Đờn ca tài tử - vốn quý phương Nam - Kỳ cuối: Ngọc sáng văn hóa Nam Bộ

VŨ ĐỨC SAO BIỂN 25/04/2014 08:55

  • Đờn ca tài tử - vốn quý phương Nam - Kỳ 1: Chắt lọc tinh túy
  • Đờn ca tài tử - vốn quý phương Nam - Kỳ 2: Càng đi càng mới
  • Đờn ca tài tử - vốn quý phương Nam - Kỳ 3: Thú chơi dân gian

Tôi đến Bạc Liêu ngày 23 tháng 10 năm 1970, khi mới 22 tuổi. Tôi không nghĩ một người con đất Quảng Nam lại may mắn lọt vào đúng cái nôi của Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ. Ngày ấy trên báo chí và đài phát thanh, người ta đã gọi tôi là nhạc sĩ. Thế nhưng, tôi cảm thấy thật sự hạnh phúc khi được học hỏi thêm nhiều điều quý giá trong sân chơi ĐCTT Nam Bộ những điều không có trong giáo trình của âm nhạc Tây phương. Và càng đi sâu tìm hiểu âm nhạc của ĐCTT, tôi càng hiểu ra những điều lạ lùng, thú vị của âm nhạc dân tộc, âm nhạc phương Nam. Chính giai đoạn ở Bạc Liêu, tôi mới thẩm âm được giai điệu Nam Bộ và sau này mới hình thành được một phong cách âm nhạc Nam Bộ trong ca khúc tân nhạc cho mình. Tôi viết được hơn 20 ca khúc khai thác phong cách nhạc ĐCTT cho khu vực Nam Bộ, đặc biệt là phục hiện “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Nhiều nhạc sĩ khác như các ông Thanh Sơn, Tiến Luân, Vũ Quốc Việt, Hàng Châu, Hồ Hoàng… cũng khai thác giai điệu ĐCTT, sáng tác thành công những ca khúc mới.

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu cải lương là từ sân chơi ĐCTT mà thành danh. Tất nhiên, những diễn viên danh tiếng này cũng phải học và khổ luyện nghệ thuật cải lương và qua quá trình biểu diễn trên sân khấu, công chúng mới xem họ là những nghệ sĩ lớn. Một lớp các soạn giả cải lương danh tiếng như cụ Viễn Châu, các ông Trần Hữu Trang, Hà Triều, Hoa Phượng, Kiên Giang… cũng là những người xuất thân và có nghiên cứu kỹ lưỡng về ĐCTT. Soạn giả Viễn Châu là người viết hơn 5.000 bài ca vọng cổ lẻ, cũng là người khai sinh ra lối ca tân cổ giao duyên, đưa tân nhạc vào bài vọng cổ. Sở dĩ ông làm được điều ấy bởi tuồng tích cải lương vốn lấy Vọng cổ làm nền tảng và phong phú hóa nó bằng cách đưa những bài bản ĐCTT vào.

Tôi đã khẳng định có ĐCTT mới có sân khấu cải lương. Sân khấu cải lương (bao gồm kịch bản, tuồng tích và người ca diễn) đặt trên nền tảng chính quy hóa, hệ thống hóa có “gạn đục khơi trong” những bài bản và kỹ năng ca diễn của sân chơi ĐCTT. Điều đáng lo lắng là sân khấu cải lương ngày nay đang bị sự lấn áp quá lớn của văn hóa nghe nhìn do các phong trào nhạc mới, tivi, internet, điện ảnh… hình thành. Bản thân nó cũng không có được những tuồng tích hấp dẫn cỡ như “Đời cô Lựu” của Trần Hữu Trang hay “Nửa đời hương phấn” của Hà Triều và Hoa Phượng. Một lớp trẻ ảnh hưởng khá sâu đậm văn hóa, giáo dục hiện đại, quay lưng lại với cải lương vì họ cần thưởng ngoạn những thứ văn hóa văn nghệ có tiết tấu nhanh hơn. Sự xuống cấp rồi mất dần những rạp cải lương ở các tỉnh và thành phố phía Nam cũng là một nguyên nhân khiến cải lương không còn đất diễn. Cải lương có thể mai một nhưng ĐCTT lại phát triển vượt bậc và đang có khuynh hướng chính quy hóa, đặc biệt là sau ngày đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới do UNESCO trao tặng.

Bộ rễ của ĐCTT cắm rất sâu, rất rộng trong tâm hồn người phương Nam. Nó đã trở thành máu, thành thịt trong sự thể hiện và thưởng ngoạn văn hóa văn nghệ của người phương Nam. Ai sinh ra từ đồng bằng sông Cửu Long cũng có thể ca được một vài câu vọng cổ, một vài câu Phụng cầu hoàng dù biết rằng mình ca không hay. Ai cũng có thể viết ra được những bài mới, những nội dung mới cho sinh hoạt ĐCTT. Đi nghe một sân chơi ĐCTT ở phía Nam hôm nay, người nghe có thể thú vị với những đề tài, nội dung mới như kế hoạch hóa gia đình, phê phán thói đánh vợ, cách nuôi tôm, cá tra, làm lúa, trồng khóm (trái thơm) đạt hiệu quả. Một loại hình văn hóa văn nghệ phổ biến đại trà, đều khắp, gần gũi đời sống nhân dân như vậy có sức sống bền bỉ, mãnh liệt là phải rồi.

Có một nét mới trong sinh hoạt ĐCTT hiện nay là nghệ thuật này đang được quy chuẩn hóa, chính quy hóa cho phù hợp với thời đại mới và chủ trương phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc như Nghị quyết Trung ương 5 đã đề ra. Liên hoan ĐCTT tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức hàng năm cho nghệ nhân đờn và ca cấp xã, cấp huyện có cơ hội giao lưu, thi thố tài năng, nâng cao tay nghề. Bài ca đã được trí tuệ hóa, do các cán bộ ngành văn hóa đã qua trường lớp viết ra, ngày càng sâu sắc hơn, chuẩn mực hơn. Người ca cũng được hướng dẫn kỹ năng, kỹ thuật ca diễn để có thể bước lên sân khấu lớn. Sân chơi ĐCTT ngày nay đã có những sân khấu chính quy, hiện đại, có thể có cả nghìn khán giả đến nghe. Trình độ thưởng ngoạn của người nghe cũng được nâng lên; họ có thể so sánh và biết được ai ca hay, ca mùi, ai chưa đạt.

Tôi cho rằng chính cái cách phục vụ tự nguyện, thưởng ngoạn tự do đã làm nên hồn tính ĐCTT, xác định nó khác hẳn so với các loại hình văn hóa văn nghệ giải trí khác vốn phải có doanh thu. Không ai nói đến chuyện thù lao tiền bạc khi đã tham gia và tham dự sân chơi ĐCTT. Thậm chí, người ta còn bỏ tiền, bỏ thì giờ, công sức ra để chơi; làm vui cho mình và vui cho người nghe. Họ tham gia chơi, tham gia nghe vì họ yêu đờn ca chứ không vì một mục đích nào khác. Chính cái tâm thế thoải mái đó khiến cả hai bên diễn xướng và thưởng ngoạn đều vừa lòng, an tâm cống hiến cho văn hóa văn nghệ. Về khoản này, không một hoạt động nghệ thuật nào vượt qua được ĐCTT Nam Bộ.

Trên thực tế, ĐCTT Nam Bộ trở thành một phương thuốc chủng ngừa tinh thần cho con người nói chung và thanh niên Nam Bộ nói riêng. Nó làm tinh thần con người lành mạnh và khó bị ảnh hưởng xấu của những trào lưu văn hóa phi dân tộc, văn hóa ngoại lai tràn vào. Thật đáng mừng khi đi nghe ĐCTT lại gặp những người đờn, những người ca là thanh niên nam nữ yêu văn hóa dân tộc. Trong khán thính giả của ĐCTT, thanh niên, thiếu nữ, thiếu niên vẫn chiếm số đông. Chính cách chơi phóng khoáng, trữ tình lành mạnh đã thu hút họ đến sân chơi này thay vì lao vào những hình thái giải trí mang đậm chất ngoại lai phi văn hóa.

ĐCTT thật sự xứng đáng là Di sản văn hóa của thế giới nhưng nó lại được công nhận chậm hơn so với các giá trị văn hóa phi vật thể khác. Đáng lẽ ra, nó phải được công nhận trước cả Cồng chiêng Tây Nguyên, Hát xoan và Quan họ. Bởi vai trò của nó là rất lớn rộng, không chỉ khu trú trong khu vực Nam Bộ mà cả ba miền đều có thể học và ca ĐCTT được, miễn là học được cách phát âm Nam Bộ. Điều này cắt nghĩa tại sao phía Bắc có những đoàn cải lương mà phía Nam lại không có đoàn quan họ nào ra đời.

ĐCTT chính là tâm hồn của phương Nam, trí tuệ dân gian của phương Nam. Hai mươi mốt tỉnh thành phố phía Nam đang giữ gìn, phát huy, bảo vệ giá trị văn hóa của thú chơi này. Tôi nhấn mạnh hai chữ “thú chơi” bởi lẽ nó sinh ra đời là chỉ nhằm giải trí cho nhân dân lao động. Giá trị nhân văn của nó nằm ở chỗ thể hiện trung thực cảm xúc của con người, hướng con người đến chân, thiện, mỹ mà hoàn toàn không vụ lợi. Ta có thể xem nó là ngọc sáng văn hóa của Nam Bộ, một giá trị vĩnh cửu.

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

VŨ ĐỨC SAO BIỂN