưu dấu về dòng họ khoa bảng, văn nhân đã trở thành “địa chỉ văn hóa” ở phố Hội...

Dấu ấn Tự lực văn đoàn

Nhất Linh tên thật là Nguyễn Tường Tam, Hoàng Đạo là Nguyễn Tường Long và Nguyễn Tường Lân được biết đến với tên gọi Thạch Lam đã làm nên một điểm sáng trong nền văn học Việt Nam cận đại. Năm 1933, Nhất Linh cùng nhóm bạn văn chương đứng ra thành lập Tự lực văn đoàn, trong đó có 2 em của mình, để công bố những tác phẩm xuất sắc về giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Cũng từ đó, làng văn Việt Nam chứng kiến một nhóm văn nhân vừa làm báo, vừa viết văn và hoạt động xã hội. Tuy tồn tại không lâu, đến khoảng năm 1942, do điều kiện lịch sử, nhóm tự tan rã, nhưng những tác phẩm văn học có giá trị vẫn còn lưu truyền mãi cùng thời gian. Theo nhiều ghi chép, Tự lực văn đoàn là một chức văn học đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam do tư nhân chủ xướng, không dính líu đến vua quan, thân hào như các thi xã kiểu cũ và cũng không phát ngôn theo tiếng nói của quyền lực. Tự lực văn đoàn nổi tiếng với việc xuất bản tờ báo châm biếm đầu tiên ở Việt Nam mang tên Phong Hóa, hiện đại hóa văn học Việt Nam và theo đuổi những cải cách. Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mỡ… là những người đi tiên phong trong thế hệ trí thức trẻ, để lại cho đời những tác phẩm xuất sắc và mở ra trào lưu văn học như Thơ Mới, tiểu thuyết lãng mạn…

một số di vật các đời tộc Nguyễn Tường để lại.Ảnh: t.p
một số di vật các đời tộc Nguyễn Tường để lại.Ảnh: t.p

Trong ngôi nhà thờ tộc Nguyễn Tường tại đường Nguyễn Thị Minh Khai (Hội An), ngoài những tác phẩm văn học xuất sắc của 3 anh em Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, người xem còn được dịp chiêm ngưỡng những bức họa do chính họ vẽ nên. Một nhà thờ tộc tái hiện không gian sống của những văn nhân thuở trước, đáng để người đời tìm đến chiêm ngưỡng. Trong khuôn viên ấy, những cuốn sách một thời nổi đình đám trong nền văn chương Việt như Hồn bướm mơ tiên, Gió đầu mùa, Con đường sáng, Nửa chừng xuân… được bày biện ngay ngắn ở gian phải, cùng 3 tủ sách bề thế là tập hợp những tác phẩm của 3 anh em tộc Nguyễn Tường. Và không chỉ để lại tiếng thơm bằng những tác phẩm văn học, Nhất Linh - người con của gia đình họ Nguyễn Tường khi ấy, còn là người trượng nghĩa. Vốn dĩ Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam là một giáo viên dạy tại trường Thăng Long và Gia Long ở Hà Nội. Sau đó ông làm chủ bút tờ Phong Hóa - bệ phóng thành lập nên nhóm Tự lực văn đoàn; khi Phong Hóa bị đóng cửa, ông tiếp tục làm chủ bút cho các tờ Ngày Nay, Việt Nam và giai phẩm Văn hóa Việt Nam. Dù những tờ báo này đều bị “chết yểu”, nhưng tinh thần về một người dám viết thẳng, cười cợt hiện thực cuộc sống thối nát lúc bấy giờ đều được hậu thế đánh giá cao. Nhất Linh cũng là Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn bút Việt Nam. Năm 1960, Nhất Linh phản đối chế độ Ngô Đình Diệm bằng cách uống độc dược tự vẫn tại Sài Gòn. Năm 2001, mộ ông và vợ mới được đưa về nghĩa trang Hội An - mảnh đất cội nguồn của tộc họ Nguyễn Tường. Rất tiếc thông tin về mộ nhà văn Nhất Linh hiện ở Hội An rất ít người biết đến, ngay cả những hướng dẫn viên giới thiệu trong ngôi nhà thờ tộc Nguyễn Tường cũng nói “chưa hề nghe đến thông tin này”.

một góc trưng bày sách của các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam.
một góc trưng bày sách của các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam.

Nơi lưu danh dòng tộc

Tộc họ Nguyễn Tường ở Hội An nổi danh là một dòng họ khoa bảng. Tiền nhân khởi dựng ngôi nhà, cụ Nguyễn Tường Vân (1774 - 1822), vào năm Minh Mạng thứ 1 (1820) được thăng chức Binh bộ Thượng thư. Người con thứ 2 của cụ là  Nguyễn Tường Phổ đỗ tiến sĩ thời Thiệu Trị. Nhiều chiếu chỉ, sắc phong của cụ Nguyễn Tường Vân và người con trưởng Nguyễn Tường Vĩnh, Nguyễn Tường Phổ vẫn còn được gia đình lưu giữ đến nay. Một gia tộc bề thế như vậy, nhưng về sau này mới được xã hội công nhận những thành quả tộc họ đã làm được, âu cũng là điều đáng buồn. Chỉ riêng ngôi nhà thờ tộc đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, đã đủ góp phần làm nên sự danh giá của cả một dòng tộc có công rất lớn trong việc khai phóng nền văn học Việt Nam. Tất cả những hoa văn họa tiết trên hệ thống cột kèo đều do phường thợ mộc Kim Bồng ngày xưa chạm trổ. Trong nhà thờ có khá nhiều di vật của các đời tộc Nguyễn Tường, trong đó, đáng chú ý là những tủ sách của 3 anh em họ Nguyễn Tường do người trong tộc cũng như chính quyền thành phố sưu tầm. Trong đó, có thể kể tên một số đầu sách đã làm nên tên tuổi của họ như Đoạn tuyệt (Nhất Linh), Gió đầu mùa (Thạch Lam), Trước vành móng ngựa (Hoàng Đạo)… Cũng có những bức họa do chính tay Thạch Lam vẽ về khu thị trấn ở Hải Dương đã bàng bạc trong tác phẩm của ông, hay bản sao bức tranh của nhà văn Nhất Linh cùng nhiều vật dụng cổ có giá trị của gia tộc.

Khi đưa nhà thờ tộc Nguyễn Tường trở thành một điểm tham quan của TP. Hội An, những người làm văn hóa tại đây mong rằng nơi này sẽ trở thành tâm điểm của những hoạt động liên quan đến “văn hóa đọc” cũng như mở rộng phạm vi hiểu biết về nhóm Tự lực văn đoàn đến người dân cũng như đông đảo du khách. Tuy nhiên, gần một năm đi vào hoạt động, nhà thờ tộc Nguyễn Tường vẫn chưa thể trở thành nơi tụ hội của những người yêu sách, yêu sự đọc. Âu cũng là điều đáng buồn khi ngay trong những Ngày hội đọc sách lần I do TP. Hội An tổ chức, rất nhiều hoạt động được bày ra, nhưng những gì là tinh hoa phố cổ - như dấu ấn mà tộc Nguyễn Tường để lại cho đời, vẫn chưa được khai phá.

TRUNG PHƯỚC

TRUNG PHƯỚC