Câu hát bến sông

NGUYỄN HẢI TRIỀU 13/04/2014 09:10

Là người Quảng Nam, ai cũng từng nghe câu ca: “Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên...”. Cá chuồn kho với mít non là món ăn bình dị nhưng ngon nhớ đời của người xứ Quảng; nếu ai đó đã một lần nếm thử mới thấy thấm thía, ý vị hơn lời của câu hát để hiểu sự gắn bó thủy chung của biển với nguồn. Quê tôi nằm bên dòng sông Vu Gia. Những câu ca dao và bao câu chuyện tình dân dã xưa kia một phần có lẽ cũng bắt đầu từ dòng sông cùng những chuyến hàng ngược xuôi của khách thương hồ hàng trăm năm trước.

Hòn Kẽm Đá Dừng.  Ảnh: An Nghĩa
Hòn Kẽm Đá Dừng. Ảnh: An Nghĩa

Người ta kể lại rằng, từ xưa, khi đường bộ còn đèo suối cách trở với hiểm họa thú dữ, cướp bóc, thì đường thủy là phương tiện chính để nguồn với biển giao lưu hàng hóa. Những chiếc ghe bầu từ Cửa Đại, Vĩnh Điện chở đầy cá biển, mắm, muối... dong buồm ngược sóng Thu Bồn qua Giao Thủy rẽ về Vu Gia đến quê tôi, họ ghé vào các bến chợ ven sông như Gia Cốc, Phường Đông, Hà Tân, Hội Khách… trao đổi hàng hóa; nhanh thì vài buổi, lâu thì năm bảy ngày, rồi mua lại những thổ vật nơi ấy để về xuôi. “Trầu nguồn ở tận sông Bung/ Chờ cau Đại Mỹ để cùng về xuôi”. Những chuyến đi chín bến mười bờ; những lần gặp gỡ quen biết, các chàng thương khách miền xuôi đã để lại trên quê tôi nhiều kỷ niệm của bao chiều gặp nhau giữa “nam thanh nữ tú” nơi biền dâu xanh mướt, và cả những mối tình đầy ắp yêu thương mong nhớ mà không ít “vết tích” của nó chính là những câu hát giao duyên qua lớp bụi thời gian còn lại đến bây giờ: “Chiều chiều mang giỏ hái dâu/ Hái dâu không hái, hái câu ân tình”.

Tình yêu của họ có thể bắt đầu từ một đêm hát hò khoan nào đó. Sau nhiều câu hát ví von, chào hỏi lịch sự; người con trai muốn thể hiện cá tính miền biển “ăn to nói lớn”, đánh bạo: “Gặp nhau đây anh nắm cổ tay/ Anh hỏi câu này: có lấy anh không?”. Những cô gái quê, dân dã chất phác nhưng không kém sự thông minh dí dõm, khôn ngoan nên đã nói dứt khoát: “Bạn có thương thì thương cho chắc/ Nhược bằng trục trặc thì trục trặc cho luôn/ Đừng như thỏ đứng đầu truông/ Khi vui giỡn bóng khi buồn bỏ đi”. Thỏ là loài vật bị người đời cho là yếu bóng vía nhất; trong trường hợp này, cô gái muốn bảo chàng trai phải mạnh dạn hơn, có thương thì đến chứ đừng “nhác như thỏ đế” mà hỏng chuyện. Chàng trai rất hiểu lòng cô gái nên họ đã cảm thông nhau, mối tình được thổ lộ một cách kín đáo khi lòng chàng trai: “Trái loòng boong trong tròn ngoài méo/ Trái thầu dầu trong héo ngoài tươi/ Thương em ít nói hay cười/ Ôm duyên mà đợi chín mười con trăng...”. Với cô gái, khi ra về thì: “Rúi tơ, rúi chỉ gỡ xong/ Rúi đầu có lược, rúi lòng khó phân”.

Chưa phân giải được hết nỗi lòng mình với người khách lạ nhưng cô gái cũng biết rằng đã thầm thương trộm nhớ anh ta từ cái đêm hát hò khoan ấy, để rồi tiếp theo là những cuộc hẹn hò: “Chờ cho buổi chợ mau trưa/ Rảnh buôn rảnh bán đi ngừa người thương”. “Ngừa” ở đây hiểu theo kiểu dân dã có nghĩa là đón, đưa, đợi, chờ, mong ngóng... mặc dù việc buôn bán bận rộn nhưng tâm trí chàng trai vẫn luôn nghĩ đến người thương và muốn nhanh gặp nhau để thỏa lòng mong nhớ. Rồi tình cảm đến độ chín muồi; người con gái nết na, tính tình kín đáo với một lòng thủy chung son sắt, cô nguyện có thể đánh đổi tất cả cuộc sống vì tình yêu: “Ví dầu cổ cắt đầu bêu/ Đi ngang qua ngõ cũng kêu ớ chàng/ Hai tay em cầm bốn lượng vàng/ Phụ mẫu biểu bỏ thì em bỏ chứ ngãi chàng thì em không”. Lời thề sắc như dao, cô gái thà sẵn sàng mang tội bất hiếu vì không nghe lời cha mẹ nhưng không thể phụ bạc người mình thương và có thể chết, có thể tù đày vẫn không bỏ nhau: “Ví dầu đan rọ thả sông/ Trôi lên trôi xuống thiếp cũng không bỏ chàng/ Ví dầu tới huyện tới quan/ Lỗi em em chịu, lỗi chàng em xin...”. Sự chân thật của cô gái đã làm chàng thương khách phải lòng, tình yêu của họ nồng thắm với bao lời hứa hẹn: “Sông dài cá lội biệt tăm/ Người dưng có nghĩa thì mấy năm em cũng chờ”.

Cuộc đời thương hồ lênh đênh sông nước rày đây mai đó với những chuyến hàng ngược xuôi. Chàng trai phải về lại quê khi thuyền đã mua đầy những trầu cau, tơ lụa, loòng boong... Họ hẹn nhau lần sau gặp lại. Cô gái dù có nhớ thương bao nhiêu cũng không thể ngăn bước người đi. Thôi thì đây, gửi cùng gió mây, sông nước lời trách móc người tình trong buổi gặp gỡ cuối cùng bên chiếc cầu ván đầu thôn: “Bạn về dưới nớ về luôn/ Để khăn chéo lại lụy tuôn ta chùi”. Lời thương thân trách phận ấy cũng là để nhắc nhở người yêu đừng bao giờ quên mối tình mới vừa chớm nở. Người ta bảo lời nói của phụ nữ luôn đi ngược lại suy nghĩ của họ. Trong trường hợp này, giống như sự bắt đền “bao nhiêu nhân ngãi bạn bồi cho ta”, và cô gái đòi giữ chiếc khăn chéo lại không những chỉ để lau nước mắt mà rõ ràng là muốn giữ hơi ấm của người mình yêu. Còn chàng trai trấn an cô gái: “Anh về ba bữa anh lên/ Em đừng úp mặt vô phên khóc thầm”. Trước khi chia tay, cô cảnh giác với người yêu: “Anh về dưới nớ ta cũng muốn về theo/ Sợ truông cát nóng, đường đèo đá dăm/ Con rắn đi đất bột còn dằm/ Cơn sầu ta giải mấy năm cho rồi/ Sông có khúc lở khúc bồi/ Khúc mô lở, lở tuốt; khúc mô bồi, bồi luôn...”.

Những tháng ngày sau đó là sự đợi chờ, trông ngóng về phía xuôi, và nếu bóng dáng cánh buồm của chiếc ghe bầu quen thuộc ấy vẫn biền biệt phương trời thì cô lại than thân trách phận với mối tình hẩm hiu của mình: “Bạc tình chi rứa hỡi ai/ Non cao úp mặt, đường dài quay lưng...”. Để rồi mãi đến bây giờ dòng sông quê tôi vẫn chảy và câu hát bến sông vẫn được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác...

 NGUYỄN HẢI TRIỀU

NGUYỄN HẢI TRIỀU